Cà Mau chủ động thích ứng với thiên tai

- Thứ Sáu, 02/04/2021, 05:42 - Chia sẻ
Trước tác động của biến đổi khí hậu, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, cũng như bảo đảm đời sống cho người dân, nhiều giải pháp cụ thể đã được tỉnh Cà Mau đặt ra. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện hiệu quả, nhiều ý kiến cho rằng, đòi hỏi đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng, biến đổi khí hậu cùng với suy thoái tài nguyên, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn đề cấp bách hiện nay tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái tự nhiên và phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Đặc biệt là đời sống của cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương khu vực ven biển.

Sụp Đê biển Tây, địa bàn huyện Trần Văn Thời

Cà Mau có hơn 70% dân số sống ở vùng nông thôn, sinh kế phụ thuộc nhiều vào tài nguyên và phần lớn diện tích của tỉnh thuộc vùng đất ngập nước ven biển, có 87 cửa sông thông ra biển nên chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Biểu hiện rõ nét nhất trên địa bàn tỉnh những năm gần đây là vào mùa khô tình trạng nhiệt độ tăng cao, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sâu nội đồng; vào mùa mưa tình trạng ngập úng đô thị, triều cường, nước biển dâng gây sạt lở đất bờ sông, bờ biển và sụt lún đất tại một số nơi diễn biến phức tạp…

Cụ thể, mùa khô năm 2019 - 2020, hạn hán kỷ lục làm người dân sống trong đê phòng hộ, thuộc vùng ngọt hóa lao đao. Không chỉ hàng trăm ha lúa, hoa màu bị giảm năng suất, mất trắng mà hơn 1.000 vụ sụt lún, sạt lở đất đã làm nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt. Thời tiết khắc nghiệt trong mùa khô 2019 - 2020 cũng làm mặn xâm nhập sâu, vụ lúa tiếp theo của người dân xuống giống có phần khó khăn hơn. Tiếp đó, người dân lại tiếp tục phải hứng chịu đợt ngập lụt khiến khoảng 21.000ha lúa, hoa màu của người dân huyện Trần Văn Thời, U Minh... đã bị thiệt hại do ngập úng.

Trưởng ấp Minh Hà A (xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời) Cao Chiến Thi chia sẻ, sản xuất phụ thuộc khá nhiều vào thiên nhiên và do biến đổi khí hậu những năm gần đây khá rõ nét, nên người dân đang dần tìm cách thích ứng và có nhiều cách sáng tạo hơn để cùng nhau sản xuất, tăng thu nhập. Dù vậy, với tâm thế chủ động nguồn nước sản xuất, nhưng mùa không năm 2020, người dân vẫn thiếu nước tưới tiêu trầm trọng.

Cùng với đó, nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn tỉnh bị khai thác quá mức, thiếu sự kiểm soát. Nguồn nước mặt, nước ngầm nhiều nơi bị suy thoái, hạ thấp mực nước ngầm; đa dạng sinh học tiếp tục bị suy giảm; ô nhiễm môi trường có chiều hướng gia tăng ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư tập trung và quy hoạch của một số ngành, lĩnh vực, địa phương chưa đồng bộ gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ cảnh quan, cải thiện môi trường.

Giải pháp mang tính đột phá

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu là nhiệm vụ hết sức cấp thiết. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau Huỳnh Thanh Dũng, để thực hiện được đòi hỏi phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm và cần những giải pháp mang tính đột phá.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Bình Ðông, huyện Trần Văn Thời Cao Văn Ðạt cho hay, để giảm thiệt hại do thiên tai cho bà con nông dân, địa phương đã đề xuất và đang xây dựng 4 đập thủy lợi, để điều tiết cho các vùng lân cận, mùa khô hạn có thể giữ nước và mùa mưa bão thì xả nước. Giảm đến mức thấp nhất vấn đề thiếu nước tưới hoặc ngập úng trên diện rộng. Dự kiến, các công trình sẽ sớm hoàn thành trước khi mùa khô hạn diễn ra gay gắt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, toàn bộ hệ thống cống ngăn mặn, giữ ngọt đã được cơ quan chức năng địa phương gia cố và đóng từ rất sớm để bảo đảm trữ ngọt. Người dân được khuyến cáo và chủ động giữ nước khi đã rút kinh nghiệm từ vụ mùa cùng kỳ. Tuy vậy, đây vẫn là giải pháp tạm thời, hiệu quả tuỳ theo từng năm. Năm nào lượng mưa ít, thiếu nước sản xuất, sụt lún đất vẫn có thể xảy ra. Ðể bảo đảm phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, vùng ngọt của tỉnh Cà Mau cần chủ động được nước ngọt, thay vì bị động như hiện nay.

Cùng với đó, nhiều giải pháp về quản lý tài nguyên cũng được đưa ra để khai thác hợp lý, bền vững và sử dụng hiệu quả như kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất; nâng cao hiệu quả sử dụng nước; dự báo nguy cơ và giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vào mùa khô, chủ động tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất… Đồng thời lồng ghép các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu trong các quy hoạch, kế hoạch quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, việc tìm kiếm các sáng kiến, giải pháp, cách làm hiệu quả, mô hình phát triển kinh tế thích ứng với biến đổi khí hậu luôn được quan tâm và nhân rộng, nhằm tạo ra cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và đưa ra các sáng kiến về bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu cho địa phương, tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho cộng đồng dân cư; nhận diện được các tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến đời sống và sinh kế người dân.

Vân Phi