Hiệp định Đầu tư toàn diện Trung Quốc - EU

Cái bắt tay thực dụng

- Thứ Năm, 07/01/2021, 06:35 - Chia sẻ
Việc Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc công bố Thỏa thuận Đầu tư toàn diện (CAI) sau 7 năm đàm phán được coi là bước ngoặt quan trọng trong mối quan hệ kinh tế giữa hai cường quốc và là cái bắt tay kịp thời trong bối cảnh cả hai đang thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng, EU ký thỏa thuận lúc này là sai thời điểm bởi nó gửi đi thông điệp thiếu thiện chí cho mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

7 năm, 35 cuộc đàm phán

Khi cựu Chủ tịch Ủy ban châu Âu EC Jose Manuel Barroso và cựu Chủ tịch Hội đồng châu Âu Herman Van Rompuy đến thăm Bắc Kinh tháng 11.2013, cả hai đều hy vọng rất lớn về việc đạt được một hiệp định đầu tư tự do với Trung Quốc trong vòng 30 tháng. Đứng cạnh Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh, ông Van Rompuy tuyên bố: “Các vấn đề thương mại và đầu tư vẫn là trọng tâm được ưu tiên trong chương trình nghị sự của chúng tôi. Chúng tôi đã đạt được bước tiến đáng kể thông qua khởi động các vòng đàm phán về hiệp định đầu tư… Tạo ra một sân chơi bình đẳng, minh bạch và tin tưởng vào pháp quyền là điều cần thiết cho cả hai bên để phát triển hoạt động kinh doanh”.

	Ảnh: SCMP
Ảnh: SCMP

Thời điểm đó, cả ông Barroso và ông Rompuy đều không ngờ rằng phải mất đến 7 năm và 35 vòng đàm phán thì hiệp định đầu tư Trung Quốc - EU mới hoàn tất bởi môi trường địa chính trị toàn cầu đã chứng kiến những biến động chưa từng có.

7 năm trước, bất kỳ câu chuyện nào về nguy cơ chiến tranh lạnh giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ bị bác bỏ như một tin đồn vô căn cứ. Thời điểm đó, EU và Mỹ vẫn là những đồng minh thân cận với mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trên nhiều mặt trận từ an ninh đến kinh tế.

Nhưng đến thời điểm tháng 1.2021, thế giới đang chứng kiến sự phân cực sâu sắc, Mỹ và châu Âu vật lộn với hậu quả kinh tế - xã hội thảm khốc từ cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19. Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo sản lượng kinh tế toàn cầu giảm mạnh 5,2% trong năm 2020, mức tồi tệ nhất kể từ Thế chiến II đến nay. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm như vậy, không có gì ngạc nhiên khi các nhà lãnh đạo EU và Trung Quốc ăn mừng việc ký kết thỏa thuận đầu tư bước ngoặt mang tên Hiệp định Đầu tư toàn diện (CAI).

CAI được đánh giá sẽ có quy mô nhiều tỷ euro, kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp của Trung Quốc và EU trên một loạt lĩnh vực. Các công ty của EU sắp tới sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để tiếp cận các lĩnh vực như chế tạo, kỹ thuật, ngân hàng, kế toán, bất động sản, viễn thông và tư vấn... của Trung Quốc. Các nhà đàm phán châu Âu đã đạt được điều kiện quan trọng là các nhà đầu tư của họ sẽ được đối xử "không kém ưu ái hơn" so với các đối thủ Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, nước này sẽ có nghĩa vụ minh bạch hơn trong vấn đề bảo hộ nhà nước dành cho các doanh nghiệp. Đồng thời, Trung Quốc cũng đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn của Tổ chức Lao động Quốc tế. Trong trường hợp Bắc Kinh không đáp ứng được các điều khoản của Hiệp định, EU có thể đáp trả bằng cách hạn chế Trung Quốc tiếp cận thị trường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định hiệp định này sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng nền kinh tế mở của thế giới; đem lại các thị trường lớn hơn và môi trường kinh doanh tốt hơn cho các khoản đầu tư của hai phía; là công cụ quan trọng giúp kích thích kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi từ đại dịch Covid-19 cũng như thúc đẩy toàn cầu hóa kinh tế và thương mại tự do.

Chiến thắng mang tính biểu tượng

Theo một số nhà phê bình, CAI là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho Bắc Kinh. Chuyên gia quan sát Sourabh Gupta, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Trung - Mỹ (Washington) nhận định: “Đối với Trung Quốc, đây là hiệp định kinh tế quan trọng nhất về mặt địa chính trị cũng như bối cảnh kinh tế chung, kể từ khi nước này ký kết Nghị định thư gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001. Trong tương lai, nó sẽ được nhắc đến như một công cụ kinh tế có ý nghĩa bậc nhất mà Trung Quốc ký kết thành công trong giai đoạn cải cách và mở cửa thứ hai”.

Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Mỹ tại Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) thì nhận định, việc ký kết Hiệp định đầu tư với EU đã đưa Trung Quốc vào “vị thế bất khả xâm phạm, giúp bảo vệ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khỏi những nỗ lực của Mỹ nhằm loại trừ Trung Quốc khỏi hệ thống thương mại - đầu tư toàn cầu. Thỏa thuận làm sâu sắc thêm quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và EU… Nó cũng sẽ cản trở kế hoạch của Mỹ trong việc bắt tay với châu Âu và cô lập Trung Quốc khỏi tương lai toàn cầu hóa”.

“Đó là một hiệp định toàn diện, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực đầu tư mà còn bao gồm cả các điều khoản phát triển bền vững, môi trường và quyền lao động. Nó sẽ thúc đẩy Trung Quốc đổi mới và cải thiện thể chế, hướng tới các thỏa thuận cấp cao, nâng cao tiêu chuẩn cho các FTA trong tương lai”.

"Thực dụng về kinh tế"

Trong năm qua, Trung Quốc bị chỉ trích nhiều về tình hình Hong Kong, vấn đề biên giới với Ấn Độ, vấn đề biển Đông… Bằng việc ký thỏa thuận với Trung Quốc, EU gửi đi tín hiệu rằng họ không quan tâm đến tất cả những điều này. “Đây là một chiến thắng ngoại giao lớn với Trung Quốc”, Janka Oertel, Giám đốc chương trình châu Á tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu, một cơ quan nghiên cứu và tư vấn chính sách, đánh giá.

Trong khi Brussels khẳng định Thỏa thuận Đầu tư toàn diện là văn bản "tham vọng nhất" mà chưa bên nào có thể thuyết phục được Trung Quốc ký, hàm ý về những điều khoản liên quan đến tiêu chuẩn lao động quốc tế mà Bắc Kinh đã nhượng bộ; thì nhận định này của châu Âu bị một số chuyên gia cho là “ngây thơ” khi tin rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thỏa thuận này; và bỏ qua những tác động địa chính trị của việc bắt tay với Trung Quốc vào thời điểm này.

Một chuyên gia nhận định trên Financial Times: “EU nói rằng thỏa thuận sẽ khép hành vi của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc vào kỷ luật, để họ phải hành xử dựa trên những tính toán thương mại. Nhưng họ quên rằng Trung Quốc cũng từng có những cam kết tương tự khi tham gia WTO năm 2001. Cam kết giảm bớt hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước được đưa ra từ 20 năm trước giờ lại được đề xuất như một nhượng bộ mới".

Việc Brussels ký hiệp định đầu tư với Trung Quốc vào thời điểm chỉ vài tuần lễ trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng cũng gửi đi những thông điệp chính trị quan trọng.

Ông Gal Luft, đồng Giám đốc Viện Phân tích An ninh Toàn cầu (Washington) cho hay, động thái của EU ký kết hiệp định đầu tư với Trung Quốc thực chất là nỗ lực có chủ ý nhằm tận dụng khoảng trống quyền lực ở Mỹ. “Ký kết hiệp định trong giai đoạn hiện tại nhằm bảo đảm rằng chính quyền sắp mãn nhiệm không còn đủ thời gian để trừng phạt Brussels và chính quyền tân tổng thống cũng không có cơ hội cân nhắc một biện pháp như vậy. Điều này cho thấy châu Âu mặc dù hoài nghi các chính sách của Trung Quốc nhưng vẫn muốn duy trì vai trò độc lập hơn là bị lôi kéo vào cuộc tranh giành quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Tuy nhiên, trên hết, EU vẫn có lý do cho lựa chọn của mình, đó là quyết định thực dụng về mặt kinh tế. Theo bà Justyna Szczudlik, chuyên gia về Trung Quốc và là người đứng đầu chương trình châu Á - Thái Bình Dương tại Viện Các vấn đề quốc tế Ba Lan, các cuộc đàm phán hiệp định đầu tư với Trung Quốc phần lớn được thúc đẩy bởi một số nền kinh tế lớn của EU, đặc biệt là Pháp và Đức - những nước phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc và sẽ được hưởng lợi lớn từ hiệp định. 

Đạt Quốc (Theo SCMP)