Cải cách ngân sách: Lập ngân sách trung hạn
Trước đây, việc lập ngân sách theo từng năm một là cách làm phổ biến ở các nước. Ngân sách được sử dụng chủ yếu để kiểm soát các cơ quan quản lý chứ không phải để bảo đảm thực thi chính sách một cách hiệu quả, và mối quan tâm chủ yếu tập trung vào sự tuân thủ quy trình, thủ tục mà không chú ý đến các mục tiêu, đầu ra, kết quả ngân sách. Cách làm này không khuyến khích chính phủ xác lập ưu tiên chi tiêu một cách chiến lược cho một giai đoạn, khiến cho các bộ khó dự liệu các nguồn thu cho các khoản chi. Các xu hướng chính sách mới có ít cơ hội được đưa vào thực hiện vì ngân sách hàng năm đã lập sẵn cho các chương trình hiện hành, không phản ứng kịp với những thay đổi khách quan.

Nhận thấy những nhược điểm nói trên, nhiều nước đã chuyển sang lập ngân sách theo khuôn khổ chi tiêu trung hạn, thường là từ 3-5 năm. Mục đích của Khuôn khổ chi tiêu trung hạn là xác định quy mô các nguồn lực tài chính cần để thực hiện chính sách hiện hành trong trung hạn. Khuôn khổ đó bao gồm việc cân đối các nhu cầu của các lĩnh vực với tổng nguồn lực hiện có, trên cơ sở các ưu tiên tổng thể của quốc gia và của từng bộ. Khuôn khổ này đòi hỏi phải lập các Chiến lược ngành trong trung hạn và xác định rõ nhiệm vụ, mục tiêu, kết quả hoạt động. Trên cơ sở đó, xây dựng một ngân sách của ngành, bao gồm cả chi thường xuyên và chi đầu tư nhằm phản ánh những chi phí cần thiết của các chính sách ngành. Tổng nhu cầu chi tiêu được xác định trên cơ sở xác định chi phí cho các hoạt động đã được quyết định, được lựa chọn ưu tiên nhằm đạt các sản phẩm đầu ra trong mỗi lĩnh vực. Thông thường nghị viện chỉ phê chuẩn năm thứ nhất của khuôn khổ chi tiêu trung hạn, còn các năm sau chỉ là dự kiến chi phí thực hiện chính sách đã đề ra. Những dự kiến chi phí đó là cơ sở để thương lượng hàng năm về phân bổ ngân sách, dẫn đến hệ thống ngân sách “cuốn chiếu”. Mặt khác, cần để dành một khoản dự phòng để ngân sách có thể ứng phó với những thay đổi, những tình huống khẩn cấp, ví dụ như cần phải khôi phục cơ sở hạ tầng bị thiên tai tàn phá. Tuy nhiên, khoản dự phòng này phải tính toán cụ thể, minh bạch, không quá lớn và phải được nghị viện thông qua.
Chẳng hạn, ở Brazil, luật Kế hoạch ngân sách nhiều năm (Kế hoạch trung hạn), quy định các định hướng lớn trong chính sách, các mục tiêu ưu tiên trong toàn nhiệm kỳ cũng như các chương trình, dự án kéo dài hơn 1 năm. Trước ngày 30.4 năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống (hoặc Thống đốc bang, Thị trưởng thành phố) phải đệ trình cơ quan lập pháp kế hoạch ngân sách 4 năm. Cơ quan lập pháp (Quốc hội, các Hội đồng bang và Hội đồng thành phố) xem xét và biểu quyết thông qua trước ngày 15.12. Trên cơ sở đó, trước ngày 30/4 hàng năm, cơ quan hành pháp phải trình một dự án Luật về định hướng ngân sách cho năm kế tiếp trong đó chủ yếu là các ưu tiên, các quan hệ tỷ lệ về ngân sách, mức khống chế về nợ. Ví dụ: Luật chỉ thị ngân sách năm 2005 của ngân sách liên bang nêu rõ: Tốc độ tăng GDP: 4,5%; Lạm phát: 4,5%; Chi lương: 20%; Chi an sinh xã hội: 30%; Chi đầu tư và chi khác: 5%.
Trên thế giới có hai cách tiếp nhận mô hình ngân sách trung hạn. Một là thí điểm trước ở một số bộ ngành; hai là áp dụng ngay trong tất cả các bộ. Cả hai cách đều có thể thành công, nhưng điều quan trọng là phải tính đến đặc điểm của quốc gia nơi áp dụng.