Cải thiện điều kiện sống và giảm bớt khó khăn cho trẻ em nghèo
Để hỗ trợ trẻ em trên địa bàn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn tích cực vận động các nguồn lực chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa... Qua đó, góp phần cải thiện điều kiện sống và giảm bớt khó khăn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo.
Quan tâm kịp thời
Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, gia đình và toàn xã hội đã luôn quan tâm chăm lo và tạo mọi điều kiện vật chất và tinh thần để mỗi trẻ em trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ vui chơi, giải trí cho trẻ được quan tâm đầu tư; công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em được tiếp tục thực hiện theo hướng tiếp cận dựa trên các nhóm quyền cơ bản của trẻ em và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Cụ thể, 100% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ được chăm sóc, giáo dục tại các cơ sở giáo dục mầm non và đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học; trên 3.200 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng và hưởng chính sách hỗ trợ xã hội hàng tháng. Công tác y tế hỗ trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn nói chung cũng như trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo được quan tâm kịp thời. Theo số liệu mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm 2024 đến nay đã có trên dưới 2.500/ 3.200 trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn tỉnh được tiêm chủng; 17.600 trẻ dưới 6 tuổi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập được bảo đảm các chế độ BHYT theo quy định. Sở cũng phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn, Trung tâm II trực tiếp hỗ trợ trẻ em khuyết tật (trực thuộc Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam) tổ chức chương trình khám sàng lọc cho 400 trẻ em mắc các dạng dị tật bẩm sinh, khuyết tật tại các huyện, thành phố… Qua đó góp phần cải thiện điều kiện sống và giảm bớt khó khăn cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em vùng sâu, vùng xa, trẻ em người dân tộc thiểu số.

Hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã triển khai can thiệp dinh dưỡng sớm cho trẻ với các hoạt động như: triển khai mô hình Chăm sóc dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời tại 45/88 xã vùng III của tỉnh; tư vấn dinh dưỡng, cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý và chăm sóc trẻ cho bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Để giảm thiểu tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, tỉnh Lạng Sơn đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em, giúp các em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh. Bên cạnh các chính sách y tế, giáo dục dành cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi như uống Vitamin A năm 2 lần, hỗ trợ gạo, sữa học đường…, các trường mầm non còn thực hiện đánh giá tình trạng dinh dưỡng bằng theo dõi thể lực mỗi năm 3 lần vào đầu năm học, giữa năm học và cuối năm học, ngoài ra còn phối hợp với y tế địa phương tổ chức khám sức khỏe định kỳ một số chuyên khoa cho trẻ; xây dựng thực đơn và khẩu phần ăn đảm bảo dinh dưỡng hợp lý cho từng nhóm trẻ… Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của người dân về cải thiện dinh dưỡng cho trẻ cũng được quan tâm đẩy mạnh. Từ năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền lồng ghép cho trên 900.000 lượt người qua các hoạt động tư vấn, khám sức khoẻ, thăm hộ gia đình về chăm sóc sức khoẻ, chế độ dinh dưỡng phù hợp cho trẻ nhỏ; tổ chức 42 lớp tập huấn cho cán bộ y tế thôn bản; tổ chức tập huấn cho 41 cán bộ dinh dưỡng tuyến xã, huyện về nuôi dưỡng trẻ nhỏ trong chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời. Tỉnh Lạng Sơn đặt ra mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 24%, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi dưới 15%.
Bên cạnh đó, nhiều dự án thiện nguyện hỗ trợ trẻ em trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã triển khai hiệu quả. Điển hình như Dự án “Xây dựng bếp ăn bán trú và hỗ trợ dinh dưỡng học đường” do Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam triển khai phát động. Dự án “Xây dựng bếp ăn bán trú và hỗ trợ dinh dưỡng học đường” được triển khai tại Trường Tiểu học Kim Đồng có tổng mức đầu tư 539 triệu đồng. Trong đó, xây bếp mới 300 triệu đồng; trang thiết bị đồ dùng nhà bếp 47 triệu đồng và hỗ trợ kinh phí cải thiện bữa ăn trưa cho học sinh trong một năm là 192 triệu đồng.
Trách nhiệm của của toàn xã hội, của từng gia đình
Tại Diễn đàn trẻ em năm 2024 do UBND tỉnh Lạng Sơn được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lạng Sơn Dương Xuân Huyên cho rằng: Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội và của từng gia đình, hướng tới mục tiêu để mọi trẻ em đều được thực hiện quyền cơ bản như: được bảo vệ, được chăm sóc và được giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ được học tập và vui chơi giải trí lành mạnh và không ngừng được nâng cao chất lượng cuộc sống, ưu tiên các nguồn lực cho trẻ em nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em ở khu vực nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn.
Theo đó, các cấp, ngành, nhà trường, gia đình và toàn xã hội tiếp tục tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; thực hiện nghiêm túc và đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của Luật Trẻ em; tuân thủ các quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền trẻ em. Quan tâm hơn nữa trong bố trí, vận động các nguồn lực chăm sóc, trợ giúp trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; quan tâm đầu tư, xây dựng, bố trí thêm các không gian vui chơi để trẻ được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện...
Đặc biệt, tỉnh cũng tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quyền trẻ em; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường; trang bị kiến thức, kỹ năng về bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ. Tiến hành xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, quyền trẻ em. Các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình cùng chung tay, góp sức, có những hoạt động thiết thực dành cho trẻ em đặc biệt là trẻ em sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn để mọi trẻ em đều có cơ hội được hưởng quyền vui chơi, giải trí và phát triển toàn diện.