Cam kết điều tốt nhất cho lao động

- Thứ Năm, 07/10/2021, 22:29 - Chia sẻ
Khi khởi động lại sản xuất sau một thời gian dài giãn cách chống dịch, từng doanh nghiệp cần xây dựng và duy trì một kế hoạch kinh doanh liên tục. Để thực hiện kế hoạch này, an toàn nguồn lực lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu.
An toàn nguồn lao động là yếu tố quan trọng hàng đầu

Nền tảng phát triển bền vững

Đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi lao động do tác động của đại dịch Covid-19 hiện là mối quan tâm rất lớn của các nhà quản lý, quản trị doanh nghiệp.

Tại “Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp 2021” sáng 7.10 với chủ đề “Đảm bảo an toàn nguồn lực lao động - nền tảng của phát triển bền vững”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho rằng, doanh nghiệp có 3 nguồn vốn là tài chính, con người và nguồn vốn từ xã hội. Tuy nhiên, phần lớn mới chỉ nhìn đến tài chính mà ít nhìn đến hai nguồn vốn còn lại. Theo bà Dung, điều này sẽ thay đổi sau khủng hoảng của dịch Covid-19. “Với rất nhiều bài học, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có cái nhìn trọn vẹn hơn về nguồn nhân lực bởi chính nguồn lực này sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Dẫn thực tế tại PNJ khi xảy ra dịch bệnh, ở một số thời điểm có đến 85 - 90% cửa hàng phải đóng cửa, song PNJ vẫn bảo đảm 100% thu nhập cho người lao động. Thậm chí doanh nghiệp cũng đã tạm ứng 50% lương tháng 13 vì thấu hiểu đây là thời điểm người lao động cần tiền hơn bất kỳ lúc nào. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này đã thành lập nhóm ứng phó với dịch để chăm lo người lao động và gia đình. “Chúng tôi xác định chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động và gia đình họ là vấn đề quan tâm hàng đầu trong giai đoạn hiện nay”, bà Dung chia sẻ.

Ông Denis Brunetti, Chủ tịch Ericssion Việt Nam, Myanmar, Campuchia cũng cho rằng, doanh nghiệp phải luôn lắng nghe nhu cầu của người lao động, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch như hiện nay. “Cần có những cuộc khảo sát để hiểu thêm người lao động, điều nào quan trọng với họ, những gì có thể ảnh hưởng đến họ. Chủ doanh nghiệp phải cam kết những điều tốt nhất có thể cho người lao động; đưa ra những hỗ trợ cần thiết trong thời kỳ khó khăn sẽ giúp người lao động cân bằng cuộc sống gia đình và công việc”.

Người lao động cần an toàn, việc làm, thu nhập

Khi khởi động lại sản xuất sau một thời gian dài giãn cách, từng doanh nghiệp cần phải xây dựng và duy trì một kế hoạch kinh doanh liên tục. Để thực hiện kế hoạch này, cần tập trung vào hai nguồn lực lớn là tài chính và đặc biệt là con người.

Nguồn lực lao động gắn với câu chuyện an toàn nguồn lực lao động, góc nhìn từ bảo toàn và phát triển nguồn lực lao động, với chất lượng ngày càng cao, phát triển bền vững, gắn với một quan hệ lao động gắn kết pháp lý. Tuy nhiên, "một chính sách làm việc linh hoạt để thực thi bình đẳng giới tại nơi làm việc, hỗ trợ cho việc nâng cao, hiệu suất năng suất lao động đối với khu vực kinh tế tư nhân, dường như chưa được các doanh nghiệp quan tâm một cách đúng mức và đầy đủ", bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Deloitte Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững (VBCSD) nhận xét.

Trong giai đoạn mới - sống chung với Covid-19 -  sự bền vững về lực lượng lao động, nguồn lực quan trọng nhất và đang bị đứt gãy của doanh nghiệp, sẽ hỗ trợ rất nhiều bên cạnh nguồn lực tài chính đang mỏng gần đi qua từng giai đoạn của đại dịch.

Theo Chủ tịch FPT Telecom Hoàng Nam Tiến, người lao động hiện cần an toàn cho bản thân, gia đình, công ty và xã hội; có việc làm; thu nhập… Ông cũng thừa nhận, trong bối cảnh hiện nay, giữ nguyên lương cho người lao động đã khó, để giữ thu nhập còn khó khăn hơn vì doanh thu, lợi nhuận doanh nghiệp đều giảm.

Chủ tịch Deloitte Việt Nam cho rằng, hơn lúc nào hết, chính sách làm việc linh hoạt, chính sách đào tạo, quyền lợi cho người lao động cần được bảo đảm để có thể chia sẻ với doanh nghiệp một cách đầy tích cực. Bà tin rằng, sự bền lòng và sự gắn kết của người lao động càng cao thì doanh nghiệp càng phát triển bền vững. Và nhờ củng cố nguồn lực lao động, doanh nghiệp sẽ vượt qua thách thức trước mắt cũng như phục hồi, tạo đà tăng trưởng trong dài hạn.

Vũ Quang