Bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Ba Lan
Hoài nghi và xung đột là tất cả những dấu ấn về Chính phủ cũ của Ba Lan. Với nhà lãnh đạo mới Donald Tusk - chính trị gia ôn hòa và khéo léo, Chính phủ hiện nay đang điều chỉnh chính sách đối ngoại theo hướng tích cực.

Ngoài một Thủ tướng mới ủng hộ đường lối tự do, mở cửa, thân châu Âu, Nội các mới của Ba Lan có hai nhân vật được đánh giá là tài năng và có mối quan hệ rộng với bên ngoài. Đó là Bộ trưởng Tài chính Jacek Rostowski, tốt nghiệp trường kinh tế học London và Bộ trưởng Ngoại giao Radek Sikorski, tốt nghiệp Đại học Oxford, từng là Bộ trưởng Quốc phòng dưới thời Thủ tướng Kaczynski. Những nhân tố quan trọng và cấp tiến này đã thổi luồng gió mới vào chính sách đối ngoại của Ba Lan.
Thay đổi rõ rệt nhất trong chính sách đối ngoại Ba Lan là những nỗ lực phá băng trong quan hệ với Đức - nước đã thúc đẩy việc mở rộng cánh cửa cho Ba Lan gia nhập Liên minh châu Âu và có khả năng trở thành đồng minh thân thiết nhất của Ba Lan. Có những điều dường như trước đây là không thể đã xảy ra: Thủ tướng Ba Lan đã có cuộc điện đàm thân mật với thủ tướng Đức Angela Merkel. Trong cuộc gặp gần đây nhất, hai Thủ tướng đã hóa giải nhiều căng thẳng trong quan hệ hai nước phát sinh dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm Jaroslaw Kaczynski, trong đó có kế hoạch xây dựng đường ống dẫn dầu dưới biển Baltic, nối trực tiếp từ Nga tới Đức mà không qua Ba Lan. Warsaw và các nước vùng Baltic khác phản đối dự án vì cho rằng nó không chỉ đe dọa an ninh năng lượng mà còn là nguy cơ đối với môi trường sinh thái của các nước này. Tuy nhiên, trong chuyến công du Đức vừa qua, hai bên đã nhất trí đàm phán trên tinh thần xây dựng để giải quyết bất đồng. Chính phủ Ba Lan cũng đã lập kế hoạch xây dựng một đường ống dẫn dầu riêng từ Na Uy đến Đan Mạch. Đức có thể sẽ ủng hộ kế hoạch này và nhắc lại việc Đức muốn Ba Lan cùng tham gia, hợp tác xây dựng đường ống dẫn dầu Nga – Đức nói trên.
Một trong những bất đồng khác giữa Đức và Ba Lan là việc Thủ tướng Angela Merkel ủng hộ kế hoạch xây dựng đài tưởng niệm cho hơn 12 triệu người Đức bị trục xuất khỏi Ba Lan vào giai đoạn cuối của chiến tranh thế giới lần thứ 2. Về vấn đề này, ông Donald Tusk kêu gọi Đức từ bỏ hoàn toàn dự án Berlin và gợi ý xây dựng một viện bảo tàng lớn ở Gdansk miền Bắc Ba Lan - nơi nổ ra xung đột đầu tiên giữa hai nước trong cuộc chiến tranh thế giới thứ 2. Bảo tàng này sẽ trưng bày những hiện vật liên quan đến cuộc chiến và những người Đức bị trục xuất cũng sẽ được tưởng niệm tại đây. Gợi ý của Thủ tướng Ba Lan nhận được sự ủng hộ của đồng nhiệm người Đức và các quan chức EU khác.
Chính sách đối ngoại Ba Lan đối với Nga cũng có những thay đổi mang tính bước ngoặt. Nếu hai hội nghị Thượng định Nga-EU vừa qua đều bị phủ bóng đen bởi quan hệ căng thẳng giữa Nga với Ba Lan, thì ngay sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Donald Tusk đã đặt ưu tiên cải thiện quan hệ với Moscow. Trong chuyến thăm Nga mới đây, Ngoại trưởng Ba Lan Sikorski tuyên bố nước này sẽ không phủ quyết việc mở đàm phán về Hiệp ước Hợp tác và Đối tác Nga-EU, vấn đề vốn được Chính phủ tiền nhiệm sử dụng như một công cụ để gây khó khăn với Nga, đẩy EU vào tình thế khó xử. Đáp lại thiện chí của Warsaw, Moscow cũng tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt từ Ba Lan, vốn áp dụng từ năm 2005. Hai bên cũng nhất trí phục hồi Ủy ban Giải quyết các vấn đề khó khăn. Những thay đổi trong chính sách đối ngoại của Ba Lan đối với Moscow diễn ra vào đúng thời điểm Nga chuẩn bị tiến hành bầu cử. Phải chăng Ba Lan đã nhận thấy những sự vận động trên chính trường của các nước và muốn tận dụng điều này như một cơ hội nhằm đưa Ba Lan trở lại bên cạnh EU và Nga.
Những thay đổi trong chính sách đối ngoại Ba Lan theo hướng rộng mở và thân thiện có vẻ là sự thay đổi hợp lý trong hoàn cảnh các nước láng giềng cũng đang ủng hộ cơ chế ngoại giao mang tính xây dựng còn Ba Lan thì đang cần phải giải quyết những thách thức không nhỏ về kinh tế và rất cần nguồn lực từ bên ngoài. Tuy nhiên, mở rộng thế nào, với ai và thân thiện đến mức độ nào cũng là vấn đề cần phải cân nhắc. Trong những lựa chọn đối tác, Ba Lan có thể nghĩ tới một nước láng giềng lớn khác là Thụy Điển. Ngoại trưởng nước này hiện cũng đang tìm kiếm những đồng minh nặng ký. Và Ba Lan, thành viên lớn nhất mới gia nhập Liên minh châu Âu có thể chứng minh được mình là một đồng minh “có giá” và đáng tin cậy.
Thực tế đã cho thấy, nhận thức của lãnh đạo chính là một trong những nhân tố quan trọng trong tiến trình hoạch định chính sách đối ngoại của một quốc gia. Nếu chính sách đối ngoại một nước được hoạch định dựa trên các yếu tố đầu vào là tình hình thế giới, tình hình cụ thể trong nước, thì nhận thức của lãnh đạo chính là một chiếc “phễu lọc” để cho sản phẩm đầu ra là chính sách đối ngoại của quốc gia đó. Mỗi nước đều cần những chiếc “phễu lọc” tinh tế và nhạy bén.
Hà An