Các nguyên tắc bầu cử : Bỏ phiếu kín - bảo đảm sự khách quan

Hoài Thu 08/04/2011 07:35

Pháp luật bầu cử của hầu hết các nước đều quy định nguyên tắc bỏ phiếu kín và việc đảm bảo thực hiện nguyên tắc này trong thời gian tuyển cử. Bầu cử là hoạt động có tính chất dân chủ.

Hoạt động này luôn gắn liền với nguyên tắc công khai, nhưng chỉ riêng công đoạn bỏ phiếu là kín. Nguyên tắc bỏ phiếu kín hàm ý chỉ có cử tri biết sự lựa chọn của mình, sự lựa chọn đó được giữ kín, đảm bảo bí mật. Khi cử tri viết phiếu bầu không ai được đến gần, kể cả cán bộ, nhân viên các tổ chức phụ trách bầu cử; không ai được biết và can thiệp vào việc viết phiếu bầu của cử tri. Cử tri viết phiếu bầu trong buồng kín và bỏ phiếu vào hòm phiếu. Phiếu bầu hoặc để trống để cử tri điền tên ứng viên hoặc đảng mà mình lựa chọn, hoặc in sẵn tên các ứng viên để cử tri đánh dấu vào ô bên cạnh tên ứng viên mình lựa chọn.

Nguyên tắc này loại trừ sự theo dõi và kiểm soát từ bên ngoài sự thể hiện ý chí (sự bỏ phiếu) của cử tri. Mục đích của nguyên tắc này là nhằm đảm bảo tự do đầy đủ sự thể hiện ý chí của cử tri, để có sự khách quan trong việc lựa chọn họ. Đây là một yêu cầu khách quan của chế độ bầu cử, nhằm bảo đảm sự lựa chọn của cử tri trở thành hiện thực, làm cho các ứng cử viên và các đảng phái có cơ hội bình đẳng trong tuyển cử. Nguyên tắc này luôn được coi là một nguyên tắc cơ bản của mọi cuộc tuyển cử và được thể chế hóa thông qua việc quy định chặt chẽ các phương thức và trình tự bỏ phiếu.

Bỏ phiếu kín xuất hiện từ thời Hy Lạp và La Mã cổ đại. Ở Pháp nguyên tắc bỏ phiếu kín được pháp luật bầu cử quy định từ năm 1789, còn Hiến pháp năm 1795 và 1848 của Pháp quy định, “mọi cuộc bầu cử phải bỏ phiếu kín”. Louis Napoléon Bonaparte định bãi bỏ bỏ phiếu kín vào năm 1851, nhưng gặp phải sự phản đối kịch liệt nên đành thôi. Theo trang web của Quốc hội Pháp, đến năm 1913, bỏ phiếu kín mới được áp dụng trong thực tế bầu cử một cách thường xuyên. Nước Anh áp dụng nguyên tắc bỏ phiếu kín cho các cuộc bầu cử từ năm 1872; bỏ phiếu kín lần đầu tiên xuất hiện ở Úc vào năm 1856. Ở Hoa Kỳ, hầu hết các tiểu bang chuyển sang bỏ phiếu kín sau cuộc bầu cử Tổng thống năm 1884; còn hiện tại một số bang cho phép bỏ phiếu qua bưu điện.

Trên thực tế, việc bỏ phiếu đôi khi được vận dụng trái với nguyên tắc bỏ phiếu kín. Các phiếu bầu có ghi mã số của cử tri sẽ cho phép những người làm công việc bầu cử đối chiếu mã số và tìm ra tên của cử tri. Ví dụ như ở Singapore, trong mỗi phiếu bầu đều có mã số của cử tri trùng với tên và mã số trong danh sách cử tri. Vì vậy, mặc dù Hiến pháp Singapore quy định việc bỏ phiếu kín, các phương thức áp dụng xem ra không đảm bảo cho việc tuân thủ nguyên tắc này. Chính vì vậy, ở một số nước đã có những vụ kiện liên quan đến nguyên tắc bỏ phiếu kín.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các nguyên tắc bầu cử : Bỏ phiếu kín - bảo đảm sự khách quan
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO