Bước ngoặt kịch tính

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:39 - Chia sẻ
Câu chuyện Brexit kéo dài ba năm của Anh vừa có một bước ngoặt kịch tính nhưng vẫn còn rất khó để dự đoán kết cục của nó.

Trì hoãn kỹ thuật?

Trong cuộc bỏ phiếu mang tính bước ngoặt mới đây, các nghị sĩ Anh cuối cùng đã ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” với EU, mặc dù sau đó họ vẫn cương quyết từ chối thời gian biểu vội vã của Thủ tướng Boris Johnson muốn biến nó thành luật trước thời hạn 31.10. Quyết định này đã khiến Brexit gần như không thể đáp ứng được mốc trên. Tuy nhiên, thỏa thuận đã không bị “giết chết” và lần đầu tiên chiếm được đa số để vượt qua ải Quốc hội.

Với diễn biến mới nhất, kịch bản Brexit có thể xảy ra một số viễn cảnh. Trước hết, nhiều người cho đây là việc trì hoãn mang tính kỹ thuật. Theo đạo luật tháng trước mà Quốc hội đã thông qua, nếu các nghị sĩ không ủng hộ thỏa thuận “ly hôn” vào 19.10, ông Johnson buộc phải viết một lá thư gửi tới các nhà lãnh đạo EU để xin trì hoãn Brexit thêm 3 tháng, đến 31.1.2020. Như vậy, khi Quốc hội bác thỏa thuận trên vào thứ Bảy tuần trước, Thủ tướng Anh đã phải miễn cưỡng gửi bức thư trên và các nhà lãnh đạo EU vẫn đang xem xét phải phản ứng như thế nào. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk vừa khuyến nghị EU chấp nhập yêu cầu của Anh sau những kịch tính xảy ra ở Westminster.

Thủ tướng Johnson đã tuyên bố với các nhà lập pháp rằng, ông sẽ “tạm dừng” quá trình phê chuẩn thỏa thuận trong khi chờ EU quyết định gia hạn. Mặc dù luôn khẳng định nước Anh nên rời đi đúng thời hạn 31.10, nhưng ông hầu như không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chấp nhập sự chậm trễ “kỹ thuật” ngắn để cho phép Quốc hội có thêm thời gian tranh luận văn kiện dài tới 110 trang cũng như hoàn thiện quy trình luật trong vài tuần tới.

Điều này có thể dẫn đến viễn cảnh trì hoãn Brexit diễn ra lâu hơn. Mặc dù ông Johnson không mong muốn trì hoãn tới mấy tháng nhưng phía EU nhiều khả năng sẽ đồng ý cho Anh cơ hội kéo dài hơn thời hạn ra đi, để đủ thời gian cần thiết giải quyết vấn đề. Theo thông lệ, quy trình lập pháp liên quan đến vấn đề trên sẽ mất vài tháng. Thỏa thuận “ly hôn” vừa được các nghị sĩ nhất trí sơ bộ sẽ phải được Hạ viện thông qua lần nữa cũng như nhận được cái “gật đầu” của Thượng viện. Sự kiện này sẽ làm nảy sinh khả năng là, các nghị sĩ có thể sẽ tác động đến việc thông qua bằng cách thêm vào nhiều sửa đổi như đàm phán về liên minh hải quan tương lai hoặc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý mới. Thậm chí, nhiều người còn nhận định, sự chậm trễ lâu hơn còn có thể dẫn đến một cuộc tổng tuyển cử.

Viễn cảnh tiếp theo mà nước Anh có thể đối mặt là một Brexit không thỏa thuận. Hiện nay, về mặt pháp lý, xứ sở sương mù mặc định sẽ rời EU vào ngày 31.10 trừ khi 27 quốc gia thành viên khác đồng ý trì hoãn. Các doanh nghiệp và thị trường trên khắp châu Âu đang lo ngại, một Brexit diễn ra bất ngờ có thể gây cú sốc lớn đối với kinh tế của cả Anh lẫn EU. Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã tuyên bố sẽ không bao giờ gây ra Brexit không thỏa thuận nhưng nếu quyết định trì hoãn của họ mà đưa ra chậm trễ hoặc chỉ cần một trong số 27 thành viên phản đối, xứ sở sương mù sẽ buộc phải rời khối vào tuần sau. Tất nhiên, viễn cảnh đó dường như rất khó xảy ra.

Bầu cử sớm và trưng cầu dân ý lần 2?

Viễn cảnh thứ 4 mà mọi người có thể nghĩ đến là một cuộc tổng tuyển cử mới. Ngay trước cuộc bỏ phiếu vừa diễn ra hôm thứ Ba, Thủ tướng Johnson đã cảnh báo sẽ rút thỏa thuận Brexit và cố gắng tổ chức một bầu cử mới nếu các nghị sĩ từ chối thời gian biểu thông qua nhanh thỏa thuận trước 31.10 của ông. Tuy nhiên, sau đó, ông đã không lặp lại đe dọa này.

Thủ tướng Anh đã hai lần thất bại trong nỗ lực tổ chức bầu cử sớm để giành lại thế đa số tại Quốc hội. Và mặc dù đang có chút phấn khích khi nhận được sự ủng hộ ban đầu của các nghị sĩ đối với thỏa thuận Brexit mới nhất, ông Johnson vẫn phải cần sự hậu thuẫn của Công đảng đối lập để kêu gọi bầu cử. Tuy nhiên, cho tới nay đảng này luôn từ chối và kiên định quan điểm rằng chỉ chấp nhận tổ chức bầu cử khi mối đe dọa về một Brexit cứng bị loại bỏ.

Ngoài viễn cảnh tổ chức bầu cử, một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai cũng nằm trong suy đoán của nhiều người. Công đảng từng tuyên bố, bất kỳ thỏa thuận nào cũng phải tuân theo một cuộc trưng cầu dân ý mới, và họ cam kết sẽ kêu gọi một cuộc trưng cầu mới nếu được lên cầm quyền. Chưa hết, nhiều nhà bình luận còn nhận định, một số nghị sĩ có thể đưa vấn đề này vào quá trình thông qua luật về thỏa thuận Brexit, cho dù khả năng trên cũng không rõ ràng. 

Ngọc Minh