Thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội:

Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước

- Chủ Nhật, 14/06/2020, 21:19 - Chia sẻ
Thống nhất ban hành nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội cũng nhấn mạnh, việc ban hành nghị quyết này phải thể hiện rõ tinh thần "cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước". Ban hành cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội cần đi kèm với điều kiện, cần phải nêu rõ yêu cầu cụ thể mà thủ đô Hà Nội phải phấn đấu đạt được.

Phúc đáp yêu cầu thực tiễn

Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012 và Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, thực tiễn  phát triển của thành phố đang đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù khác so với một số luật hiện hành. Vì thế, đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) ủng hộ việc ban hành cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thủ đô, nhằm tạo động lực cho thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững hơn. ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc xem xét bổ sung cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho Hà Nội cho phép thành phố huy động nguồn tài chính để đầu tư, phát triển theo hướng tăng tính chủ động về ngân sách, phù hợp với thực tế phát triển, xứng đáng hơn nữa là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa lớn ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách chung của cả nước. 

Tuy vậy, từ thực tế thời gian qua, nhiều địa phương được hưởng cơ chế, chính sách đặc thù và xu hướng sắp tới sẽ có một số địa phương tiếp tục xin cơ chế, chính sách đặc thù, một số ĐBQH đặt vấn đề: nên chăng chỉ dành cơ chế đặc thù cho các tỉnh nghèo, điều kiện còn nhiều khó khăn để giúp các tỉnh này vươn lên.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại hội trường - Ảnh: Quang Khánh  

Theo ĐBQH Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau), các thành phố lớn, các địa phương có điều kiện phát triển dần dần đều yêu cầu có cơ chế, chính sách đặc thù riêng theo hướng có lợi cho mình. Trong khi đó, để trở thành những nơi có điều kiện như hiện nay thì đã có thời gian dài, cả nước phải đóng góp sức người, sức của cho những địa phương này. "Về nguyên tắc, nếu trở thành đầu tàu thì đầu tàu phải có trách nhiệm kéo những toa tàu phát triển theo". Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng bày tỏ lo ngại, "với đà này, các đầu tàu sẽ ngày càng xa các toa tàu. Với những cơ chế, đặc thù tốt như hiện nay, những nơi có điều kiện sẽ phát triển nhanh, còn những nơi khó khăn sẽ tụt hậu dần”. 

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận cũng cho rằng, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, mục tiêu của chúng ta hiện nay là giảm khoảng cách giàu nghèo giữa miền xuôi và miền ngược. Song với các cơ chế, chính sách đặc thù thì ngay ở miền xuôi cũng có khoảng cách chênh lệch lớn giữa thành phố lớn và tỉnh lẻ. Trăn trở về điều này, đại biểu đề nghị, nên có tính toán, cân nhắc trong hoạch định chính sách, chủ trương về cơ chế đặc thù nhằm bảo đảm cân đối, hài hòa giữa các địa phương. 

Ở khía cạnh khác, ĐBQH Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) cho rằng, việc ban hành rất nhiều cơ chế đặc thù thì sẽ thành không đặc thù nữa. Đại biểu mong muốn, cần nghiên cứu để có chính sách bài bản hơn nhằm tạo điều kiện cho các địa phương phát huy tính năng động, tự chủ trong thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. 

Tuy nhiên, nhìn nhận ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, địa phương nào cũng có đặc thù và không phải cơ chế chính sách chung nào cũng phù hợp với tất cả địa phương. Theo đại biểu, cơ chế đặc thù được coi là sự bổ khuyết và cho phép các địa phương năng động hơn về cơ chế, chính sách để phát triển nhanh hơn, mạnh mẽ hơn. Đại biểu cũng thừa nhận thực tế, trong thời gian gần đây có quá nhiều cơ chế đặc thù mà ít nhiều gây ra sự hiểu lầm như kiểu đặc quyền, đặc lợi. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị, cân nhắc bỏ hai từ “đặc thù” trong dự thảo nghị quyết bởi việc bỏ cụm từ này cũng không ảnh hưởng đến nội dung của văn bản. “Chính sách cho địa phương nào riêng cho địa phương ấy là đủ”, đại biểu nêu quan điểm.

Cơ chế phải đi kèm với điều kiện 

Dự thảo Nghị quyết cho phép thành phố Hà Nội được thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù từ năm 2021 - 2026 như: quản lý thu ngân sách nhà nước; quản lý chi ngân sách nhà nước; mức dư nợ vay (nâng mức trần nợ vay từ 70% lên 90% trên nguyên tắc thủ đô phải bảo đảm khả năng trả nợ) và sử dụng Quỹ dự trữ tài chính (cho phép tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính của thành phố để đầu tư hạ tầng và bảo đảm thu hồi trong thời hạn 36 tháng)… ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, dự thảo Nghị quyết đề xuất 9 cơ chế đặc thù, trong đó có 7 cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh. Hai nội dung còn lại trong dự thảo Nghị quyết khác biệt hơn so với Nghị quyết số 54 là: Hà Nội xin cơ chế sử dụng kinh phí chi thường xuyên còn dôi dư thì đầu tư cho những công trình cấp bách và cơ chế sử dụng ngân sách của thành phố để hỗ trợ cho những địa phương khác trong điều kiện gặp khó khăn. “Cơ chế này thể hiện rất rõ tinh thần cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường nói. Vì lẽ đó, không có lý do gì phải băn khoăn khi thông qua cơ chế này.

Đối với 7 cơ chế tương đồng với Nghị quyết số 54 mà Quốc hội đã thông qua cho TP Hồ Chí Minh, theo đại biểu Hoàng Văn Cường, TP Hồ Chí Minh đang áp dụng rất hiệu quả thì không lý do gì Quốc hội phải băn khoăn khi áp dụng những cơ chế này đối với Hà Nội.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cũng cho rằng, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của cả nước thì cần quan tâm phát triển đến vùng, cụ thể là hỗ trợ các địa phương lân cận. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã hỗ trợ cho rất nhiều những địa phương, không chỉ những địa phương tiếp giáp mà kể cả những địa phương trong khu vực. 

Thực tế cho thấy, còn rất nhiều thách thức đặt ra với thủ đô Hà Nội trong công tác quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị như nạn ô nhiễm môi trường, chất lượng công trình, đường sá, cầu cống xuống cấp, tình trạng ùn tắc giao thông, vấn nạn vệ sinh thực phẩm… Đây là những bức xúc phổ biến của cử tri thủ đô và là mối quan tâm chung của nhiều ĐBQH khi cho ý kiến về dự thảo nghị quyết. Thảo luận ở tổ về nội dung này, ĐBQH Hoàng Bình Quân (Tuyên Quang) đặt câu hỏi: dự thảo nghị quyết cho Hà Nội cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù tức là cho tiền, cho nguồn lực thì cũng phải yêu cầu Hà Nội thế nào? Nội dung này chưa thấy thể hiện trong dự thảo nghị quyết. Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 - 2020 đã đặt ra các mục tiêu cụ thể đối với Hà Nội, nhưng hết năm nay không còn hiệu lực. Do đó, đại biểu Hoàng Bình Quân đề nghị, ban hành cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù cho thủ đô Hà Nội thì cũng cần đi kèm với điều kiện, cần phải nêu rõ yêu cầu cụ thể mà thủ đô phải phấn đấu đạt được. 

Yêu cầu được nhiều ĐBQH đặt ra với thủ đô Hà Nội là với cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù, thủ đô Hà Nội phải nhanh chóng khắc phục cho được nạn úng ngập, khắc phục cơ bản nạn ùn tắc giao thông trong nội đô, làm tốt hơn công tác bảo vệ môi trường và đạt được những tiêu chí cơ bản của một thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại.

Nhật An