Cái giá đau đớn trong quá khứ
Nhật Bản đứng đầu thế giới về nhập khẩu cả tài nguyên tự nhiên tái sinh và không tái sinh; đồng thời là một trong số các nước tiêu thụ nhiều nhiên liệu hóa thạch nhất thế giới. Chính vì vậy, ngay từ rất sớm, quốc gia này đã đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường và phải trả giá đau đớn trong quá khứ.
Những căn bệnh kỳ lạ
Chính sách và quy định về bảo vệ môi trường của Nhật Bản hiện nay là hệ quả từ một số thảm họa môi trường trong quá khứ.
Năm 1912, vụ nhiễm độc cadimi từ chất thải công nghiệp ở tỉnh Toyama đã được phát hiện là nguyên nhân của căn bệnh cực kỳ đau đớn: “itai-itai” (cái tên được lấy từ biểu hiện của căn bệnh này, người bệnh liên tục kêu rên “đau quá, đau quá”). Hầu hết nạn nhân của bệnh itai-itai chỉ nằm ở trên giường, hạn chế đi lại vì vô cùng đau đớn. Năm 1968, những người dân ở khu vực chịu ảnh hưởng đã kiện Công ty Khai thác và luyện quặng Mitsui. Họ thắng kiện và bắt đầu được nhận các khoản bồi thường. Công ty Khai thác Mitsu thừa nhận việc họ đổ cadimi ra sông Jinzugawa đã gây ra căn bệnh itai-itai đó và bị buộc phải trả toàn bộ phí phục hồi đất ở khu vực đó. Điều đó có nghĩa họ phải bảo đảm rằng, mảnh đất đã bị ô nhiễm phải được trả về tình trạng an toàn và có thể canh tác được.
![]() Bức ảnh chụp mẹ đang tắm cho con gái mắc bệnh Minamata (Ảnh của nhà báo nổi tiếng William Eugene Smith) |
Vào năm 1956, trường hợp đầu tiên mắc bệnh Minamata xuất hiện ở Minamata thuộc tỉnh Kumamoto. Rất nhiều người bệnh đầu tiên đã phát điên. Một số trường hợp chết trong vòng 1 tháng từ khi bị ảnh hưởng. Sau một cuộc điều tra kỹ càng, căn bệnh này được xác minh do nhiễm độc kim loại nặng, đặc biệt là thủy ngân methyla (methylmercury). Người dân mắc bệnh khi ăn phải cá nhiễm độc từ vịnh Minamata.
Nguyên nhân gây ô nhiễm ở vịnh Minamata là do Tập đoàn Chisso đã xả thủy ngân methyla xuống đây. Mặc dù bị phát hiện, song vào thời điểm đó, Chisso đã không đưa ra quyết định ngừng sản xuất và xả thải những chất hóa học này vào vịnh cho đến tận năm 1966. Số nạn nhân của căn bệnh này lên tới 6.500 người tính đến tháng 11.2006. Và Chisso phải trả các khoản bồi thường cho tất cả bệnh nhân.
Vào năm 1970, Luật Kiểm soát ô nhiễm nước của Nhật Bản được ban hành trong đó quy định, tất cả các nhà máy đều phải tuân thủ Luật này về việc xử lý chất thải đối với những chất hóa học độc hại. Trong năm 1977, Chính phủ Nhật Bản đã đứng ra làm sạch vịnh Minamata bằng việc hút hết 1,5 triệu mét khối thủy ngân đã bị quánh bùn ở đáy vịnh. Năm 1997, sau khi tốn 40 năm thu dọn và 359 triệu USD, Chủ tịch tỉnh Kumamoto cho rằng vịnh Minamata đã an toàn trở lại.
Những vấn đề hiện tại
Hiện tại, Nhật Bản vẫn tiếp tục phải đối mặt với bài toán môi trường. Một trong số đó là xử lý chất thải. Nhật Bản đốt cháy gần 2/3 chất thải trong các lò đốt công nghiệp và đô thị. Ước tính 70% các lò đốt chất thải đặt ở Nhật Bản. Kết quả là Nhật Bản có mức dioxin trong không khí cao hơn bất kỳ các nước nào khác trong nhóm G20. Năm 2001, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Nhật Bản về những cái chết của các chiến binh Mỹ trong Căn cứ hải không quân Atsugi do lò đốt chất thải gần đó mang tên Jinkanpo Atsugi.
Tình trạng ấm lên toàn cầu cũng là thách thức của Nhật Bản. Theo Nghị định thư Kyoto năm 1997, Nhật Bản có bổn phận cắt giảm 6% mức CO2 phát ra năm 1990, và phải tiến hành các bước khác liên quan đến kiềm chế biến đổi khí hậu. Nhật Bản là nước phát ra bức xạ lớn thứ 5 của thế giới.
Các sự cố môi trường lên quan đến năng lượng hạt nhân cũng là vấn đề của quốc gia này. 1/3 khối lượng điện của nước này là từ năng lượng hạt nhân. Nếu trước đây, hầu hết người dân và Chính phủ đều ủng hộ việc sử dụng nguồn năng lượng “sạch” thì sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 đã thay đổi quan niệm của người dân. Thủ tướng tiền nhiệm Naoto Can là nhà lãnh đạo đầu tiên công khai phản đối sự lệ thuộc của Nhật Bản vào năng lượng hạt nhân và đề nghị sự thay thế dần năng lượng hạt nhân bằng các nguồn năng lượng có thể phục hồi khác.