Tại mỗi huyện, đoàn kiểm tra chọn 1 đơn vị cấp xã tiến hành kiểm tra trực tiếp công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.
Tại mỗi đơn vị, đoàn kiểm tra nghe báo cáo về tình hình thực hiện và kiểm tra thực tế hồ sơ đánh giá, chấm điểm, đề nghị công nhận xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật năm 2023 và kế hoạch, tình hình thực hiện trong năm 2024; trao đổi, thảo luận, hướng dẫn và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với đơn vị được kiểm tra...
Sau khi nghe báo cáo, kết hợp với kiểm tra thực tế hồ sơ tiếp cận pháp luật các xã cho thấy, thời gian qua, các địa phương đã có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở và xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên và công chức làm công tác đánh giá chuẩn tiếp cận pháp luật được thực hiện thường xuyên, qua đó, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí, chỉ tiêu trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Bên cạnh những kết quả đạt được, bà Phạm Thị Ngọc, Phó Giám đốc Sở Tư pháp - Trưởng đoàn kiểm tra đã chỉ ra những hạn chế mà địa phương gặp phải trong xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật. Cụ thể như một số nơi, vẫn còn tình trạng khoán trắng nhiệm vụ cho công chức tư pháp; chưa có sự phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng cho các ngành có liên quan đến từng tiêu chí, chỉ tiêu; hồ sơ minh chứng cho kết quả chấm điểm chưa được công chức chuyên môn tổng hợp đầy đủ; một số chỉ tiêu chấm còn mang tính hình thức, chưa sát với tình hình thực tế tại địa phương…
Để kịp thời khắc phục những hạn chế vừa nêu, nâng cao chất lượng, bảo đảm chặt chẽ trong đánh giá, chấm điểm các tiêu chí tiếp cận pháp luật gắn với xây dựng xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao và huyện nông thôn; đại diện Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đề nghị, các địa phương tiếp tục triển khai thực hiện tốt quy định về xây dựng xã, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; UBND huyện và UBND cấp xã cần thực hiện nghiêm túc việc phân công trách nhiệm cho cán bộ, công chức chuyên môn phụ trách từng tiêu chí, chỉ tiêu.
Bên cạnh đó, chỉ đạo công chức chuyên môn thực hiện tổng hợp hồ sơ minh chứng đầy đủ theo quy định; các mô hình, hình thức phổ biến giáo dục pháp luật các xã đang triển khai thực hiện cần đánh giá được tính hiệu quả và thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến của đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã, đại diện các ấp, khóm trên địa bàn; thường xuyên thực hiện kiểm tra và tự kiểm tra cơ sở, nhằm kịp thời phát hiện hạn chế để có giải pháp khắc phục, chấn chỉnh, bảo đảm khách quan, thực chất.