Sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Ngày 8.5.1954, một ngày sau khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thất thủ, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Với vị thế của một dân tộc chiến thắng, đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đến tham dự Hội nghị. Đây là lần đầu tiên một nền ngoại giao non trẻ tham gia hội nghị quốc tế lớn trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp.
Lúc này về phía Mỹ, dù là thành viên tham gia Hội nghị, nhưng Mỹ luôn vận động lập liên minh và dọa can thiệp quân sự trực tiếp nhằm phá Hội nghị, chuẩn bị điều kiện thuận lợi để vào Đông Dương, thế chân Pháp. Thấy rõ âm mưu phá hoại tiến trình đàm phán đi đến ký kết Hiệp định Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm khẳng định: “Chúng ta phải có tinh thần cảnh giác rất cao đối với âm mưu của đế quốc Mỹ định cản trở hai bên đi đến hiệp định đình chiến và mưu mô lập khối liên minh quân sự có tính chất xâm lược, chia châu Á thành những tập đoàn đối lập để dễ xâm lược và khống chế Đông Dương và Đông Nam Á”.
Cuộc đấu tranh tại Hội nghị Genève kéo dài hai tháng rưỡi mới đi đến kết quả. Trong quá trình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Bộ Chính trị, Trung ương Đảng luôn theo dõi chặt chẽ và chỉ đạo sát sao quá trình đàm phán của đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hội nghị Genève diễn ra hết sức phức tạp với sự đấu tranh quyết liệt của đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sự dàn xếp của các nước lớn, nhất là xung quanh vấn đề phân vùng đóng quân, vấn đề tổng tuyển cử và thống nhất nước Việt Nam, vấn đề các lực lượng kháng chiến ở Lào và Campuchia...
Trong điều kiện lịch sử cụ thể lúc đó, theo xu thế chung - giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới bằng thương lượng, đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chấp nhận ký Hiệp định Genève. Ngày 21.7.1954, các nước tham dự Hội nghị đã ra một bản Tuyên bố cuối cùng và ký các văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương.
Những điều khoản quan trọng nhất của Hiệp định chính là cơ sở pháp lý cho cuộc đấu tranh tiếp theo chống đế quốc Mỹ xâm lược. Đó cũng là kết quả của đường lối cách mạng, đường lối kháng chiến, đường lối đối ngoại dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tháng 7.1965, khi trả lời phỏng vấn Nhật báo Công nhân (Anh) về ý nghĩa và nội dung quan trọng nhất của Hiệp định Genève, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tôi cho rằng, những điều khoản quan trọng nhất là: phải tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam; không nước nào được lập căn cứ quân sự ở nước Việt Nam; Việt Nam không liên minh quân sự với bất cứ nước nào; thi hành các quyền tự do dân chủ, tạo điều kiện thuận lợi…, đi tới thực hiện thống nhất nước nhà…”.
Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng: Cương quyết và khéo léo
Với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Quyền Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, đồng chí Phạm Văn Đồng được Trung ương Đảng và Chính phủ Việt Nam cử làm Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam tham gia Hội nghị Genève.
Ngày 13.7.1954, trong cuộc gặp Ngoại trưởng Pháp Mendès France, đồng chí Phạm Văn Đồng vẫn đề nghị giữ vĩ tuyến 16 làm giới tuyến, nghĩa là Việt Nam làm chủ con đường 9 từ Savanakhet (Lào) đi Quảng Trị là con đường duy nhất cho Lào đi ra biển.
Phải đến cuối phiên họp chiều 20.7, đại diện Việt Nam Phạm Văn Đồng mới chấp nhận vĩ tuyến 17. Thời hạn 2 năm tổ chức tổng tuyển cử cũng như những vấn đề khác của hiệp định đều phải giằng co, đặc biệt Hiệp định về Campuchia phải ký vào cuối buổi sáng 21.7.
Khó khăn của Việt Nam khi bước vào Hội nghị Genève là không được độc lập, tự chủ như với Hội nghị Paris sau này. Ta dựa nhiều vào tin tức của Liên Xô và Trung Quốc, thậm chí với Pháp là đối tượng chính mà đến gần 2 tháng sau, Phạm Văn Đồng mới gặp Mendès France, sau khi Chính phủ Laniel bị lật đổ. Tuy nhiên, mục tiêu của ta khi tham gia Hội nghị Genève là chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào, Campuchia.
Với chiến thắng ở chiến trường cùng sự khôn khéo, giữ vững nguyên tắc “độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ" của ta khi đàm phán, mọi gay cấn tranh chấp đã được giải tỏa buộc đối phương phải chấp nhận.
Sau 75 ngày thương lượng, qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp cùng các hoạt động tiếp xúc ngoại giao dồn dập đằng sau các hoạt động công khai, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia chính thức được ký kết, thừa nhận và tôn trọng độc lập, chủ quyền của ba nước Đông Dương.
Ngày 21.7.1954, các nước tham dự Hội nghị đã ra một bản Tuyên bố cuối cùng và ký các văn bản Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào và Campuchia, tạo nên khung pháp lý của Hiệp định Genève năm 1954 về Đông Dương. Thời điểm đó, quan hệ quốc tế vô cùng phức tạp. Đoàn đại biểu Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn, không có thông tin… Tuy nhiên, đoàn đã khắc phục khó khăn và có đóng góp quan trọng, kiên trì tìm biện pháp bảo đảm lợi ích của đất nước, của cách mạng Đông Dương, của hai chính phủ kháng chiến Pathet Lào và Khmer Issarak.
Tại phiên họp cuối cùng của Hội nghị, trong một tuyên bố riêng, Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kêu gọi: “Nhân dân Việt Nam! Đồng bào miền Nam! Thắng lợi thuộc về chúng ta! Độc lập và thống nhất Tổ quốc chúng ta là ở trong tay chúng ta. Những người yêu chuộng hòa bình và công lý trên toàn thế giới đều đồng tình với chúng ta. Đồng bào hãy nhớ lấy lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: cuộc đấu tranh phải gian khổ, nhưng cuối cùng chúng ta nhất định thắng”.
Lập trường kiên định của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu
Ngày 7.5.1954, ở trong nước, quân và dân Việt Nam đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tạo tiếng vang chấn động địa cầu. Chiến thắng Điện Biên Phủ có ý nghĩa cực kỳ to lớn tác động mạnh đến cuộc đấu tranh ngoại giao ở Genève. Chiều 8.5.1954, Đoàn Việt Nam mới được mời chính thức tham gia Hội nghị. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm cho vị thế của Đoàn Việt Nam khi bước vào Hội nghị được nâng lên.
Những ngày đầu bước vào bàn đàm phán, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu và Đại tá Hà Văn Lâu với vai trò là chuyên viên quân sự của Đoàn đã nghiên cứu phương án quân sự của Hội nghị, đó là việc lập lại hòa bình ở Đông Dương, ngừng bắn, chuyển quân, Pháp rút quân khỏi ba nước Đông Dương.
Trong quá trình Hội nghị Genève diễn ra, bên cạnh các phiên họp tập thể, Hội nghị thành lập cơ chế để giải quyết các vấn đề quân sự. Từ ngày 27.5.1954, Trưởng đoàn Pháp chấp nhận đề nghị của Trưởng đoàn Việt Nam là đại diện hai Bộ Tổng Tư lệnh gặp nhau tại chỗ để bàn việc phân chia vùng tập kết, thể thức ngừng bắn.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện Bộ Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã đàm phán với tướng Delteil là đại diện Bộ Tư lệnh quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Đoàn đàm phán Việt Nam đã kiên trì bảo vệ các nguyên tắc, lợi ích của Việt Nam và của các bạn chiến đấu của Việt Nam (các lực lượng kháng chiến Lào và Campuchia).
Đêm 20 rạng sáng 21.7.1954, Hội nghị Genève kết thúc. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu đại diện Bộ Tổng Tư lệnh quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời đại diện cho hai phía Pathet Lào và Khmer Issarak đã ký Hiệp định đình chỉ chiến sự với tướng Delteil của Pháp trước sự chứng kiến của các quan khách và báo chí nước ngoài.
Với thắng lợi trên bàn đàm phán Hội nghị Genève, GS. Tạ Quang Bửu được nhắc nhớ như là một trong những cán bộ đầu tiên đầy bản lĩnh, tận tụy, vượt khó của nền ngoại giao cách mạng và hiện đại của Việt Nam - nền ngoại giao Hồ Chí Minh.