Nguyên nhân cốt lõi
Sau khi hàng ngàn bác sĩ đồng loạt nghỉ việc để phản đối kế hoạch tăng chỉ tiêu tuyển sinh trường y, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Hàn Quốc phải đối mặt với cuộc khủng hoảng khiến các bác sĩ phải làm việc quá sức, bệnh nhân không được điều trị đầy đủ trong khi Chính phủ và khu vực y tế vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Những vấn đề này, nếu không được giải quyết, sẽ cản trở quá trình cải cách có ý nghĩa.
Do giới hạn tuyển sinh sinh viên y khoa chỉ là 3.058, Hàn Quốc là một trong những quốc gia có tỷ lệ bác sĩ trên bệnh nhân thấp nhất trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), với 2,6 bác sĩ trên 1.000 người. Đất nước kim chi dự kiến phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lên tới 15.000 bác sĩ vào năm 2035. Dân số già hóa cùng sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm càng làm căng thẳng thêm hệ thống y tế, khiến nhu cầu tăng số lượng bác sĩ ở Hàn Quốc trở nên cấp bách.
Các khoa y thiết yếu như nhi khoa và chăm sóc cấp cứu phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự đáng kể, trong khi nhiều bác sĩ bị thu hút vào các lĩnh vực sinh lợi hơn như da liễu và phẫu thuật thẩm mỹ, vốn có rủi ro kiện tụng thấp hơn. Tình trạng trên khiến khoảng 30% trong số 37.218 bệnh nhân không thể tiếp cận kịp thời dịch vụ chăm sóc cấp cứu trong giai đoạn 2018 - 2022.
Sự tập trung các nguồn lực y tế tại thủ đô Seoul làm trầm trọng thêm chênh lệch thành thị - nông thôn. Các khu vực không phải thủ đô có ít hơn số bác sĩ cần thiết, khiến cư dân nông thôn phải đối mặt với nguy cơ chậm trễ tiếp cận dịch vụ chăm sóc cấp cứu cao gấp đôi.
Ngoài ra, việc Chính phủ kiểm soát giá các thủ tục y tế thiết yếu thông qua chương trình tính phí theo dịch vụ đã vô tình khuyến khích các buổi tư vấn khám bệnh ngắn hơn và các thủ tục lâm sàng nhanh hơn để tối đa hóa thù lao. Hàn Quốc hiện có số lượng buổi tư vấn trực tiếp của bác sĩ trên đầu người cao nhất trong OECD, nhưng lại có thời gian tư vấn tiêu chuẩn trung bình thấp nhất.
Theo các nhà phân tích, những số liệu trên là triệu chứng của một căn bệnh lớn hơn trong chương trình bồi thường y tế của nước này. Các chuyên gia trẻ và những người có chuyên môn trong các lĩnh vực thiết yếu thực hiện phần lớn các thủ tục được Dịch vụ Bảo hiểm y tế quốc gia (NHIS) hỗ trợ, nhưng lại bị trả lương thấp hơn so với những người đồng cấp của họ trong các ca phẫu thuật tự chọn. Chỉ có 65% chi phí chăm sóc y tế tiêu chuẩn được NHIS chi trả, khiến những bác sĩ cần thiết nhất phải làm việc quá sức mà lương thì thấp.
Thách thức đối với chính sách
Gói chính sách của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, đã được công bố vào tháng 2 năm nay, nhằm giải quyết những vấn đề trên. Kế hoạch bao gồm đầu tư 50 tỷ won (36 triệu USD vào các bệnh viện khu vực, cải cách các luật tố tụng đối với các bác sĩ thực hiện các ca phẫu thuật thiết yếu và cải thiện bất bình đẳng về bồi thường. Tuy nhiên, nỗ lực dỡ bỏ giới hạn đối với sinh viên y khoa đã phải đối mặt với sự phản đối không ngừng từ Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc (KMA).
Chính phủ đã xác nhận mở rộng thêm 1.509 suất tuyển sinh trường y, lần tăng đầu tiên sau 27 năm. Mặc dù vậy, vẫn chưa có tiến triển đáng kể nào trong việc thực hiện các cải cách khác nhằm giải quyết sự thất vọng của các chuyên gia y tế. Trong khi quan chức Chính phủ thất vọng vì lập trường phản đối của KMA, thì hiệp hội lại cảm thấy Chính phủ liên tiếp bỏ qua mối quan tâm của các bác sĩ để ủng hộ những giải pháp chính trị có lợi. Không bên nào có vẻ muốn nhượng bộ nhiều hơn. Bất chấp các mối đe dọa về hành động pháp lý, bao gồm cả việc thu hồi giấy phép, chỉ có 5% bác sĩ thực tập vẫn làm việc tại 100 bệnh viện lớn nhất của Hàn Quốc vào tuần mà mức tăng giới hạn tuyển sinh được chấp thuận.
Sự phản kháng này không phải là mới. Năm 2020, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in khi ấy từng lên kế hoạch mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh y khoa thêm 4.000 suất trong 10 năm, yêu cầu thêm sinh viên làm việc trong các lĩnh vực y tế quan trọng và các vùng nông thôn. Tuy nhiên, kế hoạch đã bị hủy bỏ sau cuộc đình công của các bác sĩ trùng với làn sóng lây nhiễm virus Corona.
Quan điểm phản đối của giới bác sĩ dựa trên mối lo ngại về chất lượng giáo dục giảm sút, mất uy tín, lo ngại về điều kiện làm việc và mức lương cho bác sĩ mới ra trường sẽ tồi tệ hơn do cạnh tranh gia tăng.
Cải cách phải chạm đến vấn đề cốt lõi
Các nhà phân tích cho rằng, nếu muốn tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh, Chính phủ cần chứng minh có thể quản lý được mức tăng này mà không làm xấu đi tình trạng của các chuyên gia y tế hiện tại. Chính phủ phải giải quyết sự ngờ vực cố hữu, bắt đầu bằng việc thiết lập một diễn đàn, nơi các bác sĩ có thể nêu lên mối quan ngại của mình. Diễn đàn này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều chỉnh giới hạn tuyển sinh hàng năm khi tham vấn với cộng đồng y tế, từ đó giúp cân bằng giữa nhu cầu và năng lực.
Thông qua cải cách để giải quyết các vấn đề phân bổ nguồn lực và nhân lực cũng rất quan trọng để tích hợp dòng bác sĩ mới vào chiến lược rộng hơn nhằm cải thiện hệ thống. Việc Chính phủ đưa ra các quy định chặt chẽ hơn đối với các hoạt động thẩm mỹ và da liễu sẽ giúp hạn chế khả năng tự định mức phí của các chuyên gia, từ đó khuyến khích nhiều bác sĩ làm việc trong các chuyên khoa thiếu nhân sự hơn.
Bên cạnh đó, nếu không có kế hoạch chăm sóc y tế khu vực toàn diện, áp lực lên các bệnh viện thành phố lớn sẽ vẫn tiếp diễn. Nhiều người cho rằng, cần khuyến khích các bác sĩ làm việc tại các khu vực thông qua nhiều đợt luân phiên kéo dài, học bổng và hỗ trợ cho gia đình họ. Đầu tư vào các chiến lược đổi mới, chẳng hạn như phòng khám sức khỏe lưu động và chăm sóc sức khỏe từ xa, có thể giúp bảo đảm chăm sóc kịp thời và giảm nhu cầu đến bệnh viện.
Mới đây, Chính phủ đã lên kế hoạch thiết lập một “hệ thống đào tạo toàn diện” để cái thiện môi trường đào tạo trong ngành y, bao gồm cả giảm giờ làm việc, để các bác sĩ và nhân viên y tế có thể đầu tư nhiều thời gian hơn vào phát triển kỹ năng. Theo Hiệp hội Thực tập sinh Hàn Quốc, hiện tại, các bác sĩ trẻ làm việc trung bình 77,7 giờ mỗi tuần, hầu hết đều làm thêm giờ. Bộ trưởng Y tế Cho Kyoo-hong cũng cam kết sẽ thiết lập “mạng lưới an toàn pháp lý” cho các bác sĩ để hạn chế trách nhiệm hình sự của họ trong các trường hợp hành nghề sơ suất. Thực tế, việc thiếu mạng lưới này thường buộc các bác sĩ phải ngừng hành nghề, đồng thời khiến nhiều bác sĩ trẻ mới vào nghề miễn cưỡng lựa chọn các lĩnh vực y tế thiết yếu nhưng bị đánh giá thấp hoặc các chuyên khoa có nguy cơ bị kiện tụng cao.
Ông cho biết thêm, Chính phủ sẽ cho phép các bệnh viện đa khoa tuyến ba tập trung vào nhiều bệnh nhân nguy kịch và cấp cứu hơn cũng như những bệnh nhân đang chiến đấu với các bệnh hiếm gặp, như một phần trong nỗ lực tái cấu trúc hoạt động của bệnh viện đa khoa tuyến ba bằng cách giảm sự phụ thuộc vào các bác sĩ mới vào nghề và thành lập các bệnh viện lấy bác sĩ làm trọng tâm. Ngoài ra, các bác sĩ trong các dịch vụ y tế thiết yếu, chẳng hạn như những người chuyên điều trị các bệnh nặng và khó, sẽ được trả lương cao hơn. Hệ thống hoàn trả chi phí y tế cũng sẽ được tăng cường. Bộ trưởng cam kết, Chính phủ sẽ lập các kế hoạch đầu tư táo bạo để hỗ trợ chương trình này, mang lại những thay đổi thiết thực có tác động hữu hình đến lĩnh vực y tế.
Nói chung, cải cách lĩnh vực y tế của Hàn Quốc đòi hỏi cách tiếp cận cân bằng, khắc phục các vấn đề hệ thống mang tính cốt lõi. Nếu Chính phủ không đạt được sự cân bằng này, các cải cách cấp thiết sẽ tiếp tục phải đối mặt với sự phản đối, bị làm loãng và cuối cùng là chệch hướng.