Cảm hứng vượt thời gian

Hồng Hà 04/05/2019 09:08

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã mang đến cảm hứng mãnh liệt cho nhiều thế hệ văn nghệ sĩ nói chung và họa sĩ nói riêng. Những tác phẩm được vẽ giữa trận chiến, trên chặng đường hành quân 65 năm trước một lần nữa được giới thiệu trong triển lãm “Điện Biên năm ấy”, khai mạc chiều 3.5 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Những không gian bừng sáng

“Điện Biên năm ấy” cũng là tên tác phẩm sơn mài do họa sĩ Cao Trọng Thiềm, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam sáng tác năm 1994. Giới thiệu về tác phẩm, ông như trở lại cảm xúc khi xưa được sống và hòa mình trong cuộc chiến đấu khốc liệt, chứng kiến thế hệ cha anh dũng cảm, đồng lòng, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng cho Tổ quốc. Đó cũng chính là vốn tư liệu quý báu tác giả tích lũy được để sau này đưa vào tác phẩm của mình. Đối với họa sĩ Cao Trọng Thiềm, “Điện Biên năm ấy” chính là hình dung, là niềm tự hào của ông về chiến dịch Điện Biên Phủ, mà cho đến tận sau này ông mới có điều kiện tái hiện.

“Điện Biên năm ấy”, sơn mài của Cao Trọng Thiềm
“Điện Biên năm ấy”, sơn mài của Cao Trọng Thiềm

Trong câu chuyện của họa sĩ Cao Trọng Thiềm, chiến dịch Điện Biên Phủ hiện ra với lòng chảo Mường Thanh, một thung lũng rộng lớn và bằng phẳng, bốn bề là núi đồi trùng điệp. Trong không gian ấy là trận địa pháo với sức mạnh áp đảo, một không gian kháng chiến tiêu biểu cho hệ thống trận địa của quân đội và nhân dân ta. Hình ảnh những chiến sĩ pháo binh đang khẩn trương hướng nóng pháo về cứ điểm địch, nữ dân công tải đạn gấp rút chuẩn bị hỏa lực cho cuộc tổng tấn công, phía sau là chiến sĩ đang truyền tin qua máy phát tín hiệu… Tất cả được tái hiện vô cùng sống động, không chỉ là câu chuyện nơi chiến trường, mà còn thể hiện khí thế toàn dân tham gia kháng chiến, tình đoàn kết một lòng hướng đến giải phóng dân tộc.

“Đường lên Điện Biên”, sơn mài của Trần Khánh Chương
“Đường lên Điện Biên”, sơn mài của Trần Khánh Chương

Viết tiếp câu chuyện đó còn là hình ảnh những người lính băng rừng, lội suối, hành quân xuyên đêm qua tác phẩm “Hành quân qua suối” của Tô Ngọc Vân hay “Hành quân đêm” của Trần Đình Thọ; những chiến sĩ vượt đèo kéo pháo, đẩy pháo lên chiến trường Điện Biên Phủ đầy nhọc nhằn, gian truân nhưng không kém phần lãng mạn trong “Kéo pháo” của Dương Hướng Minh, “Đường lên Điện Biên” của Trần Khánh Chương. Những tấm gương hy sinh quên mình được thể hiện qua các tác phẩm như “Tô Vĩnh Diện chèn pháo” của Dương Hướng Minh, “Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng” của Lê Vinh. Trên những chặng đường hành quân gian khổ là tình quân dân thắm thiết, như “Gặp nhau” hay giây phút thảnh thơi lắng nghe “Tiếng hát mùa chiến dịch” cùng của Mai Văn Hiến...

Những họa sĩ - chiến sĩ

Theo Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương, để có được những tác phẩm cho công chúng thưởng lãm hôm nay, nhiều thế hệ họa sĩ đã phải trả bằng mồ hôi, nước mắt và cả xương máu. Trong số những bức tranh được trưng bày, rất nhiều là của các tác giả vừa là họa sĩ, vừa là chiến sĩ trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Họ đã ghi lại chân thực, sinh động cuộc sống, chiến đấu của quân và dân ta, như loạt ký họa chiến trường của các tác giả Tô Ngọc Vân, Nguyễn Trọng Hợp, Nguyễn Văn Tỵ…

Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (bên trái) và tác phẩm “Cả nước ra trận”
Nhà điêu khắc Lưu Danh Thanh (bên trái) và tác phẩm “Cả nước ra trận”

Và có lẽ, nhắc đến Điện Biên Phủ trong hội họa, không thể không nhắc tới danh họa Tô Ngọc Vân. Đầu tháng 4.1954, ông lên đường đi Điện Biên Phủ vẽ cảnh tiền tuyến, phong cảnh Tây Bắc. Nhiều bức tranh phản ánh hơi thở cuộc sống kháng chiến đã ra đời như: “Qua đèo”, “Cho ngựa ăn”, “Qua suối”, “Trú quân”, “Giáo viên dân tộc Thái”... Sau chiến thắng Điện Biên Phủ 40 ngày, Tô Ngọc Vân cùng hai họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ và Nguyễn Văn Ngọc trở lại Điện Biên Phủ lấy chất liệu thực tế để sáng tác những tác phẩm lớn về chiến thắng lịch sử này. Tuy nhiên, ông đã hy sinh trong một cuộc dội bom của máy bay Pháp tại Ba Khe, Sơn La. Kỷ vật ông để lại là rất nhiều bức ký họa về chiến trường đựng trong chiếc ống bương to đeo bên người... “Sự hy sinh của họa sĩ - chiến sĩ ấy, nhiều thế hệ học trò của ông vẫn còn nhắc nhớ, như một tấm gương lao động nghệ thuật hết mình vì đất nước”, nhà phê bình Nguyễn Hải Yến, Phó Chủ tịch Hội đồng Phê bình Mỹ thuật, Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận xét.

Tác phẩm về chiến thắng Điện Biên luôn gây ấn tượng mạnh mẽ
Tác phẩm về chiến thắng Điện Biên luôn gây ấn tượng mạnh mẽ

Cũng theo nhà phê bình Nguyễn Hải Yến, sau này chiến thắng Điện Biên Phủ vẫn là nguồn cảm hứng lớn trong hội họa. Nhiều họa sĩ như Phạm Thanh Tâm, Trần Đình Thọ, Mai Văn Hiến, Lưu Danh Thanh, Lê Quốc Lộc, Nguyễn Tiến Chung, Lê Lam, Ngọc Chi, Minh Khôi... rất thành công với mảng đề tài này. Sau chiến dịch, những tác phẩm ấy đã trở thành chứng tích ghi nhớ về một thời kỳ lịch sử hào hùng, như những nhân chứng, vật chứng chứa đựng nhiều thông tin và hình ảnh quý giá.

Họa sĩ Trần Khánh Chương cho biết, chiến dịch Điện Biên Phủ là mảng đề tài với nhiều tác phẩm lớn, nhưng dường như nó chưa bao giờ hết sức hút với các họa sĩ. “Phải khẳng định rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ là một chiến thắng thần kỳ của quân và dân ta trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp nói riêng và đấu tranh giành độc lập dân tộc nói chung. Chính vì vậy, đề tài này luôn gây ấn tượng không chỉ với lớp họa sĩ lâu năm mà cả một bộ phận tác giả trẻ. Qua thời gian, tuy chủ đề đã cũ nhưng phương pháp thể hiện đã khác, với cái nhìn rất mới, rất sáng tạo của các họa sĩ trẻ. Thế mới thấy sức sống mãnh liệt, vượt thời gian của chiến dịch huy hoàng này”.

Góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cảm hứng vượt thời gian
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO