Cái bóng của Jerusalem

- Thứ Sáu, 29/10/2010, 00:00 - Chia sẻ
Đây là tên gọi của biển Chết trong các sách Cabbla - một học thuyết bí truyền của người Do Thái, cũng là tên triển lãm của nhiếp ảnh gia Israel Leonid Padrul đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Thông qua việc lựa chọn và so sánh các cảnh của Jerusalem với khu vực biển Chết, Padrul muốn diễn đạt sự tương phản có tính biểu tượng.

Sinh ra và lớn lên ở Ukraine, ngay từ bé, Leonid Padrul đã có niềm đam mê đặc biết với chụp ảnh phong cảnh, đặc biệt là sau các chuyến du lịch tới Pamir và Tien Shan. Từ đó, hầu như ông luôn mang máy ảnh theo người, ngay cả trong những điều kiện khắc nghiệt nhất. Khi nhập cư vào Israel (1994), tài năng của Padrul thực sự nở rộ. Israel, đất nước với lịch sử thánh kinh cổ, đã mở ra cho Padrul một địa hạt sáng tạo mới, ở đó nghệ thuật của ông có chiều sâu hơn và tinh tế hơn. Năm 2002, ông tham gia dự án khảo cổ nghiên cứu khu vực Qumran của tạp chí National Geographic. Từ đây, ông có mối quan tâm đặc biệt với vùng biển Chết mà theo ông là đối tượng thú vị nhất và cũng thách thức nhất đối với nghệ thuật nhiếp ảnh. Kết quả của dự án là hàng nghìn bức ảnh chất lượng cao, hoàn toàn tự nhiên.

      Trong số các nhiếp ảnh gia Israel, Leonid Padrul được coi là bậc thầy về ảnh phong cảnh. Loạt ảnh “Phong cảnh biển Chết” của ông được xuất bản trên tất cả tạp chí ảnh danh tiếng nhất của Israel, Czech, Ukraine và cả trên National Geographic. Đạo diễn phim tài liệu lừng danh Roni Sofer đã thực hiện một bộ phim ngắn về ông và dự án này. Trước khi đến Hà Nội, triển lãm Cái bóng của Jerusalem đã được tổ chức tại Moscow (Nga), Malina (Philippines) và sắp tới là Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trong kinh thánh, Jerusalem luôn gắn liền với ánh sáng. Đối với người Do Thái, Jerusalem có ý nghĩa đặc biệt linh thiêng, gắn với những gì tốt đẹp. Ngược lại, theo sử sách ghi nhận, khu vực Sodom và Gomorrah bên bờ biển Chết lại là những thành phố vốn đã trở thành biểu tượng của sự xấu xa, tội lỗi. Dấu ấn cá nhân về tư tưởng và cách nhìn của Padrul được thể hiện qua những bức ảnh phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Chúng kích thích sự tưởng tượng và gợi lại lịch sử. Đó là những bức ảnh về ngọn núi đá Sodom, cao 30m ở phía Tây của biển Chết, chủ yếu là tinh thể muối. Hay pháo đài Masada nằm trên sa mạc Judean ở phía đông Nam của Jerusalem. Tháp pháo đài cao 450m so với mực nước biển, xung quanh là những ngọn núi đá thẳng đứng cao đến 300m. Herod đại đế đã cho xây một tổ hợp cung điện với những bức tường vững chắc và nhiều tháp canh bao quanh. Nhà sử học Josephus Flavius đã đánh giá Masada là pháo đài mạnh mẽ nhất trong tất cả pháo đài. Ngoài ra còn có những bức ảnh về động Qumran. Tại đây người ta đã tìm thấy những cuộn bản thảo biển Chết được viết vào khoảng giữa thế kỷ thứ II trước công nguyên và năm 68 sau công nguyên...

Như Padrul tự thú, khu vực biển Chết hấp dẫn ông không chỉ vì các truyền thuyết lịch sử mà còn vì những thách thức lớn lao đối với kỹ thuật và nghệ thuật. Ánh sáng ở khu vực này rất kỳ quái, hoàn toàn mới lạ với các nghệ sỹ. Sự tương phản cao độ của ánh sáng tạo ra những hiệu ứng đa dạng giữa các màu sáng và mảng tối. Ở một số bức ảnh chỉ thấy ánh sáng và không gian. Ở một số bức khác đối tượng được đặt trên đỉnh núi, sa mạc cát hay khối muối biển Chết kết tinh. Có người nói một cách hình tượng rằng dự án “Phong cảnh biển Chết” mà Leonid Padrul thực hiện chính là một đỉnh núi mà Leonid Padrul đã chinh phục được.

Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam, ngài Amnon Efrat, triển lãm ảnh Cái bóng của Jerusalem là biểu hiện thiện chí của Israel muốn gửi người dân Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung, đúng vào dịp Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi. Triển lãm đã hội tụ những nét độc đáo về thành phố Jerusalem, nơi tràn ngập ánh sáng thiên nhiên và bầu không khí trong lành, nơi có những tòa nhà cổ kính, nơi phong cảnh hòa quyện cùng người dân. 40 bức ảnh về phong cảnh của thành phố cổ Jerusalem và khu vực biển Chết đưa người xem vào hành trình khám phá trung tâm văn hóa tinh thần của người Do Thái, thông qua kỹ thuật và tình yêu nghệ thuật của nhiếp ảnh gia Leonid Padrul.

Nhật Linh