Bước tiến mới trong phòng, chống bạo lực gia đình
Từ ngày 10/7, Nghị định số 110/2025/NĐ-CP Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có hiệu lực, đánh dấu bước chuyển từ tư duy xử lý vụ việc sang quản trị dữ liệu, giúp nâng tầm công tác bảo vệ con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bằng giải pháp công nghệ hiện đại, liên thông và toàn diện.
Nền tảng số cho một xã hội an toàn, nhân ái
Nghị định số 110/2025/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 21/5/2025 quy định chi tiết việc xây dựng, quản lý và khai thác Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình, nhằm thực hiện Điều 43 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.
Theo quy định, Cơ sở dữ liệu này là tập hợp thông tin về nội dung quản lý nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình quy định tại Điều 46 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Trong đó có thông tin về ban hành và thực thi chính sách, công tác truyền thông, tình hình vi phạm pháp luật, vụ việc cụ thể, kết quả hòa giải, thông tin về người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực…
Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được triển khai thống nhất trên toàn quốc thông qua phần mềm quản lý dùng chung, kết nối đa ngành và chia sẻ hiệu quả cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Nghị định đặt ra 4 mục tiêu rõ ràng cho việc xây dựng và khai thác Cơ sở dữ liệu này. Thứ nhất, phục vụ công tác quản lý nhà nước và hoạch định chính sách phòng, chống bạo lực gia đình. Thứ hai, cung cấp thông tin kịp thời để bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân, ngăn ngừa các hành vi bạo lực, xử lý vi phạm pháp luật.

Thứ ba, rút ngắn thời gian và giảm nguồn lực thực hiện quy trình thu thập, báo cáo thông tin, dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình; qua đó, kịp thời cung cấp thông tin, bằng chứng phục vụ nhu cầu quản lý, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả chính sách. Cuối cùng là đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc thu thập, tạo lập, cập nhật, kết nối, chia sẻ, quản lý, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu này; cung cấp dịch vụ công trực tuyến về phòng, chống bạo lực gia đình; và phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân…
Cũng tại Nghị định này, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng, quản lý, vận hành phần mềm quản lý Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình dùng chung bảo đảm hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt.
Cơ sở dữ liệu - “bộ não trung tâm” của hệ thống bảo vệ con người
Bạo lực gia đình là một trong những vấn nạn xã hội nghiêm trọng nhưng lại tồn tại âm thầm, khó phát hiện và xử lý triệt để. Thực tế lâu nay cho thấy, nhiều địa phương còn thiếu công cụ, thiếu dữ liệu và chưa có cách quản lý thông tin khoa học, dẫn đến tình trạng xử lý manh mún, rời rạc, thiếu căn cứ.
Trong bối cảnh đó, việc xây dựng một Cơ sở dữ liệu tập trung là bước đi tất yếu. Nó không chỉ khắc phục sự thiếu hụt thông tin, mà còn đóng vai trò như một “hệ thống thần kinh trung ương”, giúp theo dõi, giám sát, cảnh báo và xử lý các vụ việc bạo lực gia đình một cách chủ động, hiệu quả hơn.
Cơ sở dữ liệu sẽ giúp phân tích xu hướng, xác định nguyên nhân bạo lực theo vùng miền, độ tuổi, đối tượng… để từ đó hoạch định các chính sách phòng ngừa phù hợp. Đồng thời, tạo điều kiện cho các cơ quan như công an, y tế, tư pháp, hội phụ nữ… phối hợp chia sẻ dữ liệu nhanh chóng, tránh chồng chéo và bỏ sót thông tin. Đặc biệt, hệ thống còn hỗ trợ theo dõi tiến trình phục hồi tâm lý của nạn nhân, quản lý hồ sơ hỗ trợ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ bảo vệ và tái hòa nhập cộng đồng.
Việc triển khai Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình cũng thể hiện rõ cam kết của Việt Nam đối với các công ước và mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu, như Công ước CEDAW về xóa bỏ phân biệt đối xử với phụ nữ hay Mục tiêu SDG 5.2 về xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Cơ sở dữ liệu về phòng, chống bạo lực gia đình không chỉ là một công cụ quản lý hiện đại, mà còn là biểu hiện sinh động của một nhà nước pháp quyền đặt con người vào trung tâm, nơi mọi hành vi bạo lực đều được nhận diện, ghi nhận, ngăn chặn và xử lý minh bạch, công bằng. Để Cơ sở dữ liệu này phát huy hiệu quả thực chất, cần đầu tư đồng bộ về công nghệ, nhân lực và đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và toàn xã hội.