Các chính quyền Hồi giáo thấy gì từ sai lầm của Morsi?
Những người Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi đã rất tức giận sau khi chính quyền dân cử của Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi bị lật đổ. Tuy nhiên, nếu như những người Hồi giáo ở Trung Đông và Bắc Phi muốn tránh một số phận như những người anh em của họ ở Ai Cập thì họ sẽ phải rút ra những bài học từ những sai lầm mà ông Morsi và Tổ chức Anh em Hồi giáo đã phạm phải trong hai năm rưỡi cầm quyền.
![]() Nguồn: Calge |
Sau chiến thắng trong các cuộc bầu cử năm 2011 và 2012, phe Hồi giáo ở Ai Cập, Tunisia, Libya và Morocco đã rơi vào tình trạng thoái trào. Mặc dù những lợi ích không thể chia sẻ là nguyên nhân chính đằng sau những thất bại của người Hồi giáo, nhưng bản thân họ cũng góp phần không nhỏ vào sự sa sút này. Mải mê trong men say chiến thắng, anh em Hồi giáo ở Ai Cập và các đồng minh của họ đã không nhận ra sự yêu mến của dân chúng dành cho họ đã giảm sút cũng như bản chất quá độ của thời kỳ cách mạng, tính dễ thay đổi của dư luận va sự hời hợt trong cách mà người dân ủng hộ tổ chức này. Ngay cả khi những người ủng hộ ông Morsi và những người theo chủ trương dân chủ ở trong và ngoài nước lên tiếng về tính hợp pháp của cuộc đảo chính, thì nhiều nhà chỉ trích vẫn nghi ngờ sự hiểu biết về cách thức điều hành dân chủ của chính quyền Ai Cập. Ông Abdel Basset Ben Hassan, một nhà hoạt động nhân quyền của Tunisia nói: “Tính hợp pháp không chỉ được thể hiện qua các cuộc bầu cử. Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ rất mong manh và phức tạp. Tính hợp pháp cũng thể hiện ở biện pháp cải cách thể chế và phát triển đất nước”.
Không giống như đảng Nahda ở Tunisa hay đảng Công lý và Phát triển ở Morocco, tổ chức Anh em Hồi giáo ở Ai Cập ban đầu đã hợp tác với quân đội để chống lại những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo cánh tả nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển tiếp còn nhiều lỗ hổng. Sau đó, anh em Hồi giáo cũng bắt tay với những người Hồi giáo bảo thủ nhằm giành lấy quyền kiểm soát Quốc hội và ghế tổng thống, đồng thời thúc đẩy việc thông qua Hiến pháp mới bất chấp phản ứng của dư luận. Điều này đã đẩy những người theo chủ nghĩa tự do và những người theo cánh tả vào vòng tay của những người ủng hộ chế độ cũ của Tổng thống bị hạ bệ trước đó là ông Hosni Mubarak, lực lượng vũ trang và hệ thống tư pháp dễ bảo. Một học giả người Ai Cập nhận định: “Ông Morsi đã không rút kinh nghiệm từ những sai lầm của ông Mubarak khi tạo ra quá nhiều kẻ thù. Lẽ ra ông ta nên hợp tác với các lực lượng cách mạng khác. Không làm như vậy là một sai lầm lớn”.
Hàng loạt sai lầm cho thấy ông Morsi, vốn ngày càng bị cô lập, đã không quan tâm tới những lời tư vấn. Những cảnh báo và những lời khuyên chân thành của những người theo chủ nghĩa tự do, những người theo cánh tả, các tướng lĩnh quân đội… đều bị bỏ ngoài tai. Khi ông Morsi và bè cánh của ông bị cô lập hơn, họ đã đưa ra những quyết định bổ nhiệm mà qua đó cho thấy họ coi trọng sự trung thành hơn là năng lực tại thời điểm mà người dân Ai Cập đang khao khát có được sự cải thiện trong cuộc sống cũng như những thể chế của họ. Lực lượng Hồi giáo đã bỏ quên mục đích cách mạng ban đầu, họ không nỗ lực để cải cách đất nước mà chỉ cố gắng để cai trị đất nước.
Người Hồi giáo ở những nước khác đã cố gắng tránh lặp lại sai lầm của tổ chức Anh em Hồi giáo bằng cách tách tổ chức chính trị của họ khỏi những phong trào cải cách tôn giáo. Ông Morsi có thể sẽ không bao giờ giũ bỏ được định kiến của người dân rằng ông bị Anh em Hồi giáo dẫn dắt và chỉ đạo, thậm chí ông đã phải hy sinh những lợi ích chính trị riêng của mình. Anh em Hồi giáo ở Ai Cập đã làm tổn hại đến uy tín của tổ chức này vì không giữ cam kết là sẽ không theo đuổi mục tiêu bầu cử cụ thể nào, như chiếm đa số ghế trong Quốc hội hay giới thiệu ứng cử viên tổng thống. Nhưng trong một số trường hợp, những người Hồi giáo đã lặp lại sai lầm mà ông Morsi và các nhà lãnh đạo Ảrập thế tục đã phạm phải. Giống như ở Ai Cập, những người Hồi giáo đang nắm quyền ở Tunisia và Morocco liên tục khoe khoang về những thành tích kinh tế và những thành quả cũ rích của mình bất chấp thực tế là nhiều người biết rất rõ về những khó khăn của người dân cũng như sự thật khắc nghiệt về những thách thức tài chính đáng kể của họ.
Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng đó là Anh em Hồi giáo, cũng như các nhánh của tổ chức này tại các quốc gia Ả rập, dường như không thể hòa hợp được với thái độ bất kính của thanh niên và phụ nữ - những người đã đổ ra đường biểu tình trong năm 2011. Vào thời điểm mà nhà thơ trào phúng Bassem Youssef trở thành một trong những người nổi tiếng nhất trong thế giới Ảrập, ông Morsi và các đồng minh của mình lại trở thành nhân vật trong những bức tranh biếm họa tái hiện lại hình ảnh của những nhà lãnh đạo bảo thủ, ngạo mạn trước đây, bị cô lập bởi những người dân mà họ cai trị.