Buồn vui cùng ở giọng đàn
Gần như cả cuộc đời nghệ nhân Nông Quốc Chấn gắn bó với cây tính tẩu và điệu xòe của người Thái. Ông bảo, đến giờ, ở tuổi 70, cũng không nhớ đã chế tác bao nhiêu cây đàn, đệm nhạc cho bao nhiêu lễ hội, nhưng tình yêu đối với văn hóa truyền thống thì cứ đầy ắp vậy.
Tâm tình của người Thái
Trời nhá nhem tối cũng vừa lúc chúng tôi tới nhà ông Nông Quốc Chấn, ở bản Vàng Pheo, xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu. Biết khách tới tìm hiểu về tính tẩu, nghệ nhân liền chỉ tay vào góc sân bày la liệt đoạn gỗ còn thơm mùi nhựa, khoe: “Cả ngày nay tôi lên rừng tìm về được đấy. Chờ phơi nắng, phơi sương đến khi ngót hẳn thì đẽo cần đàn”. Rồi ông hào hứng giới thiệu “xưởng” chế tác trong nhà với hàng chục cây đàn lớn bé treo trên tường, sập gỗ đủ thứ đồ nghề, nào dùi, đục, dao vót, bầu khô... đã theo ông mấy chục năm qua. “Một thanh gỗ, nửa quả bầu, mấy sợi tơ xe là thành tính tẩu. Trông vậy mà bí quyết éo le (ý nói cách làm khó) lắm. Trước hết chọn bầu già, vỏ dày, không quá to cũng không quá nhỏ, để khô, gõ kêu đanh đanh mới dùng được. Cần đàn muốn tốt thì chọn thân cây dâu, để lâu không bị ngót. Còn muốn có giọng (âm thanh) tính tẩu hay thì phải nhờ vào hoa tay của người làm thôi”, nghệ nhân Nông Quốc Chấn nói.

Theo quan niệm của người Thái, đàn tính không chỉ là nhạc cụ phục vụ hát then hay hội xòe mà còn ẩn chứa câu chuyện về tình đùm bọc, yêu thương. Cần đàn tượng trưng cho người con trai, quả bầu tượng trưng cho người con gái, họ lấy nhau sinh được 2 con - tượng trưng là hai sợi dây đàn. Gảy đàn là gảy lên tiếng thân thiết gia đình, tiếng bố bảo con, chồng bảo vợ, là lời tâm sự, sợi dây gắn kết tấm lòng. Bởi vậy, người con trai, con gái Thái thường mượn đàn tính để nói lên tình cảm với người yêu, các cụ già cũng qua tính tẩu mà răn dạy con cháu điều tốt đẹp… Khi chỉnh âm, nghệ nhân phải nhạy bén đôi tai, khéo léo đôi tay, thì đàn mới bật lên được ý nghĩa.
Nhấc cây đàn từ cột chính giữa nhà, ông gảy điệu “inh lả ơi, sao noọng ời” vẫn thường đàn khi đón khách. Giai điệu tình tang vừa dứt, ông chỉ tay vào từng bộ phận, giới thiệu về cách nghe giọng, chỉnh âm của tính tẩu. “Dù chỉnh âm hay gảy đàn, tay cứng quá tiếng bị thô, mềm quá tiếng sẽ mỏng, âm thanh không gọn, giọng đàn không rõ. Đến giờ, làm nhiều nên có nhắm mắt, bịt tai, tôi cũng chỉnh được. Nhưng lúc nào cũng nhớ lời bố tôi khi ông dạy cách làm đàn này, là không chỉ quen tay mà còn biết gửi tâm tình của người Thái nữa”.
Say với đàn
Ông nhớ lại năm ấy cũng vào buổi chiều tối, anh trai ông là Nông Văn Nhay nói với cả nhà sẽ theo học trường nghệ thuật Tây Bắc. Bố ông liền làm một cây tính tẩu cho con trai mang đi. Nhưng kể từ đó, người em cũng mê mẩn với tính tẩu, rồi học làm đàn, hăng say đệm hát then, nhạc xòe ở khắp Mường So. Khi anh trai học xong, về làm cán bộ văn hóa xã, sau thành nghệ nhân đàn tính nổi tiếng ở Lai Châu, mang đàn đi giao lưu hội diễn khắp các tỉnh khác, ông Chấn vẫn gắn bó với núi rừng, âm thầm làm đàn, phục vụ đội văn nghệ ở địa phương. Ông bảo: “Lễ hội Nàng Han năm nào tôi cũng có mặt, hội xã, thôn bản thì càng không vắng. Nói là phục vụ mọi người, nhưng cũng là mua vui cho mình, làm đàn, gảy đàn cứ thấy lòng phơi phới”.
Khi đời sống văn hóa được nâng cao, hát then đàn tính và xòe Thái được đông đảo mọi người biết đến, tính tẩu do ông làm ra cũng theo đó mà lắm khách đặt mua. Xòe bàn tay, ông bảo đến giờ không còn nhớ đôi tay này đã làm ra bao nhiêu chiếc đàn, đệm bao nhiêu hội xòe, nhưng có những kỷ niệm vui nhớ mãi: “Năm 2005, hội diễn “Hát then, đàn tính 5 tỉnh phía Bắc”, tôi gửi cán bộ mang đi bán được 20 cái. Rồi từng có đoàn người Lào sang đây công tác cũng về tận nhà nghe cách làm đàn, rồi thích, đặt mua. Hôm rồi, tôi cũng mới làm 5 cây để Sở Văn hóa đem tặng cán bộ dưới Hà Nội. Tiền ít thôi mà vui lắm. Được đồng tiền không sướng bằng sản phẩm của mình chạy ra được bên ngoài”.
Chưa biết thế nào…
Vui vì tính tẩu ngày càng nhiều người biết đến, nhưng trăn trở của nghệ nhân Nông Quốc Chấn là hiện giờ, nhiều người Thái lại thờ ơ với chính nhạc cụ của dân tộc mình. Ông cho biết, đội xòe đúng ra bao giờ cũng có ít nhất 10 cô gái và 2 nhạc công. Đồng bào Thái Đen xòe trên tiếng khèn, còn bà con Thái Trắng xòe trên nền tính tẩu. Thế nhưng hiện nay, chỉ hội lớn mới có người đàn, còn sinh hoạt văn hóa địa phương chủ yếu sử dụng băng đĩa loa đài. “Lắm hội văn nghệ dùng đàn, nhưng là Mandolin, có đánh đúng điệu cũng đâu phải tiếng của dân tộc Thái. Tôi bảo phải tránh đi nhưng không được, vì mình cũng là một trong số người chơi thôi chứ làm gì có quyền tác động. Cái lo là lo cho văn hóa Thái sẽ lẳng lặng đi vào dĩ vãng mất thôi”.
Cũng vì nỗi lo mai một, nghệ nhân Nông Quốc Chấn mong muốn truyền lại cách chế tác, thẩm âm, đệm đàn cho lớp trẻ. Vận động thanh niên Mường So nhưng chưa được ai, ông động viên chính người nhà, một là cậu con trai mới tốt nghiệp ngành sư phạm, trong lúc chờ việc; hai là đứa cháu họ ở bản Vàng Pheo. “Cách hay nhất là mở lớp, động viên người ta học. Hồi anh Nhay còn sống, hai anh em cũng tính với nhau mở lớp dạy, nhưng vướng kinh phí. Anh bảo sẽ làm hồ sơ xin Nhà nước, chưa biết ra sao thì anh đã mất, còn mình tôi, cứ lụi cụi làm, cậy con, cậy cháu để truyền lại chứ chẳng biết thế nào…” - nghệ nhân Nông Quốc Chấn trăn trở.