Các phim tài liệu tranh giải Oscar 2008: Thông điệp về sự lạc quan và hy vọng

20/02/2008 00:00

Kinh tế suy thoái, chiến tranh liên miên suốt 6 năm tại Iraq cùng sự bất ổn sau cuộc đình công của các nhà biên kịch Hollywood đã tạo cơ hội cho những bộ phim tài liệu tranh giải Oscar năm nay chiếu rọi. Nhưng ẩn sâu trong mỗi bộ phim là thông điệp về sự lạc quan và hy vọng.

      Đặc điểm chung nhất và dễ nhận thấy nhất ở các phim tài liệu tranh giải Oscar 2008 là không khí u ám và nặng nề. 4 trong số 15 phim tham dự đề cập đến cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan, 3 trong số này: No End in Sight (Cuộc chiến không hồi kết), Taxi to the Dark Side (Chuyến taxi đến vùng đất tối) và Operation Homecoming: Writing the Wartime Experience (Hành trình trở về: Viết về những trải nghiệm chiến tranh) lọt vào danh sách đề cử cuối cùng, với War/Dance (Chiến tranh/khiêu vũ) và Sicko. Sandra Ruch, Giám đốc điều hành, hãng phim tài liệu International Documentary nhận xét: Mấy năm qua, kể từ sau sự kiện 11.9, những gì dính đến khủng bố và chiến tranh đã trở thành đề tài được yêu thích tại giải Oscar. Năm ngoái, cũng có 2 phim liên quan đến chiến tranh Iraq, Iraq in Fragments (Những mảnh vỡ ở Iraq) và My Country, My Country (Đất nước tôi, Đất nước tôi) lọt vào danh sách đề cử. 

04-Thong-diep-5108-300A4.jpg
04-Thong-diep-5108-300A2.jpg

      Năm nay, chủ đề được các nhà làm phim tập trung khai thác là những vấn đề đang rất bức xúc và chưa từng được công bố, đang thách thức Mỹ cũng như thế giới. Shine Global, Công ty sản xuất phi lợi nhuận chống lại tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em, đã gợi ý Sean Fine và Andrea Nix Fine, đồng đạo diễn của War/Dance, làm một bộ phim về trẻ em tị nạn trong cuộc xung đột tàn bạo tại Bắc Uganda. Hai đạo diễn tiến hành nhiều cuộc khảo sát và họ bàng hoàng trước những gì thu được. Nix Fine cho biết: “Sau khi đi sâu tìm hiểu, chúng tôi thực sự kinh hoàng vì mình biết quá ít về nơi này và về những gì đã được đăng tải trên báo chí Mỹ. Mặc dù biết những gì mình đang làm rất nguy hiểm nhưng càng tiếp cận vùng đất này, chúng tôi càng thấy những gì mình đang làm vô cùng ý nghĩa và chúng tôi có nghĩa vụ phải làm đến cùng”. Sean Fine bị sốt rét suốt 12 tuần sống ở trại tị nạn trong tình trạng không có điện. Tuy nhiên, sự quan tâm dành cho bộ phim của 2 ông tại Oscar lần này là phần thưởng đáng giá. Sean Fine nói: “Khi bộ phim được Viện Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ thừa nhận, đồng nghĩa với việc nó sẽ được hàng nghìn khán giả biết đến và họ sẽ chú ý đến những gì đang diễn ra tại Bắc Uganda. Đấy mới là điều chúng tôi thực sự mong đợi, đặc biệt là vấn nạn chưa từng được đề cập đến, đó là 30.000 trẻ em đã bị bắt cóc trong suốt 20 năm xảy ra cuộc nội chiến này”.
Tương tự, No End in Sight, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Charles Ferguson, nói về những quyết sách ở phạm vi lớn của Chính quyền Bush và cuộc chiếm đóng Iraq. Ông cho biết: “Khi làm bộ phim, tôi thực sự điếng người bởi những gì mình tìm hiểu và phát hiện. Nếu trước khi chiến tranh xảy đến, ai đó nói rằng: Họ sẽ không được sử dụng điện thoại trong 3 tháng đầu bị chiếm đóng… thì tôi sẽ không thể tưởng tượng nổi điều đó tồi tệ, khủng khiếp như thế nào”. Alex Gibney, đạo diễn kiêm viết kịch bản và là nhà sản xuất của Taxi to the Dark Side cũng đã bị sốc sau khi điều tra về vụ một lái xe taxi người Afghanistan bị giết ở Bagram Air Base. Tiếp sau vụ giết người này, Gibney đã đi sâu vào những chính sách về nhà tù và tra tấn tù nhân của Chính quyền Tổng thống Bush. “Tôi đã nghiệm ra một điều: những góc tối tôi đi qua còn khủng khiếp hơn rất nhiều những gì tôi tưởng tưởng về chúng trước đây”. 

04-Thong-diep-5108-300A3.jpg

      Khác với các phim trên, trong Sicko, Michael Moore kể về cuộc khủng hoảng y tế ở Mỹ. Moore theo chân những những người dân thường Mỹ và tìm hiểu về những gì họ nhận được từ chính sách ưu đãi của các công ty bảo hiểm nước này. Cũng là một cuộc khủng hoảng đang được nhiều người quan tâm ở Mỹ, Operation Homecoming của Richard Robbins đề cập đến việc làm thế nào để quân nhân Mỹ tái hòa nhập cộng đồng sau khi hết nghĩa vụ. 
      Cả 5 phim tài liệu được đề cử giải Oscar 2008 đều nói về những sự kiện rất “nóng” nhưng những gì được đề cập trong phim vẫn tiếp tục xảy ra. Hiệu quả mà những bộ phim này mang lại mới chỉ dừng ở mức độ nhiều người hơn sẽ chú ý đến mà thôi. Tuy nhiên, dù phim nào giành giải Oscar thì sự can đảm, quyết tâm của các nhà làm phim đã là một cơ sở để chúng ta lạc quan. Họ tìm đến những đề tài trên bằng niềm đam mê và dường như chẳng có khó khăn nào có thể làm chùn bước niềm đam mê ấy. Đạo diễn Gibney lạc quan: “Chúng ta đang sống trong một không gian bất ổn, nguy hiểm nhưng tôi nghĩ chúng ta không nên thất vọng”. Với War/Dance, Sean Fine và Andrea Nix Fine lại muốn chuyển đến thông điệp: Chiến tranh có thể lấy đi mọi thứ, trừ âm nhạc...

Minh Hạnh (Theo Hollywood Reporter)

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các phim tài liệu tranh giải Oscar 2008: Thông điệp về sự lạc quan và hy vọng
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO