Theo số liệu của Cục Y tế dự phòng, tuần 50 cả nước ghi nhận 7.350 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 1 ca tử vong. So với tuần trước (9.671/0) số ca mắc giảm 24%. Trong đó, số ca nhập viện là 6.048 ca, so với tuần trước (8.099) số nhập viện giảm 25,3%.
Tích lũy từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 354.282 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (70.383/26) số ca mắc tăng 5 lần, tử vong tăng 107 trường hợp.
Tại Hà Nội, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần ghi nhận 1.165 ca mắc, 2 ca tử vong vì sốt xuất huyết. Số ca mắc giảm 11% so với tuần trước (1.309/2). Bệnh nhân ghi nhận tại 30/30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số ca ca mắc cao như: Hà Đông (176), Đống Đa (77), Phú Xuyên (67), Chương Mỹ (66), Hoàng Mai (66), Thạch Thất (64).
Cộng dồn năm 2022, Hà Nội có 18.788 ca mắc sốt xuất huyết, 22 ca tử vong. Số ca mắc tăng gấp 5,6 lần so với cùng kỳ năm 2021 (3.352 ca mắc, 0 ca tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 566/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp virus Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1, DENV2, DENV4.
Về ổ dịch, tuần qua Hà Nội ghi nhận thêm 22 ổ dịch mới tại: Đống Đa (7), Hà Đông (5), Bắc Từ Liêm (3), Hai Bà Trưng (2), Hoài Đức (2), Đan Phượng (1), Thanh Trì (1), Phúc Thọ (1).
Như vậy, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 1.395 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 82 ổ dịch đang hoạt động, tại 18 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (324), thôn Vĩnh Lộc 1-Phùng Xá-Thạch Thất (79), Thao Nội-Sơn Hà-Phú Xuyên (43), Thanh Thần-Thanh Cao-Thanh Oai (41).
Theo CDC Hà Nội, trong tuần số ca mắc sốt xuất huyết ghi nhận tiếp tục giảm so với tuần trước tuy nhiên vẫn ở mức cao.
Hiện nay thời tiết Hà Nội đã chuyển sang mùa lạnh với mức nhiệt độ không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển, dự báo số mắc sốt xuất huyết sẽ giảm dần trong thời gian tới.
Tuy nhiên, ngành y tế Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không được chủ quan với sốt xuất huyết dù trời lạnh.
Để kiểm soát dịch, trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ tăng cường giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Tại các địa phương, cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Cần huy động các ban ngành đoàn thể và các lực lượng khác tham gia hỗ trợ vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.
Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường diệt bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết một cách triệt để, đảm bảo các chỉ số côn trùng dưới ngưỡng (BI<20) mới được coi là đạt và được phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định phòng, chống dịch, đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng chủ quan, lơ là trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo.
Tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân phối hợp với ngành y tế trong hoạt động phun hóa chất diệt muỗi, đảm bảo tỷ lệ phun đạt yêu cầu theo quy định của Bộ Y tế.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dân khi có các biểu hiện sốt cao đột ngột, đau đầu, đau mỏi người, đặc biệt là có yếu tố dịch tễ đi về từ vùng dịch về cần phải đến cơ sở y tế để làm xét nghiệm, chẩn đoán sốt xuất huyết kịp thời, tránh những biến chứng của sốt xuất huyết.
Ngoài ra, khi đi du lịch hay ở nhà, mỗi người cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi cắn như dùng chống muỗi, ngủ màn, tránh xa nơi có muỗi cắn để không bị nhiễm bệnh.