Kế thừa từ thành công của các phiên chất vấn trước, không khí sôi nổi, dân chủ và trách nhiệm một lần nữa lại được thể hiện ở phiên chất vấn lần này. Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày rưỡi, nhưng phiên chất vấn đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó có 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận; và vẫn còn 11 đại biểu đã đăng ký nhưng do hết thời gian, chưa được phát biểu.
Với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao, các đại biểu đã chất vấn các bộ trưởng, trưởng ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực: nông nghiệp và phát triển nông thôn; công thương; văn hóa, thể thao và du lịch; tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát. Đây lần đầu tiên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành “giám sát lại” việc thực hiện các nghị quyết của các bộ trưởng, trưởng ngành, thể hiện trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc giám sát đến cùng việc thực hiện các yêu cầu, kiến nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với những vấn đề cử tri, Nhân dân quan tâm, những vấn đề thực tiễn đặt ra cần các bộ, ngành tập trung để tháo gỡ.
Cần nhấn mạnh rằng, chất vấn không phải là sát hạch. Đây là hình thức giám sát, là cơ hội để các bên cùng cộng đồng trách nhiệm, cùng nhau nhìn lại để thấy rõ thực trạng, thẳng thắn nhìn vào những tồn tại, yếu kém. Cùng với đó làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc, bảo đảm các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc. Trên cơ sở đó có những giải pháp để khắc phục nhằm để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước một cách tốt hơn.
Và tinh thần cộng đồng trách nhiệm ấy một lần nữa đã được thể hiện rõ qua phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ lần này. Qua theo dõi 1 ngày rưỡi chất vấn cho thấy, các đại biểu Quốc hội thể hiện tinh thần dân chủ, trách nhiệm cao, các chất vấn đã đi thẳng vào vấn đề. Các thành viên Chính phủ, trưởng ngành cũng đã rất thẳng thắn để giải trình, làm rõ những vấn đề mà các đại biểu quan tâm. Và đặc biệt, các "tư lệnh" ngành đã không né tránh khi nhận trách nhiệm trước những vấn đề tồn tại, hạn chế của bộ, ngành mình quản lý. Đơn cử, trước chất vấn của đại biểu Quốc hội về việc “Có hay không tình trạng một bộ phận cán bộ quản lý thị trường "bảo kê" cho người có hành vi sai phạm? Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã thẳng thắn thừa nhận: “Chuyện đó là hoàn toàn chính xác”.
Hay trước lo ngại của đại biểu Quốc hội về tình trạng sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã chậm, khi thực hiện sắp xếp theo yêu cầu khi giai đoạn 2023 - 2025 cả nước thực hiện sắp xếp 49 đơn vị cấp huyện, 1.247 đơn vị hành chính cấp xã của 53 địa phương và việc sáp nhập phải hoàn thành trước tháng 10.2024 nhưng cho đến nay, mới chỉ có 3 địa phương trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định và 3 địa phương đang trình thẩm tra. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã thẳng thắn thừa nhận, tiến độ “đúng là rất chậm”. Đồng thời cho biết, với tiến độ này có thể nhìn thấy là trước mắt đang rất khó khăn và khó có thể hoàn thành trước tháng 10. Theo bộ trưởng, “có trách nhiệm của Bộ Nội vụ và có trách nhiệm của các địa phương”.
Qua chất vấn, nhiều hiến kế của các đại biểu Quốc hội cũng đã được gợi mở. Nhiều giải pháp cũng đã được các bộ trưởng đưa ra tại phiên chất vấn như những lời hứa, cam kết trước đại biểu, cử tri và Nhân dân để khắc phục những tồn tại, tháo gỡ những vướng mắc, cũng như nâng cao hiệu quả quản lý của bộ, ngành mình.
Phát biểu bế mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ trưởng, trưởng ngành. Vẫn biết rằng, không phải lời hứa, cam kết nhiệm vụ nào cũng giải quyết nhanh chóng, làm được ngay, nhất là những giải pháp về mặt chính sách có thể có “độ trễ” nhất định. Tuy nhiên, đã cam kết thì phải hành động; đã hứa thì phải làm, phải quyết liệt thực hiện.