Cảm hứng thế sự ở Lê Minh Khuê (Kỳ cuối)

Ga xép là một sự pha trộn tinh tế giữa thứ ngôn ngữ của ký ức và thực tại. Rất nhiều ám ảnh, hồi tưởng, triết lý, tâm trạng… trùng trùng đồng hiện, tạo nên một nhịp điệu trần thuật vừa đứt đoạn, lơi lỏng, vừa dồn nén, gợi nên nhiều tầng liên tưởng và xúc cảm.

>> Cảm hứng thế sự ở Lê Minh Khuê (Kỳ 1)

Bìa tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông xuất bản ở Mỹ
Bìa tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông xuất bản ở Mỹ

Hai bờ, Biển mịt mờ hoặc Một buổi chiều thật muộn cũng là những truyện ngắn giàu tính nhân sinh - tư tưởng dẫu rằng nó chỉ chớp lại một tình huống tưởng chừng rất bình thường: chuyện tình yêu. Một tình yêu bình thường trong những thời đoạn lịch sử không bình thường. Và do đó, con người thường trực sống trong sợ hãi, trong những ám ảnh triền miên, những nỗi đau đớn âm thầm, không thể chia sẻ, không thể giải thoát. Lê Minh Khuê đã trình bày những nỗi ám ảnh ấy như những tình huống ngày thường và do vậy, hiện lên trong truyện của bà là một hiện thực bất thường trong chính sự bình thường của nó, gợi nên cảm giác không an toàn và đầy thương tổn. Chính cái được gợi nên sau bề mặt hình tượng, giọng điệu này đã tạo nên “âm hưởng tiểu thuyết” rất đặc sắc trong những truyện ngắn kể trên.
 
3. Có thể dễ dàng nhận thấy, chi phối trong sáng tác thời kỳ đầu của Lê Minh Khuê là một cái nhìn trong sáng, hồn nhiên, mang đậm tính lý tưởng. Tuy nhiên trong các sáng tác thời hậu chiến của bà, đặc biệt là sau 1986, thay cho nhãn quan lý tưởng hóa ấy là một cái nhìn hiện thực đậm tính phê phán. Xét đến cùng, sự phê phán ấy chính là một biểu hiện khác của tinh thần công dân và ý thức trách nhiệm ở nhà văn. Đó không còn là một niềm tin dễ dãi và đơn giản. Niềm tin ấy luôn phải đối mặt và bị thử thách tàn nhẫn bởi một hiện thực nghiệt ngã, có khả năng hủy hoại triệt để những tín niệm thiêng liêng và bền vững nhất. Không phải ngẫu nhiên mà hiện lên trong nhiều trang viết của tác giả này là một thực tế đời sống gay gắt, trong đó, con người đánh mất niềm tin về giá trị của bản thân, về sự tốt đẹp của cuộc đời, trở nên bất lực, nhu nhược, cam phận, luôn luôn lo sợ. Khi con người không còn niềm tin, không còn lý tưởng, đó sẽ là mảnh đất tươi tốt lan tràn cái xấu, cái ác. Cũng không phải ngẫu nhiên mà truyện ngắn của Lê Minh Khuê nói nhiều đến lối hành xử côn đồ, tàn nhẫn giữa con người với con người. Một não trạng tinh thần đáng sợ. Bi kịch nhỏ là một ví dụ. Từ góc nhìn của một người cháu, một nhà báo nữ, về ông bác của mình, vốn là một cán bộ cấp cao trong bộ máy chính quyền nay đã nghỉ hưu, tác phẩm đặt ra nhiều vấn đề, chẳng hạn sự duy ý chí trong quản lý xã hội, sự trả thù cá nhân tàn độc nấp sau những chiêu bài chính trị, sự trớ trêu của đời sống hay là sự trả thù tàn khốc của số phận… Trên thực tế đấy không chỉ là bi kịch của cá nhân, nó còn là tấn bi kịch của xã hội và lịch sử. Con người đối mặt với sự trớ trêu của số phận kỳ thực là đối mặt với tội ác và sự tàn độc của chính mình.

Tuy cảm hứng phê phán chi phối khá đậm nét nhưng trong văn của Lê Minh Khuê dường như bao giờ cũng có một cái ngưỡng để níu giữ con người đứng lại trên bờ của những giá trị nhân văn. Những rung động, xúc cảm của con người, thể hiện qua những giọt nước mắt là cái ngưỡng tinh thần như vậy. Những giọt nước mắt của Mi trong Cơn mưa cuối mùa, Bình trong Biển mịt mù, hay của ông Lăng trong Ga xép… rất đáng chú ý. Vượt ra khỏi ý nghĩa phản ứng tâm lý thường tình, chúng là biểu trưng của một tâm hồn giàu trắc ẩn và chưa bị đời sống thực dụng làm cho chai đá, cỗi cằn. Đấy là biểu hiện của sự nhạy cảm trước những vẻ đẹp của cuộc đời, của con người. Là khát khao đồng cảm, chia sẻ, vượt lên những biên giới cách ngăn, thù hận. Trong nhiều truyện khác, nhà văn còn nói đến nỗi khao khát và xúc động trước những không gian “trời đất bao la sạch sẽ”, “nước sạch cỏ xanh” và sự “cao lớn”, “đường hoàng”, “tử tế” của con người. Những rung động, khát khao và cả những nỗi đau ấy là những xúc cảm đẹp đẽ, đầy nhân tính. Trong nhiều truyện ngắn của tác giả này, những xúc cảm ấy tựa như một thứ phép thử tâm hồn. Như những giọt dung dịch trên giấy quỳ, chúng cho thấy những sắc thái tinh thần phức tạp của con người và sẽ không dễ cắt nghĩa, lý giải nếu chỉ nhìn theo một chiều giá trị. Một nhân vật trong Cơn mưa cuối mùa đã cảm thán: “Giẫy giụa, chả có ích gì đâu các bạn ơi!” Dù vậy, bản thân sự “giãy giụa” ấy tự nó cũng đã nói lên điều gì đó chứ đâu chỉ là sự khốn khổ! Những con người được mô tả trong những câu chuyện này, thực ra, đâu thiếu thông minh. Ngược lại, chính vì thông minh và nhạy cảm, họ nhận ra rất rõ sự thiếu vắng của tình yêu và khát vọng trong đời họ, sự cùn mòn, hoen gỉ, trì trệ trong tâm hồn họ, sự tầm thường, ô trọc của cuộc sống mà họ đang hít thở. Nhưng cũng vì thông minh và nhạy cảm, nên họ cũng nhận ra rất rõ cái giới hạn không thể vượt qua, những níu kéo, ràng buộc không thể phá bỏ. Tóm lại, sự thông minh ấy giúp họ đủ tỉnh táo để nhận thấy tính phi thực tế của những giải pháp thay đổi trong cái môi trường sống nghèo nàn, thực dụng đang sống. Bởi vậy, vùng lên phá vỡ cuộc sống cũ đã vô vị đến phát ngấy thì không đủ can đảm (phá vỡ thì đi đâu, đến đâu?) nhưng cứ tiếp tục cam chịu thì đau khổ, dằn vặt. Nhà văn đã không xây dựng một kết thúc có hậu dễ dãi. Con người làm sao có thể phút chốc xóa bỏ mọi mối dây rợ trách nhiệm, nghĩa vụ ràng buộc quanh mình, cả những thói quen, dù là nhàm chán, vô vị? Sự chấp nhận, cam chịu buông xuôi của nhân vật tạo nên nỗi buồn nản thấm thía, cảm giác phũ phàng, nghẹt thở. Có thể xem sự đối nghịch cảm xúc này như một thành công đáng kể trong nghệ thuật viết của nhà văn, ở đây, nhân vật có thể đầu hàng, có thể thỏa hiệp, nhưng với người đọc, điều này sẽ tạo nên một sự phản kháng, một nhu cầu thay đổi thực sự.

4. Sự thay đổi trong chủ đề, ngôn ngữ, giọng điệu… từ Những ngôi sao xa xôi và những tác phẩm viết sau thời Đổi mới chứng tỏ nỗ lực bám sát đời sống của nhà văn cũng như những thay đổi đáng kể trong nhận thức của tác giả về hiện thực. Từ cái nhìn lạc quan, trong sáng và mang tính lý tưởng buổi đầu đến một cái nhìn gai góc, đậm chất phân tích sau này là cả một bước chuyển trong quan niệm, tư tưởng của người viết. Hướng đến cái đích nhận thức xã hội trong những tình huống đời sống cụ thể, nhiều truyện của Lê Minh Khuê đã tạo nên những phức hợp chủ đề, có khả năng bao quát và gợi ra nhiều suy ngẫm về nhân sinh, thế sự (Ga xép, Một buổi chiều thật muộn, Biển mịt mờ, Hai bờ, Cơn mưa cuối mùa, Một ngày trên đường…) Nghệ thuật trần thuật của tác giả cũng trở nên đa dạng và linh hoạt. Nhà văn sử dụng kết hợp những điểm nhìn khác nhau để soi chiếu, lý giải về con người và sự việc đặt ra trong các câu chuyện. Chẳng hạn, trong Cơn mưa cuối mùa, những giọt nước mắt của Mi được nhìn nhận và giải thích ít nhất từ ba góc độ: góc nhìn của anh chàng chơi đề thực dụng, nước mắt chỉ còn chảy khi thua đề; góc nhìn của nhân vật Tôi – người kể chuyện, một người từng sống qua chiến tranh, đủ từng trải và độ lượng để chia sẻ nhưng không còn nhiều khao khát và hy vọng về đời; và cuối cùng là góc nhìn của chính nhân vật Mi về bản thân mình, thể hiện qua sự tự phân tích nội tâm bằng một giọng điệu vừa giễu cợt vừa riết róng, nghiệt ngã. Xuất phát từ những bảng giá trị hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối lập gay gắt, những giọt nước mắt cũng như tâm sự của nhân vật hiện lên vừa đáng thương, vừa đáng buồn, lại vừa như một chuyện hài hước, tức cười. Sắc thái bi kịch (có thể sẽ khá ướt át và… mùi mẫn, nặng nề, nếu tác giả khai thác câu chuyện theo một hướng khác) đã được điều chỉnh kịp thời nhờ sự phối hợp khéo léo những điểm nhìn khác biệt nói trên, kết hợp với sự đa thanh trong ngôn ngữ, giọng điệu nhân vật và người kể chuyện. Để diễn tả những diễn biến nội tâm phức tạp của nhân vật, tác giả đã sử dụng hình thức những câu đối thoại giữa hai nhân vật (người kể chuyện xưng “tôi” và Mi) rất đặc biệt, như là lừng khừng, ông chẳng bà chuộc, chẳng đâu vào đâu. Nhưng chính độ vênh giữa bề mặt của lời thoại với cái cảm xúc nghẹn ngào cố nén bên trong ấy đã nói nhiều hơn so với việc kể lể dài dòng. Và cũng nhờ vậy mà vượt lên chủ đề về một câu chuyện ngoại tình và tâm sự buồn chán của một người đàn bà không thỏa mãn trong đời sống riêng, truyện ngắn này đã chạm đến một trạng huống nhân sinh có tính phổ quát và đánh động nỗi ưu tư trong nhiều người đọc. Giọng giễu nhại, hài hước (gọi các nhân vật bằng các từ như chàng, nàng…), cách nhập vai, nhập giọng nhân vật (nhất là giọng điệu, ngôn ngữ phố phường của các nhân vật phản diện), cách dùng từ thô, sỗ, cách nói ngược… cũng là một trong những yếu tố đem lại cảm giác thú vị khi đọc truyện của Lê Minh Khuê. Nhưng trong một số truyện khác, đôi khi liều lượng hiện thực phố phường trong văn của bà bị đẩy đi quá đà. Một số truyện ngắn thời hậu chiến của bà đi sâu vào khai thác những mặt trái đời sống với tất cả những nhếch nhác, bần tiện của nó để lại những ấn tượng sâu sắc ở những chi tiết tả thực, chẳng hạn Ngỗng non, Sân gôn, Làn nước dịu dàng… Tuy nhiên, sự sắc sảo của nhà văn ở đây vẫn đang nằm trên bề mặt các chi tiết tả thực, đôi khi hơi nệ thực, chứ chưa “nhấc bổng” được hiện thực lên, biến chúng thành các hình tượng giàu tính tư tưởng - khái quát hơn. Dường như có một sự chênh chao nào đó bên trong ngòi bút này, khi tác giả phải đứng giữa sự lựa chọn một bên là cái khao khát chuyển tải tư tưởng về đời sống (luôn phải khái quát và cô đọng hơn), và một bên là yêu cầu phải xử lý một hiện thực lấm láp, xô bồ, bề bộn mà chi tiết nào cũng tươi mưởi, cũng ánh lên roi rói, đòi hỏi phải được có mặt trong tác phẩm.

5. Không ngần ngại “thọc tay” vào những góc cạnh dữ dằn, gai góc của đời sống, kêu gọi sự tỉnh táo nhận thức, nhìn thẳng sự thật, bóc trần ảo tưởng, Lê Minh Khuê đã đặt ra một cách trực diện nhiều vấn đề thiết cốt của đời sống đương đại. Nhiều truyện ngắn của tác giả hấp dẫn người đọc bởi tính thời sự của những vấn đề xã hội đặt ra, sự tinh tế trong việc diễn tả tâm lý, cái nhìn hài hước mà chua xót về các trạng huống đời sống, sự sinh động của những chi tiết mô tả… Truyện của Lê Minh Khuê là sự phẫn nộ của lương tri con người trước những giá trị đạo đức bị hạ cấp, đảo lộn. Trong một số truyện, nhà văn có lúc “quên khuấy” vai trò người kể khách quan để buột miệng kêu lên, thậm chí “thét lên” đầy bức xúc trước “những điều trông thấy”… Ta có thể thấy đằng sau cái hiện thực xô bồ được mô tả với không ít trào lộng và chua xót vẫn là một tinh thần nhập cuộc hăng hái, niềm thiết tha đối với lý tưởng đạo đức - xã hội của tác giả. Khát vọng lý tưởng, niềm tin vào những gì tốt đẹp cuối cùng sẽ còn lại, tinh thần khẳng định, ngay cả trong giọng phủ định rất nặng, rất “phũ”, đó là những điểm rất dễ nhận trong sáng tác thời hậu chiến của nhiều nhà văn thế hệ chống Mỹ nói chung và Lê Minh Khuê nói riêng.

Có thể nói, cảm hứng thế sự là một mạch cảm hứng quan trọng, chi phối đến nhiều phương diện nghệ thuật của truyện ngắn Lê Minh Khuê. Nó bộc lộ niềm trăn trở thường trực của nhà văn trong việc xác lập những giá trị tinh thần mới, vừa thiết thực và gần gũi với đời sống hôm nay nhưng vẫn phải đáp ứng được những chuẩn mực nhân văn muôn thuở. Với điều đó, dường như tác giả đã lựa chọn một hướng đi dù không có nhiều cách tân quyết liệt về mặt hình thức nhưng để lại ấn tượng sâu và đằm về diện mạo của một nhà văn đầy trách nhiệm với đời sống, nặng lòng với những giá trị tinh thần cội rễ, dứt khoát, can đảm mà chân thành và nồng hậu.

 Lê Minh Khuê sinh năm 1949, được coi là nhà văn nữ hàng đầu ở Việt Nam. Từng tham gia thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước từ 1965, sau đó làm phóng viên chiến trường, làm truyền hình, biên tập viên xuất bản. Tác phẩm của bà đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và xuất bản ở Mỹ, Pháp, Đức, Hàn Quốc… Năm 2008, Lê Minh Khuê là nhà văn đầu tiên đoạt giải thưởng văn học quốc tế mang tên đại văn hào Hàn Quốc Byeong-ju Lee. Tác phẩm chính: Những ngôi sao xa xôi, Một chiều xa thành phố, Bi kịch nhỏ, Trong làn gió heo may, Một mình qua đường, Nhiệt đới gió mùa…

Văn nghệ

Tự hào một dải non sông
Văn hóa - Thể thao

Tự hào một dải non sông

Những ấn phẩm ngợi ca vẻ đẹp quê hương đất nước, ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là điểm nhấn trong loạt ấn phẩm của nhà xuất bản Kim Đồng chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ Tư, 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tạo không gian mở phát triển văn học
Văn hóa - Thể thao

Tạo không gian mở phát triển văn học

Văn học chưa có khung pháp lý thống nhất và chi tiết để định hướng, cụ thể hóa chính sách cho tác giả, tác phẩm, hoạt động trong lĩnh vực này. Việc xây dựng, ban hành nghị định về khuyến khích phát triển văn học vừa đáp ứng nhu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa quan trọng.

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng
Văn nghệ

"Giai điệu tri ân" – lời cảm ơn sâu sắc Agribank gửi đến khách hàng

Tối mai, 12.12, tại Nhà hát Hồ Gươm sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật “Giai điệu tri ân” do Agribank tổ chức. Sự kiện là lời cảm ơn sâu sắc từ Agribank gửi đến những khách hàng, đối tác và cộng đồng - những người đã đồng hành, sẻ chia và cùng kiến tạo những giá trị bền vững trong suốt hành trình phát triển.

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G
Văn hóa - Thể thao

Hé lộ sân khấu choáng ngợp của siêu nhạc hội 8WONDER Winter trước giờ G

Toàn bộ phần sân khấu “đóng băng” 8WONDER Winter đã hoàn thiện những khâu setup cuối cùng để sẵn sàng chào đón ban nhạc hàng đầu thế giới Imagine Dragons và dàn Vpop Việt đình đám trước hàng chục ngàn khán giả Sài Thành. Ban nhạc hàng đầu thế giới dự kiến sẽ đến TP. Hồ Chí Minh chiều hôm nay để sẵn sàng cho siêu nhạc hội tại đại đô thị Vinhomes Grand Park.

Để điện ảnh Việt cất cánh
Văn hóa - Thể thao

Để điện ảnh Việt cất cánh

Để điện ảnh Việt Nam thực sự cất cánh và hội nhập thế giới, cần có một chiến lược toàn diện và đồng bộ; giải pháp không chỉ giúp nâng cao chất lượng phim mà còn phải thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp này.

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc
Văn hóa - Thể thao

Giải pháp cho vấn đề bản quyền âm nhạc

Dù đã có cải thiện, nhưng vi phạm bản quyền âm nhạc tại Việt Nam vẫn là vấn đề nan giải. Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC), NSƯT, nhạc sĩ ĐINH TRUNG CẨN, để giải quyết vấn nạn này, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng
Văn nghệ

Đưa giá trị của văn hóa lan tỏa đến cộng đồng

Ngày 3.10, tại không gian nghệ thuật 34 Châu Long, Hà Nội đã diễn ra mạn đàm văn chương có chủ đề về văn hóa, tinh hoa trong văn thơ xưa và nay, với sự tham gia của các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu phê bình văn học; được chủ trì bởi nhà sưu tập Thúy Anh - người khởi xướng nhiều chuỗi hoạt động văn hóa, nghệ thuật đậm đà tính nhân văn và hướng tới cộng đồng.

Trong bão lũ
Văn hóa - Thể thao

Trong bão lũ

Bài thơ "Trong bão lũ" của tác giả Đặng Quốc Vinh, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh, là tiếng lòng đầy xót xa trước cảnh thiên tai khắc nghiệt do bão Yagi gây ra. Với ngôn từ sâu sắc, tác giả khắc họa nỗi đau mất mát của người dân và tinh thần đoàn kết, sẻ chia của đồng bào cả nước, tạo nên niềm tin vào sự hồi sinh và vững bền của quê hương Việt Nam.