Cách chọn dưỡng ẩm cho từng loại da
Bác sĩ Phạm Thị Phương- Khoa Da liễu- Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương cho biết, có ba cơ chế hoạt động của dưỡng ẩm bao gồm:
Theo cơ chế bít: Chất dưỡng ẩm tạo trên da 1 lớp màng giúp da tránh mất nước. Loại này có 2 chất điển hình là petrolatum, và lanolin. Loại này có ưu điểm là dưỡng ẩm sâu, kéo dài, ít gây kích ứng vì không chứa nhiều thành phần, rẻ. Nhược điểm là gây nhờn da, dễ gây viêm nang lông.
Cơ chế phục hồi hàng rào bảo vệ: Gồm ceramide, cholesterol, các acid béo tự do… Loại này thành phần giống lớp hàng rào bảo vệ của cơ thể.
Cơ chế hút nước: Các chất này có khả năng hút nước nhờ có nhóm OH hoặc NH, nó hút nước từ môi trường và từ dưới da lên. Gồm glycerin, các loại rượu mạch carbon thấp, ure, acid lactic, HA… Không gây viêm nang lông nhưng có thể gây kích ứng da (ure, lactic…), ít tác dụng khi môi trường có độ ẩm thấp.
Các dạng trình bày của dưỡng ẩm gồm dạng mỡ, dạng cream, dạng dung dịch.
Theo bác sĩ Phương, mỗi loại da lại có cách dưỡng ẩm khác nhau như:
Da thường: Da thường là loại da không quá nhờn nhưng cũng không bị khô, lỗ chân lông nhỏ, da mịn. Khi chạm tay vào da, chúng ta có thể dễ dàng cảm nhận được độ mềm mượt nhẹ nhàng của da. Trong chăm sóc hàng ngày nên chọn các sản phẩm dưỡng ẩm có dung môi là nước (water-based moisturisers), nhẹ, không bết dính như các sản phẩm có chứa dầu có trọng lượng phân tử thấp như Cetyl alcohol, hay dẫn chất của Silicon như Cyclomethicone.
Da dầu: Da dầu là loại da có sự tiết dầu mạnh và quá mức cần thiết nên luôn cho cảm giác bóng dầu, lỗ chân lông to, sạm màu và nhiều mụn. Vì vậy, tránh dùng các sẩn phẩm gây bí, bết dính; nên dùng các sản phẩm dưỡng ẩm có dung môi là nước, oil-free, không sinh comedone hay trứng cá. Dạng lotion thường được sử dụng do đặc tính có tỷ lệ nước cao hơn dạng kem, nhẹ, cảm giác dễ chịu, ít có nguy cơ sinh trứng cá.
Da khô: Da khô là loại da hay bị bong tróc và thô ráp, cảm giác bề mặt luôn bị căng do thiếu nước, bề mặt da hay bị bong vảy, thiếu độ bóng mượt và hình thành nhiều nếp nhăn. Chọn các sản phẩm có dung môi là dầu, hoặc petrolatum, các sản phẩm đặc, có độ bết dính cao, tồn tại lâu, dạng kem và mỡ thường được sử dụng.
Da nhạy cảm: Da dễ bị tổn thương và bị kích ứng với những tác động từ môi trường, sự thay đổi thời tiết hoặc những thành phần mỹ phẩm không phù hợp. Da thường có các biểu hiện để bị mẩn đỏ, khô da, cảm giác nóng da, thậm chí bỏng rát và đôi khi ngứa khi tiếp xúc với chất lạ. Nên chọn các sản phẩm làm mềm dịu như có chứa lô hội, hoa cúc; tránh các sản phẩm gây dị ứng, kích ứng, các loại phẩm màu, hương liệu.
Da lão hóa: Là dấu hiệu suy giảm chức năng của da, khiến độ đàn hồi của da giảm đi và các mô liên kết bắt đầu yếu dần; trên trán bắt đầu hình thành các nếp nhăn dễ thấy nông hoặc sâu. Chọn các sản phẩm có dung môi là dầu, hoặc petrolatum, có thêm thành phần chống oxy hóa, chống nhăn.
Dưỡng ẩm cho da khô và viêm da cơ địa như thế nào?
Bác sĩ Phạm Thị Phương chia sẻ: Chọn dưỡng ẩm cho da khô và viêm da cơ địa phụ thuộc vào các yếu tố: vị trí tổn thương, đặc điểm tổn thương, tuổi, bệnh lý cụ thể, thời tiết…
Dạng trình bày mỡ hiệu quả hơn dạng cream và dạng dung dịch, cho hiệu quả dưỡng ẩm sâu và kéo dài. Tuy nhiên, dạng mỡ gây cảm giác khó chịu, mất thẩm mỹ hơn (do dính và nhờn). Khuyến cáo dùng dạng mỡ vào buổi tối, dạng cream hoặc dạng dung dịch vào ban ngày. Khi tổn thương khô nhiều nên dùng dạng mỡ.
Vị trí tổn thương: với tổn thương ở mặt chú ý không dùng các loại dưỡng ẩm gây mụn nhân và gây trứng cá ở các đối tượng da mụn hoặc da có xu hướng mụn. Thành phần hay dùng là glycerin. Với tổn thương ở bàn tay bàn chân ưu tiên dưỡng ẩm chứa ure. Tổn thương ở vùng lông như da đầu, lông mu ưu tiên dùng dạng dung dịch.
Đặc điểm tổn thương: với tổn thương đang giai đoạn chảy dịch ưu tiên dạng dung dịch, tổn thương khô da dày sừng nhiều ưu tiên dạng mỡ. Tuy nhiên với trẻ bị viêm da cơ địa đang bị viêm nặng nên điều trị chống viêm trước sau đó mới dùng dưỡng ẩm (vì dưỡng ẩm khó dung nạp trong giai đoạn viêm nặng).
Tuổi: ure có thể gây kích ứng và rối loạn chức năng thận ở trẻ nhỏ, vì thế không khuyến cáo dùng cho trẻ nhỏ (nếu dùng ure cho trẻ nhỏ phải sử dụng nồng độ thấp). Propylene glycol cũng dễ gây kích ứng ở trẻ dưới 2 tuổi nên cũng không khuyến cáo dùng cho trẻ em.
Thời tiết: với mùa hè ra nhiều mồ hôi ưu tiên dùng dạng dung dịch vì dễ dung nạp, tuy nhiên nếu tổn thương quá khô có thể dùng dạng cream hoặc mỡ. Với mùa đông khô hanh dạng dung dịch dưỡng ẩm không sâu và chỉ được thời gian ngắn nên ưu tiên dùng dạng mỡ hoặc dạng cream. Độ ẩm của không khí <60% ưu tiên dùng dạng mỡ.
Bác sĩ Phương lưu ý cách dùng dưỡng ẩm cho bệnh nhân viêm da cơ địa như sau:
- Bôi ít nhất 2 lần/ngày, bôi đủ lượng cần thiết với người lớn ít nhất 250 g/tuần, trẻ em khoảng 100 g/tuần với người bị viêm da cơ địa (đặc biệt với trẻ viêm da cơ địa nặng). Dưỡng ẩm cần bôi duy trì lâu dài để hạn chế tái phát. Ngay cả khi đã hết tổn thương vẫn phải bôi vì viêm vi thể ở dưới da vẫn còn.
- Dưỡng ẩm nên sử dụng sau tắm 5 phút. Sử dụng sớm sau sinh cho trẻ có yếu tố nguy cơ cao bị viêm da cơ địa có thể làm giảm tỷ lệ bị viêm da cơ địa về sau.
- Nếu kèm theo thuốc điều trị: dưỡng ẩm có thể bôi trước corticoid bôi 30 phút (một số khuyến cáo nói rằng bôi trước hay sau không quan trọng, nhưng nhớ con số 30 phút để tránh pha loãng thuốc corticoid). Với tacrolimus bôi dưỡng ẩm trước ít nhất 60 phút.
- Nếu ngứa nhiều có thể dùng dưỡng ẩm có thành phần giảm ngứa như menthol, bisabolol.