Cà phê đặc sản sẽ chiếm lĩnh thị phần

- Thứ Ba, 12/03/2019, 08:22 - Chia sẻ
Hầu hết đại biểu dự Hội thảo “Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam”, được tổ chức nhân Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm 2019, đều cho rằng, việc phát triển cà phê đặc sản tại Việt Nam sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng chung của cà phê Việt Nam. Trong 10 năm tới, cà phê đặc sản được dự báo sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị phần.

Năng suất chưa gắn với chất lượng

 “Thời gian tới chúng ta phải có tiêu chí cụ thể về hương vị, mùi vị cà phê đặc sản; đánh giá, lựa chọn tiêu chí sản xuất, chế biến; lựa chọn vùng khí hậu, thổ nhưỡng chứ không phải đánh đồng để phát triển ồ ạt. Phải lấy tiêu chuẩn, quy chuẩn của cà phê thế giới làm tiêu chuẩn, quy chuẩn cà phê đặc sản của Việt Nam”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh

Diện tích cà phê tại 5 tỉnh Tây Nguyên (Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và Lâm Đồng) là 577,8 nghìn hecta, chiếm 89,6% diện tích cả nước, năng suất bình quân đạt trên 1,5 triệu tấn/năm, trong đó cà phê vối chiếm 90%, còn lại là cà phê chè. Về quy mô sản xuất, số hộ gia đình có 2 - 5ha cà phê chỉ chiếm 9,7% và 63% số hộ có dưới 1ha. Ngành cà phê Việt Nam đang sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hiệu quả thấp.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam (Vicofa), Việt Nam và Bzazil chiếm một nửa tổng sản lượng cà phê xuất khẩu. Mặc dù chỉ chiếm 25% tổng đất trồng cà phê trên thế giới nhưng Việt Nam có năng suất cao nhất và chi phí sản xuất thấp nhất. Đáng chú ý, Việt Nam chiếm đến 58% tổng lượng xuất khẩu của cà phê Robusta và đại diện cho cà phê Robusta đại trà.


Các đại biểu tham dự Hội thảo Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam  Ảnh: Phạm Duy

Chủ tịch Vicofa Lương Văn Tự cho rằng, hiện nay thương hiệu cà phê Việt Nam, nhất là cà phê Buôn Ma Thuột đang được hầu hết các nước trên thế giới biết đến, nhưng nghịch lý là giá thành lại rất thấp. Nguyên nhân do chúng ta đang quá tập trung vào nâng cao sản lượng. Điều này đã và đang dẫn đến hệ quả là chất lượng và giá thành cà phê xuất khẩu còn thấp, dù hiện nay cả nước có 150 danh nghiệp xuất khẩu cà phê cùng hơn 3.000 đại lý thu mua, trong đó có 13 doanh nghiệp FDI. Mặc dù chúng ta đã có TCVN 4193:2014 tiệm cận với tiêu chuẩn ISO, song các nhà sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam vẫn giao dịch bán hàng thông qua hệ thống tiêu chuẩn cũ là phân loại theo độ ẩm và tỷ lệ hạt đen vỡ.

Chất lượng cà phê xuất khẩu chưa cao, đồng thời thiếu sự liên kết trong đàm phán về giá xuất khẩu cà phê, dẫn đến bị ép giá hoặc phá giá xuất khẩu. “Hiện nay thế giới có rất nhiều cà phê có chất lượng cao, trong khi đó điều đáng tiếc lại không tập trung ở Việt Nam, mà tập trung ở Uganda hoặc Indonesia. Do vậy, mục tiêu để Việt Nam hướng tới phải là chất lượng. “Chúng ta đừng tập trung vào giá trị đồng USD thu được qua đánh giá tổng sản lượng cà phê xuất khẩu, mà phải tập trung vào giá trị chất lượng của hạt cà phê”, ông Lương Văn Tự nhấn mạnh.

Chọn hướng đi phù hợp

Theo chuyên gia cà phê Mexico Manuel Robert, Việt Nam phải thay đổi hoàn toàn tư duy vào sản xuất cà phê. “Việt Nam không nên coi nặng việc tăng trưởng cà phê ở số lượng, sản lượng, diện tích mà phải tính đến chất lượng. Để nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê, từ đó nâng cao giá trị thương mại thì Việt Nam cần tính toán đến cải thiện hương vị, trong đó có cà phê hòa tan espresso, cà phê chế biến ướt. Hiện nay nhu cầu đối với cà phê ngon, cà phê đặc sản đang gia tăng. Để thực hiện tốt việc này thì cần chú trọng đến cà phê sản xuất bền vững và được cấp chứng nhận toàn cầu. Nếu vừa muốn cà phê có giá trị cao hơn, năng suất cao hơn thì rất khó. Do vậy chỉ có thể chọn hoặc là phát triển cà phê đặc sản bền vững sản lượng vừa nhưng giá trị cao hoặc sản xuất cà phê đại trà với sản lượng cao nhưng giá thành thấp, ông Manuel Robert nhấn mạnh.

Đồng tính với ý kiến trên, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột Trịnh Đức Minh cho rằng, sản xuất, chế biến cà phê phải tính đến yếu tố lợi nhuận nhưng phải tính toán phát triển bền vững, trong đó phải tính đến sản xuất cà phê đặc sản với giá trị thương mại cao hơn gấp nhiều lần. Ông Trịnh Đức Minh nhận định, trong 10 năm tới cà phê đặc sản sẽ chiếm lĩnh phần lớn thị phần. Do vậy chúng ta phải hướng tới loại sản phẩm cà phê này. Bởi thực tế chúng ta đã có sự tiên phong của 50 nhà sản xuất trong cả nước. “Chúng ta có kiến thức, kinh nghiệm chế biến cà phê đặc sản qua 2 lần tổ chức tập huấn và có diện tích đáng kể về cà phê vối đặc sản. Chúng ta cũng có các đơn vị kiểm định về chất lượng cà phê đặc sản. Việc phân phối thị trường các phân khúc cà phê thấp thì chúng ta đã thực hiện tốt. Nhưng phân khúc thấp không phải là mục tiêu mãi mãi, mà chúng ta phải tính đến việc chiếm lĩnh phân khúc cao hơn để nâng cao giá trị của cà phê đặc sản Việt Nam”.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Simexco Đắk Lắk Lê Đức Huy cho rằng, thị trường cà phê đặc sản là thị trường còn nhiều mới mẻ, hấp dẫn nên chúng ta phải hội nhập ngay từ đầu để tránh tình trạng tranh mua, tranh bán không lành mạnh. Về chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển cà phê đặc sản, ông Huy cho rằng, chúng ta cần đưa vào đề án phát triển loại cà phê này. “Nhà nước và các doanh nghiệp phải đầu tư khoa học công nghệ bắt đầu từ việc chọn giống, vùng đất trồng, đánh giá chất lượng thổ nhưỡng vùng trồng. Có quy trình chế biến sau thu hoạch, đào tạo nghề và hỗ trợ cho nông dân học nghề. Thành lập hội hoặc hiệp hội cà phê đặc sản Việt Nam nhằm bảo vệ thương hiệu, đẩy mạnh xúc tiến thương mại”, ông Huy nêu kiến nghị.

Ông Huy cũng cho rằng, chúng ta đang tập trung về sản lượng nên chất lượng chưa được thế giới ghi nhận. Do vậy cà phê Việt vẫn ở hàng dưới so với nhiều nước khác. Doanh nghiệp đã kết nối với 8.000 hộ nông dân để thu mua, chế biến, nhưng vẫn chưa làm được nhiều trong việc nâng cao vị thế của cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Nếu dân không tự nâng cao chất lượng sản phẩm của mình thì doanh nghiệp không thể nâng lên được. Do vậy, rất cần sự vào cuộc của người dân đồng hành với doanh nghiệp và các cơ quan chức năng và thay đổi tư duy từ trồng, sản xuất cà phê sạch sang cà phê ngon, cà phê đặc sản. Đây là vấn đề khó cần phải làm lâu dài. Giá trị gia tăng chưa cao thì chưa thể làm giàu từ cà phê. Không nhất thiết phải diện tích lớn, mà phải thay đổi tư duy trong chuỗi giá trị sản xuất, biện pháp canh tác và phải chấp hành một cách nghiêm túc, có thưởng phạt phân minh bằng chính giá nhập cà phê, từ đó nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản Việt Nam trên trường quốc tế.

PHẠM DUY