Cà Mau phấn đấu thành điểm sáng bảo hiểm xã hội tự nguyện

- Thứ Hai, 19/04/2021, 13:04 - Chia sẻ
Tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội (BHXH), Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Ðào tạo về vấn đề phát triển BHXH tự nguyện để tìm ra giải pháp hiệu quả triển khai thực hiện giai đoạn 2021 – 2025, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đã nhấn mạnh, cần đổi mới phương thức truyền thông, truyền thông trực quan, sử dụng nhiều kênh khác nhau để truyền thông đạt hiệu quả.

Số người tham gia BHXH tự nguyện tăng

BHXH tự nguyện là chính sách do Nhà nước quản lý và tổ chức thực hiện, nhằm mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội, khi tham gia BHXH tự nguyện người dân còn được hỗ trợ mức đóng, nên có nhiều ưu điểm hơn một số loại hình bảo hiểm thương mại khác. Do đó, khi người dân hiểu được ý nghĩa sâu sắc của chính sách này đã tự nguyện tham gia ngày càng tăng.

Theo báo cáo của BHXH tỉnh, nếu như năm 2015 chỉ có 1.151 người tham gia BHXH tự nguyện, đến cuối năm 2020 tăng lên 21.962 người, tăng hơn 19 lần so với năm 2015. Ðặc biệt, số người tham gia BHXH tự nguyện tăng mới trong năm 2020 bằng tổng số người tham gia BHXH tự nguyện phát triển được của cả 10 năm trước cộng lại.

Đại diện BHXH tỉnh cho hay, đạt được kết quả này là nhờ trong quá trình triển khai thực hiện đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát của Tỉnh uỷ, HÐND, UBND tỉnh và BHXH Việt Nam; sự phối hợp đồng bộ của các sở, ban, ngành và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo kịp thời về lĩnh vực BHXH, BHYT.

Đồng thời, cấp uỷ, UBND các huyện, TP Cà Mau đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội và giao chỉ tiêu cụ thể cho UBND các xã, phường, thị trấn; cũng như ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện. BHXH các huyện và UBND các xã, phường, thị trấn đều ký kết các chương trình, kế hoạch công tác.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho các tiểu thương
Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện cho các tiểu thương

Có giải pháp khai thác hiệu quả hơn

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Trần Hồng Quân, từ khi đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia vào chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, tỷ lệ người dân tham gia BHXH tự nguyện tăng cao. Tuy nhiên, tiềm năng đối tượng có thể khai thác tham gia BHXH tự nguyện còn nhiều, cần có giải pháp khai thác hiệu quả hơn.

Theo đó, cần rà soát, nắm lại tỷ lệ công nhân, nhà máy, xí nghiệp tham gia BHXH bắt buộc. Xác định đối tượng để tham gia vận động, tăng cường hiệu quả của đại lý BHXH, cần bố trí con người hợp lý, mức hoa hồng mà đại lý được hưởng khi khai thác đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Ðối với nông dân, truyền thông trực tiếp rất quan trọng, nên cần phát huy vai trò truyền thông trong phát triển đối tượng tham gia của khóm, ấp; cần tập huấn, đào tạo để khóm, ấp hiểu rõ về ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội này.

Tại buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Cà Mau về tình hình thực hiện công tác lao động, người có công và xã hội của tỉnh Cà Mau năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021 diễn ra mới đây, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Ðào Ngọc Dung cho rằng, Cà Mau sẽ trở thành một điểm sáng của cả nước trong phát triển BHXH tự nguyện nếu biết cách tuyên truyền, vận động người dân hiệu quả, bám sát đối tượng và tuyên truyền trực tiếp tại từng ấp, khóm cùng sự phát triển của kinh tế hộ gia đình.

Ðể đạt được mục tiêu đến năm 2025 Cà Mau có 116.500 người tham gia BHXH tự nguyện, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân đề nghị, BHXH cùng ngành lao động rà soát lại đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, làm việc với Cục Thuế để đổi mới công tác phối hợp, rà soát đối tượng tham gia BHXH và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp; xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức nhiều hoạt động truyền thông mang lại hiệu quả. Ðổi mới phương thức truyền thông, truyền thông trực quan, sử dụng nhiều kênh khác nhau để truyền thông đạt hiệu quả. Ðồng thời, có giải pháp phát triển đại lý, quản lý đại lý bảo hiểm đến từng cá nhân, phấn đấu 100% trưởng khóm, ấp làm đại lý bảo hiểm và tập huấn để đối tượng này hiểu rõ chính sách để triển khai, thực hiện hiệu quả.

Nhật Phương