Sáng 26.9, Bộ Xây dựng phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức Diễn đàn Thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam: Kinh nghiệm và giải pháp. Diễn đàn nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết: Chuyển đổi xanh, chuyển đối số đang là xu hướng diễn ra trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Chuyển đổi xanh là quá trình xây dựng nền kinh tế trong đó mức phát thải từ thấp đến rất thấp, đạt được thông qua việc phát triển văn minh, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hướng đến phát triển bền vững.
Với những lợi ích mang lại từ việc sử dụng năng lượng và tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên sử dụng các vật liệu thân thiện môi trường, vật liệu có mức phát thải thấp và các thiết bị, công nghệ có hiệu suất năng lượng cao trong công trình xây dựng, Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch để thúc đẩy việc sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường.
Khái niệm và nội hàm về công trình sử dụng năng lượng, tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả, bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính (công trình xanh) đã được đưa vào Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng năm 2020, Nghị định số 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Đây là những văn bản pháp lý quan trọng, đánh dấu việc công trình xanh được thể hiện chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Hà, công trình xanh xuất hiện tại Việt Nam hơn 15 năm qua. Tính đến giữa năm 2024, cả nước có gần 500 công trình xanh ở nhiều tỉnh, thành, với diện tích sàn xây dựng khoảng 11,5 triệu m2. Với tổng diện tích sàn xây dựng nhà ở, văn phòng trung bình hàng năm trên dưới 100 triệu m2, chưa bao gồm diện tích nhà xưởng công nghiệp và các loại hình công trình khác, có thể thấy mặc dù tăng nhanh trong thời gian qua nhưng tiềm năng phát triển công trình xanh ở Việt Nam còn rất lớn.
Dù vậy, Thứ trưởng Phạm Minh Hà xác nhận, việc phát triển công trình xanh ở Việt Nam thời gian qua gặp nhiều khó khăn, rào cản. Cụ thể, công trình xanh mới đang thực hiện ở hình thức khuyến khích, chưa có quy định bắt buộc; trình độ kỹ thuật, công nghệ, năng lực tài chính của chủ đầu tư còn hạn chế, khó khăn khi tiếp cận về nguồn tài chính xanh cho các dự án công trình xanh…
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, việc phát triển công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh là xu thế tất yếu.
Thời gian qua, Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách quan trọng để thúc đẩy công trình xanh, hạ tầng đô thị thông minh và phát triển bền vững Thủ đô. Cụ thể, Nghị quyết Đại hội XVII của Đảng bộ Thành phố đặt tầm nhìn đến 2030 xây dựng Hà Nội trở thành thành phố xanh – thông minh – hiện đại, trong đó tập trung vào việc phát triển giao thông xanh, mở rộng diện tích cây xanh, bảo đảm rằng các công trình xây dựng phải tuân thủ các tiêu chuẩn tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính.
Chương trình số 03-CTr/TU ngày 17.3.2021 của Thành ủy Hà Nội về Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 – 2025, định hướng phát triển thành phố nhanh, bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại…
Hiện, Thành phố đang xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để triển khai Luật Thủ đô năm 2024, trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các quy định, cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển đô thị xanh, đô thị thông minh và phát triển bền vững. Các quy định này sẽ tạo nền tảng pháp lý thực thi có hiệu quả cho sự phát triển lâu dài của Thủ đô theo định hướng xanh – thông minh – hiện đại.
Thông qua diễn đàn, “UBND Thành phố Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Trung ương, đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi đô thị, tạo lập một Thủ đô Hà Nội xanh, thông minh, hiện đại, phát triển bền vững”, Phó Chủ tịch Dương Đức Tuấn khẳng định.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã thảo luận làm rõ về thực trạng công trình xanh hiện nay cùng những khó khăn, thuận lợi; đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy công trình này. Trong đó, các đại biểu đề xuất, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho công trình xanh; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng công trình này; đẩy mạnh đào tạo cho các kiến trúc sư, kỹ sư, nhà thầu, quản lý dự án về công trình xanh; rõ quy định xác định vật liệu xanh để sử dụng trong công trình xanh...