Cách nào quản lý hiệu quả vốn FPI?

26/06/2010 00:00

Mặc dù giữ vai trò quan trọng đối với nền kinh tế nhưng dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FPI) đang thiếu định hướng rõ ràng.

Theo UB Chứng khoán Nhà nước, khoảng 1 năm trở lại đây, dòng vốn FPI có xu hướng quay trở lại Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán có 13.000 tài khoản giao dịch (giá trị danh mục chứng khoán nắm giữ lên đến 6 tỷ USD), trong đó có trên 1.200 tài khoản của các tổ chức và quỹ đầu tư (chiếm 1,5% số nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam), khối lượng giao dịch chiếm từ 20 -25%.  

Tác động của dòng vốn FPI đến nền kinh tế khá rõ. Đây là nguồn tài chính tạo ra sức cầu và thúc đẩy chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các hoạt động phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Hiệu quả lớn nhất mà dòng vốn này tạo ra chính là tăng tính thanh khoản cho thị trường tài chính. Sự tham gia tích cực của nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp phần giúp thị trường chứng khoán trở nên đồng bộ, cân đối và sôi động hơn.

Thế nhưng, vấn đề đang khiến các cơ quan quản lý băn khoăn hiện nay là làm thế nào tiếp tục thu hút FPI và giữ dòng vốn này về lâu dài. Ts Lê Văn Châu, Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán Việt Nam VASB cho rằng, chúng ta đang thiếu một định hướng rõ ràng về dòng vốn đầu tư gián tiếp, những chính sách nhằm tăng cường khả năng thu hút của nhà nước; thị trường tài chính chưa phát triển, thiếu gắn kết, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện tại cơ quan chức năng chỉ kiểm soát được dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài tại thị trường chứng khoán tập trung trên cơ sở cấp mã số giao dịch, còn đối với việc tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tự do thì không kiểm soát được. Đối với Ngân hàng Nhà nước, việc theo dõi hoạt động lưu chuyển của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài liên quan đến hoạt động đầu tư trên thị trường chứng khoán cũng như hoạt động góp vốn, mua cổ phần, đầu tư nói chung chưa được bóc tách từ hoạt động lưu chuyển ngoại hối nói chung. 

Để đón đầu dòng vốn này trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường tài chính về chất, nâng cao thanh khoản, quy mô của thị trường chứng khoán, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao minh bạch, khuyến khích các dòng vốn dài hạn từ quỹ đầu tư liên kết bảo hiểm, quỹ hưu trí, phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp. Theo VASB, cần cải tiến công tác thu thập dữ liệu chuẩn xác, cập nhật về dòng vốn FPI. Kèm theo đó, cần làm rõ việc phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp hoạt động giữa các đơn vị trong quản lý dòng vốn FPI, bởi hiện nay sự phân công trách nhiệm chưa rõ ràng. Về phía UB Chứng khoán Nhà nước, một lãnh đạo của UB cho rằng, nên có chính sách khuyến khích nhà đầu tư dài hạn, các hình thức đầu tư tập thể; phát triển các tổ chức đầu tư chuyên nghiệp, có tiềm lực tài chính vững chắc, có năng lực quản trị rủi ro và đạo đức nghề nghiệp cao. Bên cạnh đó, chủ động xây dựng chính sách dự phòng, cơ chế hoạt động của thị trường tiền tệ để đảm bảo ứng phó linh hoạt với sự dịch chuyển khó lường của dòng vốn FPI. Tập trung củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là năng lực tài chính, hệ thống thẩm định tín dụng và các quy định về quản trị rủi ro phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động khi tiếp nhận và sử dụng nguồn vốn từ nước ngoài.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Cách nào quản lý hiệu quả vốn FPI?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO