SSTT được đặc trưng bởi sự suy giảm nhiều chức năng cao cấp của vỏ não (trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành) mà không có rối loạn ý thức, gây suy giảm và trở ngại đáng kể cho các hoạt động nghề nghiệp, xã hội và các hoạt động sống hàng ngày của người bệnh. SSTT do nhiều nguyên nhân, trong đó Alzheimer chiếm 60-80%.
Các dấu hiệu nhận biết sớm SSTT
BSCKII. Nguyễn Thị Phương Loan cho biết, đó là các dấu hiệu mất khả năng ghi nhớ các thông tin mới (Suy giảm trí nhớ, đặc biệt là trí nhớ ngắn hạn); Khó thực hiện các hoạt động, công việc, nhiệm vụ quen thuộc; Gặp khó khăn với ngôn ngữ (thường quên những từ đơn giản hoặc thay thế những từ bất thường, làm cho lời nói hoặc viết khó hiểu);
Mất phương hướng thời gian và địa điểm (có thể bị lạc ở những nơi quen thuộc như con đường về nhà, quên nơi họ ở và không biết làm thế nào để trở về nhà); Phán đoán kém hoặc giảm; Mất khả năng tư duy; Nhầm lẫn vị trí, quên vị trí đồ đạc nơi ở, làm việc; Thay đổi cảm xúc hoặc hành vi; Thay đổi tính cách; Mất tính chủ động (trở nên rất thụ động, ngồi trước tivi hàng giờ, ngủ nhiều hơn bình thường hoặc không muốn tham gia các hoạt động của gia đình, xã hội).
Chăm sóc người bệnh sa sút tinh thần
Về cách “Chăm sóc người bệnh sa sút trí tuệ” do BSCKI Tạ Thị Hằng - Viện Sức khỏe tâm thần cho biết, có 3 giai đoạn chăm sóc:
Giai đoạn đầu: Người bệnh rối loạn về trí nhớ và định hướng như: không nhớ đồ cất ở đâu, dễ bị nhầm lạc đường…
Giai đoạn giữa: Các triệu chứng rõ ràng hơn, không nhớ sáng mình ăn gì, quên một số kỉ niệm trong quá khứ, khó mặc quần áo phù hợp, không nhớ số điện thoại của mình, hay nhầm lẫn .... Ở giai đoạn này người bệnh bắt đầu cần sự trợ giúp từ người nhà.
Giai đoạn cuối: Không nhận thức được môi trường xung quanh, đi lang thang, không nhận ra bạn bè, người thân, không nhớ lịch sử bản thân, mất kiểm soát bàng quang và ruột, thay đổi nhân cách và hành vi, các triệu chứng càng ngày nặng lên, cần sự hỗ trợ hoàn toàn trong cuộc sống hàng ngày.