Cải cách cơ chế, chính sách là yếu tố quyết định

- Thứ Sáu, 13/08/2021, 05:40 - Chia sẻ
Tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội đã giao Chính phủ được chủ động và linh hoạt thực hiện một số giải pháp cấp bách, đặc thù, đặc cách và đặc biệt để chủ động trong điều hành phòng, chống dịch Covid - 19 và phát triển kinh tế. Nhiều đại biểu Quốc hội cũng lưu ý, cần tiếp tục cải cách cơ chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, xem đây là yếu tố quyết định giúp doanh nghiệp, nền kinh tế vượt qua khó khăn và phục hồi sau đại dịch.

Cố gắng ở mức cao nhất

Dịch bệnh Covid - 19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, khó lường ở nhiều nước trên thế giới với số lượng người mắc, tử vong tăng nhanh. Trong khi đó, nguồn cung ứng vaccine trên toàn thế giới vẫn còn hạn chế, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Đây là những thách thức rất lớn đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và tác động rất tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tán thành với đề nghị của Chính phủ, tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội đã giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để bảo đảm thực hiện mục tiêu kép, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra cho năm 2021.

Yêu cầu giữ nguyên các mục tiêu năm 2021, theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, được đưa ra trên cơ sở cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng và tham khảo dự báo của một số tổ chức quốc tế. Bởi lẽ hiện vẫn chưa thể dự báo chắc chắn về diễn biến dịch bệnh Covid-19, cũng như tác động đến kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới. Khi chưa có đủ căn cứ để điều chỉnh các chỉ tiêu của năm 2021, Quốc hội và Chính phủ đều xác định cố gắng thực hiện ở mức cao nhất. Việc có mục tiêu để làm thước đo cho sự nỗ lực cũng sẽ tạo ra một áp lực lành mạnh cho Chính phủ mới.

Để thực hiện Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất và sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, để tiếp tục tập trung ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới kiểm soát tốt dịch bệnh, không để xảy ra khủng hoảng y tế, kinh tế - xã hội, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành nhằm nghiên cứu, rà soát, triển khai thực hiện các kiến nghị được cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân đưa ra thời gian qua. Quyết tâm của Chính phủ đã rõ nhưng để thực hiện được đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ ngành, địa phương.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu (Thái Bình) phát biểu tại hội trường

Các địa phương phải kết nối với nhau

Để thực hiện yêu cầu tại Nghị quyết Kỳ họp thứ Nhất, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần phân tích tác động của dịch bệnh Covid - 19 hiện nay với cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Bởi, theo phân tích của Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu, trước đây, tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid - 19 đã làm đứt chuỗi cung - cầu của thế giới, khó tiến hành giao thương cũng như thực hiện các hoạt động xuất, nhập khẩu. Nhưng bối cảnh hiện nay đã thay đổi, giao thương quốc tế ở một số khu vực đã tăng cao, một số nước có kế hoạch mở cửa cả về dịch vụ du lịch và thương mại quốc tế. “Doanh nghiệp trước đây không có đơn hàng do đứt gãy cung cầu quốc tế thì hiện nay đã có đơn hàng, thậm chí không ít đơn vị phản ánh lượng đơn hàng gia tăng”, đại biểu Phan Đức Hiếu lưu ý.

Tuy nhiên, thực tế những ngày vừa qua cho thấy đã có những lúng túng nhất định trong việc áp dụng các biện pháp để chống dịch hiệu quả nhưng ít tác động đến kinh tế. Theo đánh giá của đại biểu Phan Đức Hiếu, diễn biến dịch bệnh ở các địa phương hiện khác nhau và các biện pháp phòng, chống dịch cũng rất khác nhau. Các biện pháp được triển khai áp dụng thời gian qua là cần thiết, nhưng sự khác biệt giữa các biện pháp đã dẫn đến tình trạng ùn tắc lớn về lưu thông hàng hóa và con người.

Để khắc phục hạn chế nêu trên, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, các địa phương cần kết nối với nhau thường xuyên hơn để xác định sự khác biệt mấu chốt giữa các biện pháp phòng, chống dịch được áp dụng, qua đó loại bỏ các biện pháp không cần thiết. Ngoài ra, các bộ, ngành và địa phương cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng để ban hành những quy định minh bạch, dễ thực hiện. Trong đó, các quy định chính thức về vận chuyển hàng hóa phải đủ rõ ràng và dễ tiếp cận để mỗi tài xế đều có thể nắm rõ yêu cầu của từng chốt kiểm tra trên đường vận chuyển hàng hóa, nếu không đủ điều kiện kiểm tra, xét nghiệm có thể được nhận hỗ trợ tại địa điểm nào.

Nhằm ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh, sớm ổn định và kiểm soát dịch bệnh, đưa đất nước trở lại trạng thái “bình thường mới”, Quốc hội đã giao Chính phủ được thực hiện một số giải pháp cấp bách, giải pháp đặc biệt từ nay đến ngày 31.12.2022. Song song với đó, tìm điểm cân bằng giữa hai nhiệm vụ chống dịch và phát triển kinh tế cũng là yêu cầu được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra với Chính phủ, các bộ ngành, địa phương. Bởi, sinh mệnh của mỗi người luôn gắn chặt với sinh kế và sức khỏe của họ.

Để góp phần thực hiện yêu cầu này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến việc tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tiếp tục tạo điều kiện, cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh trên tinh thần an toàn trước dịch bệnh. Bởi, trong bất cứ bối cảnh nào, cải cách cơ chế, chính sách luôn là yếu tố quyết định, “là gói hỗ trợ lớn nhất” giúp đối phó hiệu quả với dịch bệnh, đồng thời chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho tương lai, để phát triển, vượt lên sau đại dịch… 

Thanh Hải