Các nguyên tắc chung

Nguyên Lâm 23/09/2011 06:59

Xuất phát từ những đặc thù riêng, các quy trình, thủ tục hoạt động của nghị viện theo những nguyên tắc nhất định. Đó là độc lập, bình đẳng, công khai, quyết định theo đa số, bảo vệ ý kiến thiểu số, cân bằng và dung hòa.

Các nguyên tắc chung ảnh 1
Nguồn: AP

Thứ nhất, sự độc lập của nghị sỹ. Nghị sỹ các nước chịu sức ép rất lớn từ nhiều phía: từ đảng của mình, từ cử tri khu vực bầu cử, từ các nhóm lợi ích..., bởi vậy quy trình, thủ tục chặt chẽ nhằm tạo ra sự độc lập tương đối cho họ. Quyền này áp dụng cho mọi trường hợp: khi bỏ phiếu, thảo luận, kiến nghị... Điều này nhằm bảo đảm cho nghị sỹ lựa chọn lúc nào họ có thể quyết theo suy xét của mình để có lợi cho toàn thể quốc gia và lúc nào - theo ý muốn của cử tri ở địa phương.

Thứ hai, phiên họp toàn thể của nghị viện là nơi ra quyết sách cuối cùng. Ý chí của nghị viện phải được phản ánh và dựa trên quyết định của phiên họp toàn thể. Hoạt động của các cơ quan do Nghị viện lập ra cũng chỉ là những bước chuẩn bị cho quyết định toàn thể. Ở nhiều nước, đặc biệt ở Mỹ, hệ thống các ủy ban rất mạnh, đó mới chính là “Nghị viện làm việc, còn ở nghị trường chỉ là Nghị viện trình diễn”. Nhưng thậm chí như thế thì nếu thiếu bước “trình diễn” đó, Nghị viện không thể ra quyết sách được.

Thứ ba, nguyên tắc bình đẳng, công bằng. Theo tinh thần của nguyên tắc này, mọi thành viên đều bình đẳng với nhau, mỗi người một lá phiếu. Sự bình đẳng được đảm bảo trong mọi thủ tục: kiến nghị, thảo luận, bỏ phiếu... Đặc biệt, sự bình đẳng rất được coi trọng trong quá trình thảo luận.

Thứ tư, quyết định theo đa số. Nguyên tắc quyết định theo đa số thể hiện trên hai phương diện: 1) số lượng đại biểu tối thiểu cần thiết (quorum) có mặt tại phiên họp để có thể bắt đầu cuộc thảo luận và biểu quyết. Yêu cầu này rất quan trọng bởi vì khó mà chấp nhận rằng một đạo luật, được xem là ý chí của toàn dân, mà chỉ được một số rất nhỏ nghị sỹ tham gia thảo luận và quyết định. 2) Quyết sách của Nghị viện phải được đa số đại biểu đồng ý tán thành mới có giá trị.

Thứ năm, bảo vệ ý kiến thiểu số song song với nguyên tắc quyết định theo đa số. Ví dụ như quyền đưa ra kiến nghị về thủ tục và Nghị viện bắt buộc phải biểu quyết về kiến nghị đó; quyền yêu cầu và cần phải đáp ứng yêu cầu đó; quyền phát biểu của nhóm thiểu số phải được bảo đảm... Để tránh sự lạm dụng, quy chế của Nghị viện các nước dù ít hay nhiều đều có những thủ tục có tính chất ràng buộc, hạn chế chẳng hạn như hạn chế thời gian, số lần phát biểu...

Thứ sáu, nguyên tắc công khai, minh bạch. Bởi lẽ nghị viện là một diễn đàn “mở”. Hơn nữa, hoạt động của Nghị viện chỉ thực sự mang lại lợi ích cho người dân khi họ biết được quá trình đó diễn biến ra sao và có những kết quả gì. Mặt khác, nhờ có công khai nên sức ép của giám sát tăng gấp bội do có thêm sức ép của công luận xã hội. Do đó, đại đa số Quy chế Nghị viện các nước đều có những quy định về sự công khai, minh bạch này.

Thứ bảy, nguyên tắc cân bằng và dung hòa. Do đại diện cho nhiều lợi ích khác nhau, Nghị viện các nước có nhiều thủ tục để cân bằng quyền lực, dung hoà lợi ích, khuyến khích thương lượng. Ví dụ, để tránh tình trạng lạm quyền của những nhân vật có thế lực như Chủ tịch Viện hay Chủ nhiệm Ủy ban, luôn có những thủ tục chẳng hạn như về quyền đưa ra kiến nghị của cá nhân đại biểu, nhóm đại biểu về việc ông ta không tuân theo thủ tục, cần phải thay chủ tọa...

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các nguyên tắc chung
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO