Cải cách hệ thống ủy ban Quốc hội Mỹ

Nguyên Lâm 04/07/2014 07:53

Các ủy ban và tiểu ban của Quốc hội Mỹ xem xét các dự thảo luật, đánh giá các vấn đề chính sách, thực hiện các giám sát chuyên môn của nhánh hành pháp, và báo cáo lên Thượng viện và Hạ viện. Tất cả các ủy ban đều có quyền tổ chức điều trần, điều tra, triệu tập các nhân chứng, tài liệu, và công khai các cuộc điều trần.

Điều trần tại Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Hạ viện Mỹ
Điều trần tại Ủy ban Năng lượng và Tài nguyên thiên nhiên của Hạ viện Mỹ

Điều trần tại ủy ban của cả hai viện phải được tổ chức công khai trừ khi có đa số tán thành bỏ phiếu yêu cầu tổ chức điều trần kín theo những lý do được luật lệ của Nghị viện quy định. Chủ nhiệm các ủy ban có thẩm quyền quyết định việc tiến hành điều trần, cũng như có quyền ra điều kiện cho việc lựa chọn nhân chứng và hình thức điều trần, mặc dù những cải cách gần đây đã giảm bớt các ảnh hưởng đó. Luật thủ tục của cả hai viện khuyến khích việc gửi các bằng chứng bằng văn bản cho ủy ban trước khi phiên điều trần diễn ra để cuộc điều trần trở thành một cuộc hỏi đáp có đủ thông tin.   

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các ủy ban, Quốc hội Mỹ đã thực hiện một số cuộc cải cách hướng đến việc giải quyết một số vấn đề như sự phát triển quá lớn về số lượng của các ủy ban, sự chồng chéo và thiếu chính xác trong phạm vi thẩm quyền, các thông lệ không rõ ràng, và tình trạng quá tải công việc.

Vào năm 1946, Ủy ban hỗn hợp của Quốc hội được trao quyền xem xét lại cơ cấu của Quốc hội và đưa ra các đề xuất cải cách. Các đề xuất phần lớn đã được thể hiện trong Luật tái tổ chức Quốc hội năm 1946. Luật năm 1946 đã làm giảm số lượng các ủy ban từ 33 xuống 15 tại Thượng viện và từ 48 xuống 18 tại Hạ viện. Thẩm quyền của các ủy ban cũng đã được chính thức hóa bằng văn bản.

Một đợt cải cách khác do một Ủy ban hỗn hợp đưa ra vào năm 1970  trong Luật tái tổ chức Quốc hội năm 1970. Trọng tâm của Luật năm 1970 không phải là cấu trúc lại hệ thống các ủy ban mà là cải cách các quy tắc vận hành chúng. Nhiều cải cách được thiết kế nhằm giảm quyền lực các chủ nhiệm ủy ban và cho phép các thành viên ủy ban có thêm ảnh hưởng trong công tác thu thập thông tin và điều trần. Sau năm 1970, tại Hạ viện đã có nhiều cải cách nhằm loại bỏ những quy định về thâm niên, theo đó các vị trí chủ nhiệm ủy ban hay thành viên ủy ban được mở ra công bằng hơn cho các nghị sỹ ít thâm niên hơn.   

Việc đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát trong Quốc hội lần đầu tiên sau 40 năm vào năm 1995 đã châm ngòi cho việc tái cơ cấu nhiều ủy ban, bao gồm việc thay đổi một số thẩm quyền và một loạt các cải cách về thủ tục và cơ cấu thành viên. Ví dụ, các thành viên giờ đây bị giới hạn trong số các ủy ban và tiểu ban mà họ tham gia; các ủy ban được yêu cầu chuẩn bị báo cáo tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội tóm tắt các hoạt động đã thực hiện; cán bộ ủy ban bị cắt giảm xuống 1/3. Thêm vào đó, vị trí Tổng thư ký Quốc hội được đặt ra, và một loạt các cải cách thắt chặt hành chính và lồng ghép dịch vụ được thiết lập. Vào năm 2003, 2 năm sau Sự kiện 11 tháng 9, Hạ viện đã thành lập thêm Ủy ban Đặc biệt về An ninh Quốc gia gồm 5 tiểu ban. 

Từ quá trình tồn tại và phát triển của hệ thống ủy ban ở Quốc hội Mỹ, có thể nói, cải cách thường là những thay đổi nhỏ, cấp tiến áp dụng cho cách các ủy ban thực hiện điều trần và thực hiện các công việc của mình. Những cải cách lâu dài hơn được áp dụng thận trọng, đi kèm với các kế hoạch chính trị rõ ràng và cần thời gian để thực hiện.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cải cách hệ thống ủy ban Quốc hội Mỹ
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO