Công tác ngành tòa án, viện kiểm sát nhiệm kỳ 2016 - 2021

Bước tiến mới về công khai, minh bạch

- Thứ Bảy, 26/12/2020, 06:43 - Chia sẻ
Đây là ghi nhận và đánh giá chung của các thành viên Ủy ban Tư pháp về kết quả công tác của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Tòa án nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 vừa qua. Các đại biểu cho rằng, mặc dù trong nhiệm kỳ này, yêu cầu, nhiệm vụ và áp lực rất lớn nhưng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp, Tòa án nhân dân các cấp đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra.

Khắc phục cơ bản những tồn tại của nhiệm kỳ trước

Báo cáo tổng kết công tác của Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, trong nhiệm kỳ Khóa XIV, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết, trong đó đề ra các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu cụ thể. Điều này đòi hỏi hệ thống Tòa án phải nỗ lực phấn đấu, chủ động nắm bắt tình hình và tổ chức thực hiện quyết liệt nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống tư pháp. Về đổi mới tổ chức phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp, Tòa án Nhân dân đã chỉ đạo đổi mới phiên tòa theo hướng thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng; bảo đảm cho các bên đương sự thực hiện đúng và đầy đủ quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ tố tụng.

ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đánh giá kết quả công tác của ngành tòa án, kiểm sát tại Phiên họp toàn thể lần thứ 16 của Ủy ban Tư pháp
Ảnh: Hồ Long

Hội đồng xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; tổ chức tập huấn chuyên sâu về kỹ năng điều hành tranh tụng tại phiên tòa; ban hành thông tư quy định về phòng xử án và quy chế tổ chức phiên tòa, bố trí lại vị trí ngồi của những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng. Hàng năm, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ban hành các chỉ thị yêu cầu đổi mới phiên tòa theo yêu cầu mới; xây dựng tiêu chí, yêu cầu cụ thể của phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp; quy định về tổ chức phòng xét xử thân thiện khi xét xử các vụ việc gia đình và người chưa thành niên; bố trí kinh phí để trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các phòng xét xử. 

Báo cáo tổng kết công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao nêu rõ, trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành kiểm sát xác định chống oan, sai và chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt và trọng tâm nhất của các đơn vị nghiệp vụ. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã yêu cầu kiểm sát viên phải nắm chắc, thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các biện pháp nghiệp vụ, nhất là những quy định về trách nhiệm của kiểm sát viên theo quy định mới của Bộ luật Tố tụng hình sự và phòng, chống oan, sai; kiểm sát chặt chẽ căn cứ áp dụng các biện pháp ngăn chặn; tích cực tham gia hỏi cung và tiến hành phúc cung bị can trước khi quyết định phê chuẩn, truy tố; chủ động tiến hành các hoạt động điều tra; kiên quyết và kịp thời ban hành kháng nghị, kiến nghị yêu cầu khắc phục…

Với nhiều biện pháp triển khai đồng bộ nhằm thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao, khắc phục cơ bản những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ trước. Chất lượng giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên, hạn chế các trường hợp oan sai, bỏ lọt tội phạm; xử lý kịp thời, nghiêm minh, bảo đảm yêu cầu chính trị, yêu cầu pháp luật đối với các vụ án về tham nhũng, kinh tế lớn…

Ghi nhận những kết quả nổi bật của Viện Kiểm sát nhân dân các cấp và Tòa án nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ này, ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) nhấn mạnh một trong những điểm sáng về cải cách tư pháp của nhiệm kỳ này chính là tính công khai, minh bạch trong các hoạt động công tố, kiểm sát, truy tố, xét xử... Minh chứng là, hiện nay, các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án đã được công khai trên cổng thông tin điện tử, mọi người có thể truy cập, theo dõi. Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho phép trong các phiên họp, phiên xét xử thì truyền hình, báo chí đưa tin; việc xét xử cũng được tiến hành công khai.

Một bước tiến nữa trong công tác tư pháp là chất lượng truy tố, xét xử ngày càng tăng. Tính tranh luận trong tố tụng cũng ngày càng được phát huy. “Tại các phiên tòa xét xử những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, chúng ta thấy tranh luận giữa luật sư và công tố viên, có những phiên tòa thậm chí tranh luận không giới hạn, công tố viên phải đối đáp thường xuyên và hết sức công khai, minh bạch. Đây là điểm mới, bước tiến mới trong nhiệm kỳ”. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Nguyễn Thái Học cũng ghi nhận, các ngành kiểm sát và tòa án đã chú trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý các cán bộ vi phạm. Việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, theo đại biểu, đã tác động mạnh, tạo chuyển biến trong nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tư pháp.

Siết chặt kỷ cương, kỷ luật công chức ngành tòa án

Tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù số lượng các vụ việc mà Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và giải quyết rất lớn, tiếp tục có xu hướng gia tăng, tính chất các vụ việc ngày càng phức tạp nhưng chất lượng giải quyết, xét xử tăng lên qua từng năm, khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong những năm trước. Điều này có thể thấy qua tỷ lệ các loại án bị hủy, sửa đã giảm dần qua các năm gần đây. Tuy nhiên, qua theo dõi phản hồi của dư luận xã hội, ĐBQH Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết, người dân cũng vẫn còn hoài nghi về tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng. Các báo cáo công tác của ngành tòa án, kiểm sát đều khẳng định, nhiệm kỳ vừa qua các cơ quan tư pháp đã rất chú trọng thực hiện quy trình tố tụng, thủ tục tố tụng tại tòa nhưng thực ra cũng còn khá lâu nữa mới đi đến việc nghe hết ý kiến của các bên, đặc biệt là phía luật sư. Nêu lên vấn đề này, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, phải làm sao để tìm công lý, tìm sự công bằng thông qua tranh luận tại phiên tòa, tức là phải thực hiện các bước tố tụng cho tốt.

Chất lượng thẩm phán tốt thì nền tư pháp mới thuyết phục được nhân dân. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Vũ Trọng Kim đặt câu hỏi, ngành tòa án có bao nhiêu thẩm phán bị tố cáo trong nhiệm kỳ vừa qua?

Trả lời câu hỏi này, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du cho biết, trong ba năm gần đây, từ năm 2018 - 2020, Tòa án Nhân dân tối cao đã thụ lý 45 đơn tố cáo đối với thẩm phán, công chức tòa án vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống. Đến nay đã giải quyết dứt điểm 20 đơn, số đơn còn lại đã được chuyển sang cơ quan điều tra. Đối với đơn tố cáo hành vi của thẩm phán, thư ký tòa án trong hoạt động tố tụng, Tòa án đã nhận được 380 đơn và giải quyết được 325 đơn. Phó Chánh án Nguyễn Văn Du cho rằng, để nâng cao chất lượng thẩm phán, xem xét tư cách phẩm chất đạo đức của thẩm phán, Tòa án Nhân dân tối cao đã ban hành rất nhiều quy định và đã gửi đến các Đoàn ĐBQH để giám sát tại địa phương; đồng thời, xử lý nghiêm những thẩm phán vi phạm. Kể cả khi không phát hiện ra vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống nhưng một khi thẩm phán bị án hủy, sửa thì cũng không được tái bổ nhiệm làm thẩm phán. Ngành tòa án cũng tăng cường các chỉ thị siết chặt kỷ cương, kỷ luật; đồng thời đưa ra các bộ quy tắc đạo đức ứng xử "gối đầu giường" cho các thẩm phán để thường xuyên nhắc nhở. “Chúng tôi đã làm rất quyết liệt việc siết chặt kỷ cương, kỷ luật đối với công chức ngành tòa án”, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao khẳng định. 

Nhật An