Các bảng xếp hạng đại học: Việt Nam và thế giới có gì khác nhau?

Xếp hạng đại học vẫn đang là một vấn đề thú vị, luôn mang tính thời sự và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nếu việc xếp hạng đại học chỉ dựa vào các tiêu chí có thể đánh giá được kết quả đầu ra từ hoạt động của các đại học thì có thể thứ hạng của các đại học sẽ chính xác hơn, và kết quả xếp hạng chắc chắn sẽ ít bị tranh cãi hơn.

Xếp hạng đại học luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm rất lớn và rất đặc biệt của cả cộng đồng. Bài viết trình bày sự khác nhau về kết quả xếp hạng cho các đại học Việt Nam thông qua phân tích kết quả xếp hạng của một bảng xếp hạng đại học toàn cầu của Hoa Kỳ và một bảng xếp hạng đại học của Việt Nam. Ngoài ra, thứ hạng và giá trị thực của các đại học cũng được phân tích để từ đó các đại học có thể xây dựng chiến lược phát triển và xếp hạng đại học tối ưu nhất.

Bảng xếp hạng đại học Best Global Universities Rankings của Hoa Kỳ

Bảng xếp hạng đại học toàn cầu Best Global Universities Rankings (BGUR) do Thời báo US News có trụ sở tại Thủ đô Washington của Hoa Kỳ thực hiện, dành cho các cơ sở giáo dục đại học (ngắn gọn: đại học) trên toàn thế giới. BGUR có 13 tiêu chí để đo lường thành tựu nghiên cứu danh tiếng của các cơ sở giáo dục đại học (ngắn gọn: đại học) được phân bố như sau (theo https://www.usnews.com/):

1. Danh tiếng nghiên cứu toàn cầu (12,5%): Kết quả khảo sát danh tiếng học thuật đối với các đại học tốt nhất trên toàn cầu về nghiên cứu trong 5 năm gần nhất.

2. Danh tiếng nghiên cứu khu vực (12,5%): Kết quả khảo sát danh tiếng học thuật đối với các đại học tốt nhất về nghiên cứu trong khu vực trong 5 năm gần nhất.

3. Bài báo khoa học (10%): Được xuất bản trên các tạp chí có tác động và chất lượng cao được liệt kêt trong Cơ sở dữ liệu Web of Science (ngắn gọn: WoS).

4. Sách khoa học (2,5%): Sách khoa học được liệt kê trong WoS là chỉ số cung cấp phần bổ sung hữu ích cho dữ liệu về các bài báo khoa học và là tiêu biểu hơn cho các đại học tập trung vào những lĩnh vực khoa học xã hội, nghệ thuật và nhân văn.

5. Kỷ yếu hội nghị khoa học (2,5%): Bài báo khoa học được xuất bản dưới dạng kỷ yếu của các hội nghị khoa học được liệt kê trong WoS.

6. Trích dẫn khoa học chuẩn hóa (10%): Tổng số trích dẫn trên mỗi bài báo khoa học WoS được chuẩn hóa dựa trên quy mô hoặc tuổi đời của các đại học.

7. Tổng số trích dẫn khoa học (7,5%): Tích hệ số xếp hạng bài báo khoa học với hệ số trích dẫn khoa học chuẩn hóa trong WoS.

8. Số lượng bài báo khoa học tốp 10% được trích dẫn nhiều nhất (12,5%): Số lượng bài báo khoa học WoS được xếp vào tốp 10% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới trong lĩnh vực tương ứng trong WoS.

9. Tỷ lệ phần trăm tổng số bài báo khoa học thuộc 10% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất (10%): Tỷ lệ phần trăm tổng số bài báo khoa học của một đại học nằm trong số 10% các bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới theo WoS.

10. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu so với quốc gia (5%): Tỷ lệ tổng số bài báo khoa học của đại học có đồng tác giả quốc tế chia cho tỷ lệ các bài báo khoa học có đồng tác giả quốc tế của quốc gia mà đại học tọa lạc theo WoS.

11. Hợp tác quốc tế trong nghiên cứu (5%): Tỷ lệ phần trăm tổng số bài báo khoa học của đại học có đồng tác giả quốc tế theo WoS.

12. Số bài báo khoa học được trích dẫn nhiều thuộc 1% bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất trong lĩnh vực tương ứng (5%): Số lượng bài báo khoa học được phân loại là trích dẫn cao, thuộc 1% trong mỗi một trong 22 lĩnh vực rộng được WoS công bố hàng năm, trên cơ sở thành tựu 10 năm liên tiếp trong WoS.

13. Tỷ lệ phần trăm tổng số bài báo khoa học thuộc 1% bài báo khoa học được trích dẫn nhiều nhất (5%): Được đo bằng tỷ lệ phần trăm số lượng bài báo khoa học được trích dẫn nhiều (1%) của một đại học trong tổng bài báo khoa học mà đại học đã xuất bản.

Dữ liệu bài báo khoa học, sách khoa học và bài báo trong kỷ yếu hội thảo khoa học được trích xuất từ Cơ sở dữ liệu Web of Science (WoS, Mỹ) trong 5 năm được tính từ năm đến năm với là năm công bố kết quả xếp hạng. Riêng đối với trích dẫn khoa học, dữ liệu trích dẫn trong WoS được tính đến năm n - 1.

picture5.jpg
Ảnh chụp trực tiếp từ US News, ngày 12.02.2025

BGUR được xem là một trong những bảng xếp hạng đại học toàn cầu uy tín và khách quan vì không yêu cầu các đại học cung cấp dữ liệu. Đặc biệt là đối với các tiêu chí về khối lượng, chất lượng và danh tiếng của các công bố khoa học, BGUR sử dụng cơ sở dữ liệu khoa học được xem là uy tín nhất thế giới hiện nay, WoS.

Điểm hết sức lưu ý là những bảng xếp hạng nổi tiếng khác trên thế giới như ARWU, LEIDEN, NTU, URAP hiện vẫn sử dụng WoS trong công tác xếp hạng đại học. Bảng xếp hạng SARAP Ranking dành cho các đại học Việt Nam từ giữa năm 2024 cũng dùng Cơ sở dữ liệu WoS (https://sarap.vlu.edu.vn/publications). Đương nhiên, mỗi bảng xếp hạng đại học có phương đánh giá và bộ tiêu chí riêng trên cơ sở khai thác nhiều khía cạnh khác nhau trong WoS.

Tốp 10 thế giới theo BGUR 2024-2025

BGUR đã công bố bảng xếp hạng các đại học trên toàn cầu năm 2024-2025. Trong đó, có 2.459 đại học trên toàn thế giới được xếp hạng trong năm nay. Đứng đầu thế giới là Đại học Harvard với điểm tuyệt đối (100 điểm) và là đại học duy nhất đạt điểm tuyệt đối.

Các vị trí còn lại trong Tốp 5 theo thứ tự là Học viện công nghệ Massachusetts, Đại học Stanford, Đại học Oxford và Đại học California Berkeley. Như vậy, Tốp 5 chủ yếu là các đại học của Hoa Kỳ và cũng là những đại học lừng danh trên thế giới và trên tất cả các bảng xếp hạng uy tín trên toàn cầu. Vương Quốc Anh chỉ có một đại học được vào Tốp 5 là Đại học Oxford.

Các vị trí còn lại trong Tốp 10 thì có 2 đại diện của Vương Quốc Anh và 3 đại diện của Hoa Kỳ, cụ thể theo thứ tự gồm Đại học Cambridge, Đại học “University College London”, Đại học Washington Seattle, Đại học Columbia và Đại học Yale.

Có thể thấy Tốp 10 trong BGUR là sự “thống trị” của các đại học Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh. Trong đó, Hoa Kỳ hoàn toàn áp đảo với 7 đại học và Vương Quốc Anh có sự góp mặt của 3 đại học.

Các đại học của Việt Nam trong BGUR 2024 - 2025

Năm 2024 – 2025, Việt Nam có 09 đại học được vào BGUR, chiếm tỷ lệ 3.75% trong tổng số 240 đại học của cả nước. Đặc biệt, có 02 đại học được vào Tốp 300 thế giới gồm Đại học Tôn Đức Thắng (hạng 253) và Đại học Duy Tân (hạng 296).

Có 01 đại học trong Tốp 800 là Đại học Nguyễn Tất Thành (hạng 730); có 2 đại học trong Tốp 900 là Đại học Quốc gia Hà Nội (hạng 844) và Đại học Quốc gia TP.HCM (hạng 865).

Trong Tốp 2000 thế giới, có 02 đại học là Đại học Bách khoa TP.HCM (hạng 1.590) và Đại học Bách khoa Hà Nội (hạng 1.710).

Ngoài ra, Đại học Huế được xếp hạng 2.010 và Đại học Cần Thơ hạng 2.043.

picture2.jpg
picture3.jpg
picture4.jpg
Ảnh chụp từ BGUR ngày 12.02.2025

SARAP Ranking của Việt Nam

Thời gian qua, Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu (SARAP) của Trường Đại học Văn Lang đã công bố 3 bảng xếp hạng gồm “Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024” vào 17/07/2024 (SARAP Ranking 2024-0.5) và “Xếp hạng hiệu suất thành tựu bài báo nghiên cứu của các đại học Việt Nam trong nửa đầu năm 2024” vào ngày 13/12/2024 (SARAP Ranking-2024-0.5E) đồng thời trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Việt Nam thuộc Bộ Khoa học & Công nghệ, và “Xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu của các nước Đông Nam Á năm 2024” vào ngày 24/01/2025 trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Như vậy, tính đến thời điểm này, SARAP đã công bố 02 bảng xếp hạng cho các đại học Việt Nam. Đối với SARAP Ranking 2024-0.5, chỉ có 60 đại học Việt Nam được xếp hạng vì có điều kiện loại trừ là chỉ những đại học công bố được 20 bài báo WoS trong nửa đầu năm 2024 loại nghiên cứu mới được xếp hạng. Và khi xếp hạng các đại học Việt Nam về hiệu suất thành tựu bài báo nghiên cứu, SARAP Ranking-2024-0.5E chỉ xem xét 56 đại học vì có 04 đại học không có thông tin công khai về nhân sự giảng viên theo yêu cầu.

Best Global Universities Rankings của Hoa Kỳ và SARAP Ranking của Việt Nam

Trước tiên, so sánh kết quả kết quả xếp hạng của BGUR 2024-2025 và SARAP Ranking 2024-0.5, SARAP Ranking 2024-0.5E đối với các đại học của Việt Nam theo thứ hạng ở Việt Nam thông qua bảng đối sánh sau:

Đại học
BGUR 2024-2025
SARAP 2024-0.5
SARAP 2024-0.5E
ĐH Tôn Đức Thắng
1
5
8
ĐH Duy Tân
2
3
3
ĐH Nguyễn Tất Thành
3
9
16
ĐHQG Hà Nội
4
2
13
ĐHQG TP.HCM
5
1
7
ĐHBK TP.HCM
6
ĐHBK Hà Nội
7
4
4
ĐH Huế
8
10
26
ĐH Cần Thơ
9
7
12

Trong đó, ĐHBK TP.HCM không có trong các bảng xếp hạng của SARAP vì là thành viên của ĐHQG TP.HCM (đã được xếp hạng).

Do BGUR 2024-2025 sử dụng dữ liệu WoS trong giai đoạn 2018 – 2022 nên những đại học có truyền thống nghiên cứu lâu đời hoặc phát triển đột phát trong những năm nhất định vẫn có thể duy trì được thứ hạng hoặc có thể có hạng cao. Những đại học mới phát triển nghiên cứu gần đây nhưng có mục tiêu bền vững cần thêm thời gian mới có thể được vào BGUR.

Thứ hạng của các đại học theo SARAP Ranking 2024-0.5 phản ảnh thành tựu nghiên cứu gần đây của một số đại học đã có dấu hiệu trùng xuống và có thể đang được điều chỉnh theo hướng phát triển bền vững.

Xếp hạng hiệu suất SARAP Ranking 2024-0.5E thu hút rất nhiều sự quan tâm vì có thể đảm bảo sự “công bằng” giữa các đại học hơn. Trong khi đó, các bảng xếp hạng đại học thế giới gần như không thể biết hoặc rất khó xác thực tình hình giảng viên của các đại học Việt Nam; do đó, việc đánh giá hiệu suất gần như là rất khó khăn. Từ đó, có thể thấy, thứ hạng của các đại học có hạng cao theo BGUR hoặc được BGUR xếp hạng lại có dấu hiệu tụt hạng khi xếp hạng hiệu suất theo SARAP.

Có nhiều đại học công bố nhiều bài báo quốc tế nhưng lại không có hạng cao theo cả BGUR và SARAP. Điều này thực sự không có gì ngạc nhiên vì hai bảng xếp hạng này dùng Cơ sở dữ liệu WoS của Mỹ với số lượng tạp chí khoa học giới hạn hơn rất nhiều, chỉ tương đương 50% các tạp chí Scopus. Ngoài ra, số lượng ấn phẩm chỉ là một nhóm tiêu chí chiếm một tỷ trọng nhất định, quan trọng hơn nữa là hạng của tạp chí khoa học mà ấn phẩm được công bố và vấn đề trích dẫn khoa học.

BGUR đánh giá thành tựu nghiên cứu của các đại học khá đa chiều với 13 tiêu chí gồm 03 nhóm: danh tiếng thông qua khảo sát chuyên gia và hợp tác chuyên gia, số lượng ấn phẩm khoa học và trích dẫn khoa học. Trong khi đó, SARAP chỉ mới dừng ở số lượng bài báo nghiên cứu và hiệu suất của thành tựu bài báo nghiên cứu.

Từ đó cho thấy, SARAP cần tiếp tục nâng cấp phương pháp xếp hạng trong thời gian tới. Có thể xem xét công bố cả hai bảng xếp hạng song song: xếp hạng thành tựu bài báo nghiên cứu và bảng xếp hạng giống như BGUR nhưng các tiêu chí cần cải tiến cho phù hợp với bối cảnh Việt Nam. Đặc biệt, theo tư vấn của nhiều chuyên gia có tâm huyết thì SARAP cần có tiêu chí kiểm soát liêm chính nghiên cứu trong xếp hạng đại học. Đây là một vấn đề hết sức khó khăn và nhạy cảm, và có dấu hiệu chưa được sự quan tâm đầy đủ của các tổ chức xếp hạng đại học trên thế giới.

***

Xếp hạng đại học vẫn đang là một vấn đề thú vị, luôn mang tính thời sự và thu hút rất nhiều sự quan tâm. Nếu việc xếp hạng đại học chỉ dựa vào các tiêu chí có thể đánh giá được kết quả đầu ra từ hoạt động của các đại học thì có thể thứ hạng của các đại học sẽ chính xác hơn, và kết quả xếp hạng chắc chắn sẽ ít bị tranh cãi hơn.

Đối với các bảng xếp hạng đại học mà tiêu chí đánh giá chủ yếu dựa vào thành tựu nghiên cứu, đẳng cấp thực sự của các đại học chỉ có thể có sự tương đồng với thứ hạng khi và chỉ khi các thành tựu nghiên cứu được các đại học chuyển giao một cách đầy đủ theo đúng thông lệ để có thể mang lại giá trị thực (trích “Lê Văn Út, Ba loại sản phẩm khoa học công nghệ tạo ra tiền, Đại biểu Nhân dân, Văn phòng Quốc hội, 01/02/2024”).

Từ đó, việc phát triển nghiên cứu khoa học ở các đại học, một trong hai công việc chính của một đại học theo Nghị định 109/2022/NĐ-CP của Chính phủ, cần có những chiến lược phù hợp ngay từ đầu sao cho việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu phải được thực hiện tối ưu để có thể các đại học có thể xây dựng giá trị và đẳng cấp thực sự. Điều này cũng phù hợp với những chủ trương trong Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về việc tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới và đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Giáo dục

Đề tài về cây Dong riềng đỏ đưa nam sinh vào chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học toàn cầu
Giáo dục

Đề tài về cây Dong riềng đỏ đưa nam sinh vào chung kết cuộc thi nghiên cứu khoa học toàn cầu

Với đề tài nghiên cứu về công dụng của loài cây Dong riềng đỏ trong chữa bệnh, Phạm Viết Hà Quảng (Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội) đã xuất sắc vào top cao tại Vòng chung kết Cuộc thi Hùng biện nghiên cứu khoa học toàn cầu - InSPiR2eS Global Pitching Research Competition (IGPRC).

Lần đầu tiên một trường đại học Việt Nam miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho người học thạc sĩ, tiến sĩ
Giáo dục

Lần đầu tiên một trường đại học Việt Nam miễn học phí, cấp sinh hoạt phí cho người học thạc sĩ, tiến sĩ

Với Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo sau đại học” của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, lần đầu tiên tại Việt Nam, học viên cao học và nghiên cứu sinh được miễn học phí, hưởng sinh hoạt phí hàng tháng cùng nhiều quyền lợi vượt trội khác.

Hà Nội: Khẩn trương tìm giải pháp quản lý về dạy thêm, học thêm tránh thiệt thòi cho học sinh, giáo viên
Giáo dục

Hà Nội: Khẩn trương tìm giải pháp quản lý về dạy thêm, học thêm tránh thiệt thòi cho học sinh, giáo viên

Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Sở đang khẩn trương xây dựng dự thảo quy định về dạy thêm, học thêm (theo Thông tư 29) trình UBND thành phố ban hành với những nội dung cụ thể nhằm đưa vấn đề này vào nền nếp, kịp thời chấn chỉnh các sai phạm.

Không dạy thêm, học thêm, trường học phối hợp phụ huynh quản lý học sinh
Giáo dục

Không dạy thêm, học thêm, trường học phối hợp phụ huynh quản lý học sinh

Bên cạnh ban hành văn bản chỉ đạo triển khai quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực thi hành từ 14.2, các địa phương cũng yêu cầu các nhà trường tăng cường các hoạt động câu lạc văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao...; phối hợp với cha mẹ học sinh trong việc quản lý học sinh trong thời gian không học tập tại trường.

Thông tư 29: Giáo viên "chật vật" với việc đăng ký kinh doanh dạy thêm
Giáo dục

Thông tư 29: Giáo viên "chật vật" với việc đăng ký kinh doanh dạy thêm

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm quy định giáo viên phải đăng ký kinh doanh để dạy thêm ngoài trường học, đảm bảo tính hợp pháp và quản lý chặt chẽ hơn các hoạt động dạy thêm. Tuy vậy, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong quá trình đăng ký kinh doanh do các thủ tục phức tạp và thời gian xử lý kéo dài.

Hà Nội: Quận Ba Đình tăng cường, bồi dưỡng tập huấn ứng dụng AI trong giảng dạy
Giáo dục

Hà Nội: Quận Ba Đình tăng cường, bồi dưỡng tập huấn ứng dụng AI trong giảng dạy

Khảo sát thực hiện trên 2.100 cán bộ, giáo viên, nhân viên hiện đang công tác tại các phòng ban, điểm trường Mầm non, Tiểu học và THCS trên địa bàn quận Ba Đình, Hà Nội cho thấy 78,3% giáo viên và cán bộ sử dụng công nghệ hàng ngày trong công việc, nhưng chỉ 62,3% từng ứng dụng AI vào giảng dạy.

Những vấn đề giáo dục mới nhất tuần qua
Giáo dục

Những vấn đề giáo dục mới nhất tuần qua

Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm, bỏ xét tuyển sớm đại học, điểm mới nhất trong thi đánh giá năng lực năm 2025, những lưu ý quan trọng khi xét tuyển vào trường ĐH Ngoại thương năm 2025... là những vấn đề mới nhất trong giáo dục tuần qua.