Đẩy nhanh tiến độ các dự án
Thời gian qua, UBND TP. Buôn Ma Thuột đã nỗ lực trong công tác bồi thường, giải phóng và bàn giao mặt bằng để thi công các dự án, công trình đã bố trí kế hoạch vốn. Thành phố đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ và thống nhất, kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc về mặt bằng, nhất là các công trình, dự án giao thông trọng điểm.
Được sự quan tâm của Trung ương và địa phương, nhiều công trình hạ tầng giao thông đô thị đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động giao thương của người dân như tuyến đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột, đường Ðông Tây, đường Trần Quý Cáp, đường Mai Thị Lựu...
Trong đó nhiều dự án, công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hiệu quả đã góp phần nâng cao năng lực thông hành cho mạng lưới đường bộ trên địa bàn thành phố. Trong năm 2023, TP. Buôn Ma Thuột đã khánh thành đưa vào sử dụng công trình đường Đông - Tây để đáp ứng nhu cầu giao thông, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn.
Trong giai đoạn 2021 - 2025, để tạo động lực mới phát triển tỉnh Đắk Lắk nói chung và thành phố nói riêng, một số dự án trọng điểm có tính chất vùng, liên vùng có tác động lan tỏa đã được tập trung triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 3; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, dự án khu dịch vụ hậu cần trung chuyển (logistisc), công nghiệp công nghệ cao gắn với nghiên cứu sinh học và công nghệ chế biến nông lâm sản, đang được thẩm định để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000, với tổng diện tích 495,5ha; dự án phát triển Cảng hàng không Buôn Ma Thuột thành cảng hàng không quốc tế đang được Cục Hàng không Việt Nam xem xét, lấy ý kiến điều chỉnh quy hoạch sân bay Buôn Ma Thuột thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết, các dự án này đã và đang được triển khai sẽ là điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn thành phố, từng bước xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành trung tâm công nghiệp chế biến cà phê và nông sản, trung tâm dịch vụ hàng đầu của Tây Nguyên. Từ đó, góp phần xây dựng hình ảnh “Thành phố cà phê của thế giới”, nâng cao hiệu quả hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và khu vực tam giác phát triển Lào - Việt Nam - Campuchia.
Ưu đãi thuế thu nhập cho doanh nghiệp
Ðể thúc đẩy TP. Buôn Ma Thuột sớm trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên, ngày 15.11.2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 72/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gồm 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù. Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt.
Đối với các dự án đầu tư vào TP. Buôn Ma Thuột thuộc các lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến nông sản; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, y tế, giáo dục và đào tạo, sản xuất sản phẩm tiết kiệm năng lượng tái tạo, đầu tư kinh doanh trung tâm logistics được áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Là doanh nghiệp được hưởng ưu đãi trong lĩnh vực sản xuất, bảo quản, chế biến cà phê trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, ông Lê Văn Vương - Giám đốc Công ty cà phê Vương Thành Công cho biết, chính sách ưu đãi thuế đặc biệt mà công ty đang được hưởng là một đòn bẩy mạnh mẽ cho toàn bộ hoạt động kinh doanh. Đồng thời là nguồn lực lớn giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí. Điều này không chỉ hỗ trợ để công ty ổn định tài chính sau dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế cho công ty mà còn tạo thêm tài chính tái đầu tư vào công nghệ hiện đại, cải tiến quy trình sản xuất, mẫu mã sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.
“Những ưu đãi này tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích sự đổi mới và sáng tạo, giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước. Việc này cũng góp phần nâng cao vị thế cạnh tranh của cà phê Buôn Ma Thuột trên bản đồ cà phê thế giới. Đồng thời, hiện thực hóa khát vọng để Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới. Việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương sẽ là bước đi chiến lược giúp đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của ngành cà phê, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và nâng cao đời sống của người dân”, ông Lê Văn Vương cho biết thêm.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách ưu đãi, thành phố cũng luôn quan tâm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện thủ tục đầu tư, triển khai dự án và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố.
Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng nhấn mạnh, một trong những nội dung trọng tâm trong thời gian tới là tập trung triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách đặc thù Nghị quyết số 72/2022/QH15 của Quốc hội, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội; thu hút nhà đầu tư ở các lĩnh vực chế biến nông sản, nhất là cà phê để phát triển chế biến sâu, nâng cao giá trị nông sản, tạo nên giá trị gia tăng cho các loại nông sản của thành phố, của tỉnh Đắk Lắk và cả khu vực Tây Nguyên; tạo động lực mạnh mẽ để phát triển Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với tiêu chí đã đề ra.