Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội

Cách tiếp cận mới thúc đẩy nông nghiệp bền vững

- Thứ Năm, 13/01/2022, 06:09 - Chia sẻ
PGS.TS. ĐÀO THẾ ANH, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng, Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội vừa được Quốc hội thông qua (gọi tắt là Nghị quyết) đã thể hiện cách tiếp cận mới khi lựa chọn hỗ trợ hợp tác xã (HTX) “có khả năng phục hồi”. Điều này sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững, xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp và hiện đại.

Xem xét giải ngân vốn theo tiến độ sản xuất

- Việc Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, trong đó hỗ trợ lãi suất 2% đối với HTX có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, phải khẳng định rằng, việc hỗ trợ HTX theo tinh thần của Nghị quyết là rất quan trọng. Bởi lẽ, hỗ trợ HTX chính là hỗ trợ các hộ nông dân - thành viên HTX và là lực lượng đóng góp rất nhiều vào việc duy trì sự ổn định của nông nghiệp trong bối cảnh phải đối mặt với biến đổi khí hậu, dịch bệnh Covid-19. Tới đây, dự báo các thách thức này, cùng với biến động của thị trường, nhất là thị trường quốc tế sẽ còn phức tạp hơn, đồng nghĩa người nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn và do đó, hỗ trợ HTX chính là lời giải căn cơ.

Thêm nữa, chúng ta muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải tăng cường năng lực cho các hộ nông dân, tức là hỗ trợ để họ hợp tác lại chứ không phải hoạt động riêng lẻ. Nếu không, họ sẽ không thể đủ sức đối mặt với 3 thách thức vừa nêu và sẽ không thể trở thành nông dân chuyên nghiệp, có được nền nông nghiệp hiện đại. Việc hỗ trợ sản xuất nông nghiệp thông qua HTX cũng là cách mà nhiều nước đang làm. Do vậy, hỗ trợ cho các HTX sẽ là chìa khóa để hỗ trợ nông dân, tăng sức cạnh tranh cho toàn ngành.

- Theo nội dung Nghị quyết, sẽ hỗ trợ cho các HTX có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi”. Ông nghĩ sao?

­- Đây là yếu tố mới so với Nghị quyết số 105/NQ-CP ngày 9.9.2021 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 (Nghị quyết số 105) và rất cần thiết. Bởi lẽ, các HTX phải làm kinh doanh và buộc phải có năng lực sản xuất cũng như khả năng chi trả.

Nghị quyết số 105 ưu tiên tín dụng cho HTX dù ban hành kịp thời song các HTX vẫn khó tiếp cận. Nguyên nhân bởi muốn được vay vốn, các HTX vẫn phải có tài sản thế chấp là sổ đỏ đất đai, trong khi các HTX thành lập sau năm 2012 thì tài sản chung rất ít, tài sản sổ đỏ chủ yếu của hộ nông dân thành viên.

Kinh nghiệm của các nước về hỗ trợ tín dụng cho nông nghiệp thường không yêu cầu thế chấp tài sản như cách chúng ta vẫn làm. Họ dựa trên các dự án mà HTX hoặc doanh nghiệp xây dựng lên. Chúng ta nên tham khảo cách làm này. Theo đó, các ngân hàng nên phối hợp với các cơ quan chức năng, Trung tâm khuyến nông… để đánh giá về tính khả thi và khả năng chi trả của các HTX dựa trên dự án của họ, trên cơ sở đó giải ngân vốn. Việc giải ngân có thể không phải một lúc mà theo tiến độ sản xuất đầu tư trong nhiều tháng, thậm chí vài năm.

Đặc biệt, việc khuyến khích HTX liên kết theo chuỗi giá trị cũng sẽ làm tăng khả năng chi trả của các HTX. Bên cạnh đó, những HTX mà hợp tác với các cơ quan về khoa học kỹ thuật, khuyến nông để chuyển giao khoa học công nghệ cũng sẽ tăng hiệu quả hoạt động kéo theo tăng khả năng chi trả. Vì thế, khi triển khai Nghị quyết cũng nên chú ý vấn đề này để cấp vốn cho các HTX.

Nhà nước nên đầu tư kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản

­- Tại Nghị quyết, Quốc hội quyết định phân bổ nguồn lực từ hơn 113.000 tỷ đồng phát triển kết cấu hạ tầng cho phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, thích ứng biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong khi đó, hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản... cũng là vấn đề bức thiết thì chưa được nhắc đến, ông nghĩ sao?

- Trong bối cảnh nguồn lực có hạn, Nhà nước ưu tiên các cơ sở hạ tầng lớn về thủy lợi, thích ứng biến đổi khí hậu là hợp lý. Đối với hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản... có thể huy động doanh nghiệp, người dân tham gia.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn cần dịch vụ công trong đầu tư hạ tầng này. Bởi lẽ, những vùng thuận lợi như đồng bằng sông Hồng hay Tây Nguyên vốn đã sản xuất hàng hóa lớn thì có thể thu hút doanh nghiệp đầu tư. Với những vùng khó khăn, HTX còn yếu, khó thu hút đầu tư của doanh nghiệp thì Nhà nước cần quan tâm đầu tư hạ tầng này, song cần có khảo sát, đánh giá dựa trên quy mô, năng lực sản xuất để đầu tư hạ tầng phù hợp, tránh tình trạng xây xong mà bỏ hoang như việc xây dựng chợ thuộc chương trình nông thôn mới ở nhiều địa phương.

Hợp tác xã có khả năng phục hồi, khả năng chi trả sẽ được nhận hỗ trợ theo Nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua

 Ảnh: Đan Thanh 

- Theo ông, làm thế nào để thu hút doanh nghiệp, HTX đầu tư hệ thống kho bãi, cơ sở chế biến, bảo quản...?

- Đầu tiên phải gỡ về đất đai. Hiện nay, nhiều địa phương đã giao hết đất sản xuất nông nghiệp. Nhiều HTX muốn xây dựng cơ sở chế biến rất khó xin đất vì trong quy hoạch của địa phương không có đất cho lĩnh vực này. Vì vậy, quy hoạch đất nông nghiệp cần bao gồm cả cơ sở hạ tầng phục vụ chuỗi nông nghiệp, chứ không phải chỉ để sản xuất. Việc cấp tín dụng cũng phải thuận lợi hơn như tôi đã đề cập ở trên.

Bên cạnh đó, HTX muốn làm công nghệ sau thu hoạch cần được chuyển giao công nghệ và đào tạo. Do đó, chính sách khuyến nông cần hỗ trợ điều này. Đồng thời, cần đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, bởi hiện muốn kinh doanh tốt phải có internet, chuyển đổi số. Chương trình chuyển đổi số quốc gia đã có chiến lược rõ ràng và tới đây cần ưu tiên đầu tư cả vào hạ tầng trong nông nghiệp.

- Xin cảm ơn ông!

Đan Thanh thực hiện