TP Hồ Chí Minh

Cải thiện chất lượng không khí

- Thứ Ba, 15/09/2020, 06:51 - Chia sẻ
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra. Đồng thời, có những giải pháp hiệu quả hơn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông vận tải; kiềm chế tốc độ bê tông hoá tại đô thị, công trình giao thông cũng như quan tâm đúng mức việc bảo vệ và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Gia tăng ô nhiễm không khí

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới, ô nhiễm không khí khiến hơn 7 triệu người chết mỗi năm, gấp nhiều lần tai nạn giao thông. Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của con người như làm cay mắt, đỏ mắt, ho, thở khò khè, giảm chức năng phổi, dễ mắc các bệnh hen suyễn, viêm phế quản, thậm chí có thể bị ung thư...

Theo kết quả quan trắc của Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, ô nhiễm không khí ở thành phố chủ yếu là bụi và đang có chiều hướng gia tăng, nhất là tại các tuyến đường giao thông, giao lộ, khu vực đang trong quá trình xây dựng, nhà máy lớn, khu công nghiệp tập trung. Trong vòng 10 năm gần đây, chỉ số bụi mịn (PM 2.5) tại TP Hồ Chí Minh tăng đáng kể, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị hàng năm của WHO.

Mật độ giao thông cao khiến ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng.
Nguồn: ITN

Theo các chuyên gia, bên cạnh nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu trong thời điểm giao mùa; một trong những nguyên nhân gây ra ô nhiễm không khí nhiều nhất phải kể đến là do hoạt động giao thông vận tải. Tính đến tháng 6.2019, toàn thành phố có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân, trong đó có khoảng 825.300 ô tô và 8,12 triệu xe máy. Số liệu cũng cho thấy, từ năm 2010 đến nay đã tăng thêm hơn 4 triệu phương tiện giao thông. Trong đó, xe máy được coi là thủ phạm chính với việc chiếm khoảng 31% nguồn phát thải bụi siêu mịn; 37,7% nguồn phát thải bụi; 29% nguồn phát thải NO và 90% CO.

Vụ trưởng Vụ Quản lý chất lượng môi trường, Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Hoài Nam cho biết, hoạt động xây dựng các công trình mới, cải tạo, sửa chữa đường giao thông chưa nghiêm túc thực hiện việc che chắn bụi; phương tiện chuyên chở nguyên vật liệu, phế thải xây dựng, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường; khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch; hoạt động đốt rơm rạ ngoài trời, đốt rác, trong đó có cả chất thải không đúng quy định tại một số địa phương... cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát

Nhiều ý kiến cho rằng, để cải thiện tình trạng ô nhiễm không khí, trước hết cần có những đánh giá cụ thể về tác động môi trường và tác động đến sức khỏe do ô nhiễm không khí gây ra.

Thời gian tới, TP Hồ Chí Minh cần có giải pháp hiệu quả hơn trong việc kiểm soát ô nhiễm không khí do giao thông vận tải. Theo đó, cần thực hiện đăng kiểm xe, kiểm tra tình trạng, lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông. Duy trì thường xuyên việc kiểm soát nguồn thải của các loại xe và cấm vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đặc biệt là kiểm soát phương tiện cá nhân, khuyến khích người dân sử dụng phương tiện công cộng, đẩy nhanh hiệu quả việc thay thế xăng A92 bằng xăng E95.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, cần tăng cường kiểm tra giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục và truyền số liệu quan trắc về Sở để giám sát. Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch hơn; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm môi trường không khí.

Cũng theo ông Thắng, cùng với việc kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm minh các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường không khí; đẩy nhanh việc cải tiến phương pháp chôn lấp rác, xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến; cần kiềm chế tốc độ bê tông hoá tại đô thị, các công trình giao thông; cũng như quan tâm đúng mức việc bảo vệ và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.

Ngoài ra, để từng bước tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng không khí, theo các chuyên gia, TP Hồ Chí Minh cần có sự phối hợp giữa các ban, ngành liên quan để tập trung thực hiện một số giải pháp như tăng cường năng lực, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và tổ chức quản lý môi trường không khí; hoàn thiện các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là kiểm soát ô nhiễm không khí theo Luật Bảo vệ môi trường. Mặt khác, cần tiếp tục công bố các số liệu quan trắc môi trường, đặc biệt là môi trường không khí lên các bảng điện tử và các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường tần suất công bố thông tin về chất lượng môi trường không khí.

Lê Chi