Cả đời gắn bó với nhạc cụ Êđê
Là người con Êđê, lại yêu âm nhạc truyền thống, nhiều năm qua, nghệ nhân Ama Loan, buôn Ako Dhong, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, đã miệt mài tìm tòi, chế tác các nhạc cụ dân gian của dân tộc mình, nhằm giữ gìn vốn quý mà cha ông để lại.

Đồng bào Êđê yêu âm nhạc và có nhiều nhạc cụ truyền thống như: cồng chiêng, trống, đinh năm, đinh puốt, đinh buốt chóc (sáo), tù và, đàn t’rưng, đàn môi... Ngay từ nhỏ, nghệ nhân Ama Loan đã luôn bị thu hút bởi âm thanh rộn ràng của những nhạc cụ ấy trong các lễ hội của buôn làng. Từ tình yêu dành cho âm nhạc, ông tự mày mò và biết làm một số loại nhạc cụ của người Êđê khi chỉ mới 13 tuổi. Nhưng sau đó, do ảnh hưởng của chiến tranh, cuộc sống của đồng bào khó khăn, các lễ hội không còn được duy trì, nhạc cụ truyền thống ít người biết chơi và chế tác... Thêm vào đó, ngày nay, xã hội phát triển với nhiều loại hình giải trí, âm nhạc hiện đại, khiến nhiều loại hình âm nhạc dân gian của đồng bào Êđê dần rơi vào quên lãng.
Với niềm đam mê âm nhạc truyền thống, không muốn để tài sản văn hóa tinh thần của cha ông bị mai một, từ năm 2000, nghệ nhân Ama Loan đã đi khắp buôn làng, nghe các cụ già kể về từng nhạc cụ, rồi tìm cách làm chúng hồi sinh bằng đôi bàn tay tài hoa của mình. Các nhạc cụ dân gian đều được làm từ vật liệu sẵn có trong tự nhiên. Bởi vậy, ông dành nhiều thời gian sưu tầm cây tre, cây nứa, quả bầu, sừng trâu đạt tiêu chuẩn... và học cách dùng sáp ong rừng để dán nhạc cụ. Đến nay, Ama Loan không thể nhớ đã chế tác bao nhiêu chiếc đinh năm, đinh puốt, chiêng tre... cho buôn làng. Ông cũng là một trong số ít nghệ nhân có thể nghe và chỉnh thang âm cho dàn cồng chiêng.
Tuy đã ngoài 70 tuổi, nghệ nhân Ama Loan vẫn gắn bó với các nhạc cụ, coi đó là thú vui, đồng thời nỗ lực giữ cho âm nhạc truyền thống của dân tộc ở lại với buôn làng Tây Nguyên. Đã quen tay, nên các nhạc cụ được ông làm rất nhanh. Trong hội thi chế tác nhạc cụ của dân tộc Êđê tổ chức tại buôn vào tháng 6 vừa qua, ông giành chiến thắng khi chỉ mất 5 phút hoàn thành chiếc đinh puốt có âm thanh chuẩn. Không chỉ chế tác, nghệ nhân Ama Loan còn tích cực truyền dạy kỹ thuật chế tác và cách biểu diễn nhạc cụ cho thế hệ trẻ, hy vọng sẽ có những người tiếp nối đam mê của mình, để âm nhạc của người Êđê còn vang mãi. Bất cứ lúc nào, ông cũng sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của mọi người về các nhạc cụ dân gian. Ông cho biết: hiện nay, rất ít người biết làm và biết chơi nhạc cụ của đồng bào Êđê. Tuy nhiên, một số người trẻ yêu nhạc vẫn thường đến nhờ ông chỉ dạy. Khi đó, ông thường giảng cho họ về kích thước, tính chất âm thanh, cũng như cách chơi... Nhiều thanh niên được ông dìu dắt đã trở thành thành viên đội cồng chiêng, đội văn nghệ của buôn, đại diện cho tỉnh Đăk Lăk tham dự các liên hoan trong và ngoài tỉnh.
Không chỉ gắn bó với nhạc cụ truyền thống, nghệ nhân Ama Loan còn ghi nhớ và kể sử thi cho giới trẻ, hăng hái tham gia các hoạt động văn hóa văn nghệ của buôn Ako Dhong. Ông là đại diện của tỉnh Đăk Lăk tham dự Những ngày Văn hóa Tây Nguyên tại Hà Nội lần thứ I và II (tổ chức năm 2002 và 2012)... Ông mong muốn, qua những việc làm của mình sẽ góp phần lưu giữ âm nhạc, tiếng nói, phong tục của dân tộc.