Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất phát triển điện hạt nhân với công nghệ Hàn Quốc
Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) được thành lập vào năm 1971 gồm 7 tiểu vương quốc trên bờ Vịnh Persic là Abu Dhabi, Dubai, Chardja, Fudjayra, Adjman, Ummal-Qaywayn và Ras al-Khayma.
Bảy tiểu vương quốc này trước đây được đặt dưới sự bảo hộ của nước Anh từ năm 1892, đến năm 1971 mới được độc lập và liên kết lại thành một quốc gia. Đây là một vùng sa mạc rất giàu dầu mỏ. Toàn bộ diện tích của UAE là 80.000km2 (bằng khoảng 1/4 diện tích Việt Nam), dân số khoảng 3 triệu người, trong đó một sốë đông là người nhập cư. Ngôn ngữ chính là tiếng Ảrập, tiền tệ là dirham. Thủ đô là thành phố Abu Dhabi. Tiểu vương quốc Abu Dhabi chiếm đến 86% diện tích và 95% lượng dầu mỏ của UAE.
UAE với dân số 5 triệu người có công suất điện là 18 triệu kW. Sản lượng điện năm 2008 là 68 tỷ kWh, tính bình quân theo đầu người là 13.600 kWh/người/năm (của nước ta là 840kWh/người/năm). Điện được sản xuất chủ yếu từ khí thiên nhiên (98%) và dầu mỏ (2%).
Do nhu cầu tăng nhanh sản lượng điện vừa để cung cấp điện năng cho sản xuất và sinh hoạt, vừa để khử mặn nước biển thành nước ngọt, theo tính toán cần phải đưa công suất điện từ 18 triệu kW năm 2008 lên 40 triệu kW vào năm 2020. Để tăng công suất điện lên nhiều như vậy trong một thời gian ngắn, đồng thời giảm việc dùng nhiên liệu hóa thạch sản sinh ra khí hiệu ứng nhà kính làm biến đổi khí hậu toàn cầu, biện pháp duy nhất hữu hiệu là phát triển điện hạt nhân. Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), tháng 4.2008, UAE đã xây dựng một chính sách toàn diện về năng lượng hạt nhân và thành lập một tổ chức gọi là “Tập đoàn Năng lượng hạt nhân các tiểu vương quốc” (ENEC).
Đầu năm 2009, ENEC đã gọi thầu quốc tế. Lúc đầu có 9 công ty đề nghị tham gia, sau ENEC rút xuống còn 3 là Tập đoàn Areva của Pháp, Tập đoàn điện lực Hàn Quốc (liên kết với các công ty Samsung, Hyundai và Doosan) và nhóm General Electrics (Mỹ) - Hitachi (Nhật). Cuộc đấu thầu quốc tế đã diễn ra vào ngày 27.12.2009, kết quả Hàn Quốc đã vượt qua các đối thủ Pháp, Mỹ và Nhật để giành được hợp đồng trị giá 40 tỷ USD xây dựng và vận hành 4 lò phản ứng hạt nhân cho các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Dự kiến lò phản ứng đầu tiên sẽ được nối mạng vào năm 2017 và lò thứ tư vào năm 2020. Để bảo đảm xây dựng nhà máy điện hạt nhân đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng, UAE chủ trương chủ yếu dựa vào chuyên gia và nhân lực nước thắng thầu trong việc xây dựng cũng như vận hành nhà máy.
Thắng lợi của Hàn Quốc đã tạo nên sự ngạc nhiên và khâm phục trong dư luận toàn thế giới. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc mô tả thỏa thuận này là “Dự án lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc”. Đây cũng là lần đầu tiên Hàn Quốc xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở nước ngoài.
Tập đoàn Areva của Pháp, một Tập đoàn điện hạt nhân lớn nhất thế giới hiện nay đã tham gia đấu thầu với một lò phản ứng thế hệ thứ ba, hiện đại nhất là lò phản ứng EPR (European Pressurized Water Reactor – Lò phản ứng nước áp lực châu Âu), do công ty Pháp Framatome và công ty Đức Siemens hợp tác thiết kế, công suất 1.600MW. Hiện nay trên thế giới chưa có lò phản ứng EPR nào hoạt động, chỉ có một lò EPR do Pháp xây dựng ở Olkiluoto (Phần Lan) khởi công năm 2005 và dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2010 và một lò EPR xây dựng ở Flamanville, trên bờ biển miền Bắc nước Pháp khởi công năm 2007 và dự định sẽ hoàn thành trong năm 2012.
Trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Nicolai Sarkozy sang Trung Quốc vào tháng 11.2007, bà Anne Lauvergeon, Tổng giám đốc Tập đoàn Areva đi tháp tùng Tổng thống đã ký được với Tổng công ty hạt nhân quốc gia Trung Quốc (CNNC) một hợp đồng xây dựng hai lò phản ứng EPR tại Đài Sơn trên bờ biển tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), trị giá hợp đồng lên đến 8 tỷ Euro, tức là 11,9 tỷ USD. Hai lò phản ứng này công suất mỗi lò là 1.700MW, dự định sẽ bắt đầu khởi công xây dựng vào năm 2010 và hoàn thành vào năm 2015-2016.
Hàn Quốc tham gia đấu thầu với lò phản ứng APR – 1400, công suất 1.400MW. Đây là một lò phản ứng thế hệ thứ ba do Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo. APR là viết tắt của tiếng Anh Advanced Pressurized Water Reactor (lò phản ứng nước áp lực tiên tiến).
Hàn Quốc khởi đầu công nghiệp điện hạt nhân bằng cách nhập khẩu một lò phản ứng nước áp lực PWR (Pressurized Water Reactor) thế hệ thứ hai công suất 587MW do công ty Mỹ Westinghouse thiết kế và chế tạo. Lò phản ứng đầu tiên này được đưa vào hoạt động vào tháng 4.1978. Bất chấp việc xảy ra tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Trécnôbưn ở Ukraine vào tháng 4.1986, công nghiệp điện hạt nhân ở Hàn Quốc vẫn không ngừng phát triển ngày càng mạnh mẽ. Hàng loạt lò phản ứng hạt nhân của Mỹ, Pháp và Canada đã được xây dựng. Có thể nói sự phát triển thần kỳ của công nghiệp điện hạt nhân Hàn Quốc đã là một trong những nguyên nhân chủ yếu góp phần đưa Hàn Quốc từ một nước nghèo nàn lạc hậu, GDP theo đầu người không quá 100USD/năm vào đầu những năm 1960, chỉ sau hơn 40 năm đã trở thành một trong 12 nền kinh tế phát triển nhất thế giới.
Tháng 8-1998, tức là chỉ 20 năm sau khi nhập lò phản ứng hạt nhân PWR của Mỹ, Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động lò phản ứng hạt nhân thế hệ thứ hai OPR (Optimised Power Reactor – Lò phản ứng động lực tối ưu) do Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo. Từ đấy, Hàn Quốc đã kết thúc thời kỳ nhập lò phản ứng hạt nhân của nước ngoài. Trong mười năm từ 1998 đến 2008, Hàn Quốc đã xây dựng 10 lò phản ứng OPR-1000, công suất mỗi lò 1.000MW. Năm 2007, Hàn Quốc đã ký hiệp định giúp Inđônêxia làm thiết kế khả thi để xây dựng 4 lò phản ứng OPR-1000 ở bán đảo Muria, cách Thủ đô Jakarta 450km về phía Đông, dự định lò phản ứng đầu tiên sẽ được đưa vào hoạt động vào năm 2016.
Mười năm sau khi đưa vào hoạt động lò phản ứng thế hệ thứ hai OPR-1000 do Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo, tháng 10.2008, Hàn Quốc đã khởi công xây dựng lò phản ứng thế hệ thứ ba đầu tiên APR-1400 do Hàn Quốc tự thiết kế và chế tạo. Đây chính là kiểu lò phản ứng đã chiến thắng trong cuộc đấu thầu ở các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất ngày 27.12.2009 vừa qua. Với chiến thắng này, Hàn Quốc đã thực sự bước vào hàng ngũ những Cường quốc điện hạt nhân trên thế giới.