Các nguyên tắc bầu cử : Bầu cử tự do và bầu cử bắt buộc

Minh Thy 08/04/2011 07:35

Đối với đa số các nước, cử tri có quyền tự do lựa chọn đi bầu cử hay không. Nguyên tắc bầu cử tự do quy định rằng cử tri có quyền tự quyết định tham gia hoặc không tham gia bầu cử. Trong số các nguyên tắc của chế độ bầu cử, nguyên tắc này có thể được pháp luật quy định hoặc mặc nhiên công nhận.

Điều 1, Luật bầu cử của Cộng hòa liên bang Nga quy định: “Việc tham gia của các công dân liên bang Nga vào bầu cử là tự do và tự nguyện. Không ai có quyền gây ảnh hưởng đối với công dân để buộc người đó tham gia hoặc không tham gia bầu cử”. Pháp luật bầu cử của Tây Ban Nha quy định: “Không ai bị bắt buộc thực hiện quyền bầu cử của mình”.

Có thể thấy rằng, nguyên tắc bầu cử tự do có những ảnh hưởng nhất định tới kết quả bầu cử của quốc gia, đặc biệt khi cử tri từ chối tham gia bỏ phiếu thì đây là nguyên nhân chính dẫn tới thất bại của cuộc tuyển cử. Ở hầu hết các quốc gia, kết quả bầu cử được xem là hợp lệ nếu tỷ lệ cử tri đi bầu phải đạt tới một con số nhất định. Bởi vậy, việc tuyên truyền vận động để nhân dân tham gia bỏ phiếu, thực hiện quyền bầu cử của mình có ý nghĩa rất lớn. Một Nghị viện không do dân bầu ra thì không thể vì nhân dân, bởi vậy vận động cử tri đi bầu chính là phương thức bảo đảm quyền dân chủ của công dân.

Để tôn trọng nguyên tắc tự do bầu cử mà vẫn đảm bảo sự tham gia đầy đủ của nhân dân vào các cuộc bầu cử, pháp luật bầu cử của Vương quốc Thái Lan quy định việc tước bỏ một số quyền lợi chính trị cơ bản của công dân nếu họ không tham gia bầu cử, như: quyền kiến nghị bầu cử, quyền ứng cử vào nghị viện và các cơ quan hành chính địa phương, quyền kiến nghị luật, quyền khiếu nại tố cáo... Như vậy, việc thực hiện nguyên tắc tự do bầu cử của công dân vẫn có những hạn chế nhất định. Điều này thể hiện ý chí của Nhà nước là yếu tố chủ đạo trong việc định hướng các quyền chính trị của công dân.

Trong khi đó, trái với nguyên tắc bầu cử tự do, bầu cử ở một số nước là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi công dân đến tuổi trưởng thành trừ những người vi phạm pháp luật hình sự. Pháp luật Singapore quy định nguyên tắc bầu cử bắt buộc. Điều 48 Hiến pháp Italy quy định: “Bỏ phiếu là nghĩa vụ của công dân”. Pháp luật bầu cử của một số nước còn áp dụng các chế tài hình sự và kinh tế buộc cử tri phải tham gia bỏ phiếu. Ví dụ, theo pháp luật Hy Lạp, công dân không đi bỏ phiếu sẽ bị phạt tù từ một tháng đến một năm. Công dân Úc không đi bỏ phiếu sẽ phải nộp phạt 50 đôla Úc. Nguyên tắc bầu cử bắt buộc còn được áp dụng tùy thuộc vào độ tuổi của công dân. ở Brazil, bầu cử là bắt buộc đối với những công dân trưởng thành từ 18 đến 70 tuổi. Ngoài độ tuổi đó, công dân từ 16 đến 18 tuổi và ngoài 70 tuổi có quyền bầu cử tự do.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Các nguyên tắc bầu cử : Bầu cử tự do và bầu cử bắt buộc
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO