Trong suốt thời gian khảo sát, các du khách đã được tham quan và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như đến thăm Mốc điểm cuối đường Hồ Chí Minh; chụp ảnh tại biểu tượng pano con tàu Mũi Cà Mau - điểm cuối cùng của Tổ Quốc; viếng Đền thờ Lạc Long Quân - Tượng Mẹ, check-in tại Cột cờ Hà Nội; Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; Biểu tượng Con cua Cà Mau. Mang đến sự thích thú cho du khách là các hoạt động trải nghiệm tại hộ du lịch cộng đồng Đất Mũi như giăng lưới, bắt ba khía, đặt lợp cua và đờn ca tài tử.
Trong chuyến khảo sát tuyến du lịch xuyên rừng, du khách sẽ tiếp tục tìm hiểu hoạt động bắt nghêu, bắt ba khía của người nông dân vùng nước mặn và thưởng thức đặc sản tại các nhà hàng ở xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn; đi thăm Di tích lịch sử Văn hóa Căn cứ Tỉnh ủy tại xã Phú Mỹ, huyện Phú Tân và tham quan điểm du lịch cộng đồng ở Đầm Thị Tường - một địa danh nổi tiếng thời người dân mới đến khai hoang lập ấp tại xã Phong Lạc, huyện Trần Văn Thời.
Để mang lại sự mới mẻ và thu hút du khách, các điểm du lịch cũng xây dựng thêm nhiều hoạt động thú vị, phù hợp với điều kiện thời tiết và thiên nhiên của địa phương như để du khách tự tay trồng đước, gieo thêm mầm xanh giữ đất, giữ rừng cho Tổ quốc hay hoạt động chèo sup, ngắm hoàng hôn ở hệ sinh thái rừng ngập mặn, phục dựng lại nhà ba gian không cửa, xây dựng cầu khỉ trong rừng để du khách check-in.
Theo Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau) Trần Xuân Trường, thông qua các chuyến đi khảo sát, ngành du lịch tỉnh đã nhận thêm nhiều góp ý và gợi với các góc nhìn đa chiều để Cà Mau trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách.