Tìm kiếm sợi dây gắn kết
“Cải lương vẫn tồn tại, không hưng thịnh cũng không mất đi”, anh Nguyễn Thanh Phương, Trưởng dự án “Cộng đồng kể chuyện cải lương” chia sẻ. Với anh Phương, cải lương chưa bao giờ xa lạ với bất kỳ ai. Mỗi người trẻ trong xã hội đương đại đều có sợi dây gắn kết với cải lương qua ký ức của bố mẹ, ông bà. “Tôi muốn thông qua chiến dịch này làm vững chắc hơn sợi dây kết nối đó, để họ tiếp tục tìm hiểu về cải lương. Khi có người tìm hiểu, ắt sẽ có người trăn trở. Điều đó sẽ giúp nảy ra những ý tưởng mới về cách bảo tồn hoặc phát triển cải lương”.
Theo TS. Lê Hồng Phước, cải lương cũng như các loại hình nghệ thuật khác, có thịnh có suy, có thăng có trầm. “Người ta từng gán cho cải lương những từ ngữ như gần chết, hấp hối…, song cải lương vẫn còn đó và liên tục phát triển. Các tác giả có thể dựng vở theo cách này hay cách khác nhưng cải lương vẫn trong khuôn khổ, thật và đẹp”.
Nhớ lại thời đẹp nhất của cải lương, những năm 1960, các nghệ sĩ vẫn không quên hình ảnh mỗi đêm diễn khán giả đợi nghệ sĩ hát xong, vào cánh gà, màn kéo kín, mới đứng dậy đồng loạt vỗ tay. Vỗ tay suốt một phút, đoàn kéo màn ra chào khán giả, rồi đoàn vào, màn khép lại, khán giả vẫn vỗ tay những phút tiếp đó, màn lại kéo ra, đoàn lại ra chào, cứ thế ba đến năm lần… Nghệ sĩ, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho biết, cải lương được yêu thương đến vậy xuất phát từ tình người, cách sống, niềm đam mê đến cháy bỏng của các nghệ sĩ, những người đặt nền móng cho nghệ thuật cải lương Việt Nam.
“Tôi có may mắn được học hỏi cô Bảy Phùng Há (NSND Phùng Há), cô Hai Kim Cúc (Huỳnh Kim Cúc), nghệ sĩ Năm Châu (NSND Nguyễn Thành Châu)… Họ đã cho tôi thấy một thế hệ đẹp bởi nhân cách, bởi nét tài hoa của nghệ sĩ hy sinh trọn lòng vì nghiệp tổ, thương yêu dạy dỗ, chăm chút từng diễn viên trẻ, chừng mực và vô cùng khiêm cung. Thành công trong sự nghiệp, các cô chú anh chị trở thành những tấm gương lớn, tạo dựng và gắn kết cải lương tới các thế hệ nghệ sĩ sau này”, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc kể.
Cải lương giống như đời sống
Nhớ lại câu nói của NSND Phùng Há, “cuộc sống mỗi người một nghề, mình cứ làm tốt phần nghề của mình, tự giác xã hội sẽ đẹp”, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc cho rằng, chính những con người đẹp đã tạo ra một xã hội đẹp mà cải lương góp phần không nhỏ trong cuộc tạo dựng đó. “Cô Bảy Phùng Há thường nói chuyện cải lương trong giờ giải lao, cô nói cải lương giống như đời sống, lượm ra cái gì đưa lên sân khấu cũng đừng quên rằng nó có liên đới chặt chẽ với đời sống, thành ra cô chủ trương mình phải sống đẹp trong cả các vai diễn”.
Không có gì xa lạ, hơi thở cuộc sống trong mỗi vở cải lương là những trăn trở, nhức nhối đời thường nhiều khi chưa giải quyết được. Thế nên, khi kể các câu chuyện trên sân khấu cải lương, có ca, có diễn, có vũ đạo vẫn không hoàn toàn tách rời cuộc sống. “Giống như giấc mơ chưa trọn vẹn, chúng ta đưa nó lên sân khấu, cho giấc mơ đó những yếu tố chân thật để tạo lòng tin. Cùng tính thiện và cảm giác thẩm mỹ như vị thuốc tinh thần, khiến khán giả như được chia sẻ những gì không xa lạ với cuộc sống, có sự chân tình, ấm áp để thấy cải lương luôn thật và đẹp”, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc nói.
Chia sẻ tình yêu của mình với cải lương, nhà văn Nguyễn Thị Minh Ngọc, cũng là nhà biên kịch “Song lang” (2018), bộ phim về cải lương từng nhận 54 giải thưởng quốc tế, cho hay, “dùng nghệ thuật thứ 7 để góp phần quảng bá nghệ thuật thứ 6, tôi muốn khắc họa trọn vẹn thời kỳ hoàng kim của cải lương, thời mà cách đây mấy mươi năm khán giả có thể bỏ ăn nhưng không thể lỡ một buổi nghe hát. Phim giúp tôi giãi bày, thể hiện và thổi bùng đam mê nghệ thuật cải lương”.
Yêu cải lương và làm phim để thể hiện tình yêu đó, đây cũng là cách mà đạo diễn phim “Song lang” Leon Quang Lê đã làm. Anh thừa nhận mình không phải người trong nghề, lý do đủ để anh có góc nhìn khách quan hơn, nhiều khi khắt khe hơn. “Tôi không hiểu tại sao mình mê cải lương cho đến khi nhận ra rằng cải lương thuyết phục tôi ở kịch bản chặt chẽ, sự tung hứng và điêu luyện của nghệ sĩ, những tố chất riêng của nghệ sĩ, lời ca tiếng đàn chau chuốt. Bên cạnh đó là sự hoàn chỉnh của vở diễn, từ dàn âm nhạc, cổ nhạc, vũ đạo, dàn đồng ca đến sự sáng tạo bài bản. Tôi thuộc từng lời của biết bao nhiêu vở cải lương rồi xem đi xem lại vẫn nguyên cảm xúc ban đầu”.
Leon Quang Lê giải thích, vì yêu cải lương, anh nhận ra tố chất của bộ môn nghệ thuật này hết sức khoa học, văn minh, có sự đầu tư, phát triển và đóng góp của những cái đầu tinh tế, gãi đúng tâm lý người xem, người nghe về những vấn đề trong đời sống. Cải lương cần nhất sự kế thừa từ truyền thống mới tồn tại và phát triển được. Cùng với đó, “đã theo nghiệp cải lương phải có kỹ năng thiên bẩm, có nghiên cứu, đầu tư mới ra được vở diễn, vai diễn hấp dẫn. Kế thừa và phát huy cái hay của người đi trước, cách chau chuốt lời ca, lời thoại, diễn xuất; đôi khi có sự mới lạ, hiện đại, mang ngôn ngữ người xưa pha ngôn ngữ của lớp trẻ thế kỷ XXI, mới thắp lên ngọn lửa đam mê cho cải lương trường tồn cùng thời gian”, nghệ sĩ Võ Minh Lâm, Quán quân Chuông vàng vọng cổ năm 2006 khẳng định.