- Xin ông cho biết, tiến độ Chương trình xây dựng huyện nông thôn mới của Ngọc Hiển đã thực hiện được đến đâu, dự kiến khi nào có thể hoàn thành?
- Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, huyện luôn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt mà cả hệ thống chính trị, Nhân dân cùng vào cuộc nhằm nâng cao đời sống của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn trên địa bàn.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và chỉ đạo của UBND tỉnh Cà Mau về nội dung trên, UBND huyện Ngọc Hiển đã xây dựng Đề án xây dựng huyện Ngọc Hiển đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2984/QĐ-UBND ngày 16.12.2022.
Sau 13 năm bắt tay xây dựng huyện nông thôn mới, toàn huyện có 2/6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 1 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh thẩm định xét công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2024. Còn lại 3 xã (Đất Mũi, Tân Ân, Viên An) đạt được từ 14 tiêu chí trở lên; xã Tân Ân Tây đang thực hiện nông thôn mới nâng cao đạt được 13/19 tiêu chí; đô thị văn minh thị trấn Rạch Gốc đạt 4/9 tiêu chí; huyện nông thôn mới đạt 5/9 tiêu chí. Theo đề án được phê duyệt đến cuối năm 2025, huyện Ngọc Hiển thực hiện hoàn thành chương trình xây dựng huyện nông thôn mới; huyện đang tập trung toàn lực để đạt được mục tiêu đề ra.
- Vậy, đâu là những thách thức chính mà huyện Ngọc Hiển gặp phải trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, thưa ông?
- Trong quá trình xây dựng huyện nông thôn mới, Ngọc Hiển có gặp một số khó khăn, thách thức: Ngọc Hiển có điểm xuất phát thấp, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, kỹ thuật yếu kém thiếu nguồn lực đầu tư. Về điều kiện tự nhiên, huyện Ngọc Hiển có hệ thống sông rạch chằng chịt, nền đất yếu nên khó khăn trong đầu tư phát triển giao thông đường bộ. Phần lớn diện tích đất trên địa bàn huyện là đất lâm nghiệp do các chủ rừng quản lý, bị chi phối bởi các quy định, chính sách về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên việc triển khai thực hiện quy hoạch và thu hút đầu tư còn nhiều khó khăn, nhất là các dự án, công trình lớn. Mặt khác, việc cất nhà ở kiên cố trên đất lâm nghiệp cũng là một vấn đề bất cập.
Ngọc Hiển là vùng đất trẻ, nền đất yếu ở ven biển, lượng rác thải đổ từ đầu nguồn về cuối nguồn rất lớn nên công tác thu gom rác của huyện gặp rất nhiều khó khăn và dễ gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, việc xử lý rác trên sông (rác hàng đáy) theo thủy triều lên lưu lại trên nhiều tuyến lộ giao thông hiện hữu gây mất mỹ quan, mặc dù người dân cùng chính quyền địa phương đã tích cực thu gom song vẫn chưa có giải pháp triệt để.
Trong khi đó, nguồn lực để xây dựng huyện nông thôn mới khoảng trên 2.000 tỷ, đây là con số rất lớn, tuy nhiên việc phân bổ nguồn vốn hàng năm còn hạn chế nên còn khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới của huyện.
- Để đạt các tiêu chí nông thôn mới, huyện đã thực hiện các nhiệm vụ cụ thể thế nào, thưa ông?
- Để đạt các tiêu chí nông thôn mới, huyện đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của Quốc hội, các Bộ, ngành Trung ương; sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành tỉnh; đặc biệt là sự hỗ trợ, giúp đỡ của 12 tập đoàn, doanh nghiệp về nguồn lực tài chính với tổng tiền là 228 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ xây dựng 1.200 căn nhà, 25 cây cầu, 10.000 tấn xi măng, đầu tư 200 hộ sử dụng điện vùng sâu, vùng xa; hỗ trợ chuyển đổi số của Tập đoàn bưu chính, viễn thông Việt Nam; hỗ trợ xây dựng và củng cố hợp tác xã….
Đến nay, huyện Ngọc Hiển đã hoàn thành 5/9 tiêu chí huyện nông thôn mới như: quy hoạch, giao thông, thủy lợi và phòng chống thiên tai, điện. Hệ thống chính trị và an ninh trật tự - hành chính công đã hoàn thành chỉ tiêu theo quy định, huyện còn phải tiếp tục duy trì và nâng chất các tiêu chí đã đạt, nhất là đối với tiêu chí nhà ở dân cư vẫn còn tiếp tục tuyên truyền vận động Nhân dân chỉnh trang nhà ở khang trang, xây dựng nhà đúng chuẩn theo quy định.
Những tiêu chí huyện đã nỗ lực thực hiện và cải thiện thêm để đạt toàn diện là hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, môi trường và an toàn thực phẩm.
- Người dân huyện Ngọc Hiển đã tham gia như thế nào trong quá trình thực hiện các Chương trình phát triển nông thôn mới như thế nào, thưa ông?
- Thời gian qua, huyện luôn quan tâm phát huy vai trò nòng cốt của Nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, dân chủ cơ sở được nâng cao, người dân là chủ thể trực tiếp tham gia quyết định. Người dân đã đổi mới cách nghĩ, cách làm, phát huy được nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần huy động nguồn lực đóng góp chương trình như tổ chức giám sát các hoạt động xây dựng nông thôn mới; tự nguyện đóng góp tiền, công sức, hiến đất xây dựng lộ trình giao thông nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; vận động xây dựng tuyến đường thắp sáng đường quê, phân loại rác thải, làm sạch đường ngõ xóm; phát triển kinh tế nông thôn thông qua các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến giai đoạn dưới tán rừng, nuôi chồn hương, trồng hoa màu tạo sản phẩm hàng hóa tăng thu nhập... Quá trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều điển hình tiến tiến, người tốt, việc tốt như: trồng các tuyến đường hoa, sửa lộ giao thông nông thôn, thu gom rác thải và một số mô hình tự quản về an ninh trật tự tại nông thôn.
- Xin cảm ơn ông!