Cái khó bó cái khôn

Bình Khang 09/03/2022 06:59

Theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một nhiệm vụ mới, liên quan đến tổ chức và hoạt động của tất cả các cơ quan, tổ chức từ trung ương đến địa phương. Vậy nhưng năm 2021 cả nước có 25/63 địa phương còn đơn vị “Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật” độc lập; 38/63 địa phương đã tổ chức giải thể, sáp nhập đơn vị “Phòng Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật”.

Trong khi đó, công tác theo dõi thi hành pháp luật đóng một vai trò quan trọng trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật. Bởi nhiệm vụ chính của công tác này là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành xem xét, đánh giá thực trạng thi hành pháp luật, kiến nghị thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Điều đáng nói, ngày 5.3.2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 32/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP về theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Việc sửa đổi, bổ sung này không nằm ngoài mục đích góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bảo đảm công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật là một kênh thông tin nhạy bén trong việc đánh giá, phản biện đối với các chính sách.

Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, bố trí biên chế gặp nhiều khó khăn, đội ngũ công chức được giao thực hiện nhiệm vụ theo dõi thi hành pháp luật vẫn còn thiếu về số lượng, phần lớn là kiêm nhiệm. Điều này dẫn đến việc rà soát văn bản của Trung ương để ban hành văn bản quy định chi tiết theo thẩm quyền trong một số lĩnh vực chưa toàn diện, thiếu kịp thời.

Trước thực tế này, Bộ Tư pháp đã kiến nghị Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế; Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành và địa phương trong việc kiện toàn tổ chức pháp chế các bộ, ngành, địa phương.

Tuy nhiên, trong bối cảnh không tăng biên chế như hiện nay thì cần có những giải pháp khác, thực hiện đồng bộ với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến theo dõi thi hành pháp luật. Theo đó, hằng năm Bộ Tư pháp cần sớm ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật. Từ Kế hoạch này, các địa phương làm căn cứ, xác định lĩnh vực trọng tâm để ban hành kế hoạch của địa phương bảo đảm thống nhất có văn bản hướng dẫn đối với lĩnh vực theo dõi trọng tâm.

Cùng với việc ban hành Kế hoạch thì Bộ cần cần hướng dẫn cụ thể về tiêu chí, nội dung để đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Điều này đặc biệt quan trọng khi đội ngũ công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật còn mỏng, kiêm nhiệm. Và quan trọng hơn, Bộ Tài chính sớm có văn bản quy định mức chi cho công tác theo dõi thi hành pháp luật để địa phương có cơ sở phân bổ nguồn kinh phí.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cái khó bó cái khôn
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO