Bước ngoặt hoàn thiện thể chế

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:09 - Chia sẻ
ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng)

Chủ đề xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đã được Đảng ta xác định trong Văn kiện qua nhiều kỳ Đại hội. Trong đó, Đại hội XII của Đảng coi đây là nhiệm vụ hết sức trọng tâm trong quá trình đổi mới hệ thống chính trị; xác định và thực hiện cơ chế phân công, phối hợp thực thi quyền lực nhà nước, nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước và hoàn thiện tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Tinh thần này đã được thực hiện thông qua công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thời gian qua.

Lần này, dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XIII xác định: Tiếp tục xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động. Đây là bước phát triển mới kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt trong công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế. Để nội dung này thực sự đi vào cuộc sống, dự thảo Văn kiện trình Đại hội cần quan tâm 6 yêu cầu lớn:

Thứ nhất, phải làm rõ những vấn đề cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hoàn thiện thể chế nhằm cụ thể hóa đầy đủ nội dung, tinh thần của Hiến pháp năm 2013 gắn với việc xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật; tăng cường chỉ đạo, định hướng trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là việc xây dựng, ban hành một số luật, pháp lệnh quan trọng trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Cùng với đó phải tăng cường vai trò của các cấp ủy, tổ chức Đảng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ nhân dân đối với Hiến pháp và pháp luật. Bổ sung hoạt động giám sát, kiểm tra các cấp ủy Đảng trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương định hướng tại các văn bản của Đảng về triển khai thi hành Hiến pháp trong công tác xây dựng, hoàn thiện và tổ chức về thi hành pháp luật, đặc biệt là các chủ trương, định hướng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, cải cách tư pháp, cải cách hành chính, tinh gọn bộ máy nhà nước, bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ hai, đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật. Lâu nay chúng ta không băn khoăn nhiều về việc thiếu cơ chế pháp luật, hành lang pháp lý. Tuy nhiên, tính thực thi pháp luật là vấn đề hết sức trăn trở trong quá trình quản lý, điều hành của các cấp ủy Đảng và các ngành, các cấp. Phải xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, chi phí tuân thủ thấp. Tiếp tục tăng cường công tác rà soát luật, pháp lệnh và văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, phát hiện kịp thời vướng mắc, khó khăn, hạn chế trong các đạo luật, nhất là các nội dung chưa thực sự phù hợp với Hiến pháp. Tập trung nguồn lực để nhanh chóng xây dựng và ban hành các dự án luật, pháp lệnh nhằm triển khai thi hành Hiến pháp được xây dựng trong danh mục xây dựng, hoàn thiện các dự án cần sửa đổi, bổ sung, ban hành mới đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh một cách nghiêm chỉnh.

Thứ ba, tiếp tục xem xét, ban hành các dự án luật trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, trong đó ưu tiên các dự án luật, cụ thể hóa và trực tiếp các quy định của Hiến pháp về quyền con người, bảo đảm cụ thể hóa đầy đủ các nội dung về phân cấp, phân quyền trong các đạo luật theo tinh thần của Hiến pháp và các nguyên tắc phân cấp, phân quyền đã được quy định tại Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Quốc hội cần sớm chỉ đạo việc đề xuất, xây dựng văn bản ở tầm luật để điều chỉnh đầy đủ, thống nhất về công tác tổ chức thi hành pháp luật, tạo sự chuyển biến trong thực tiễn, gắn kết chặt chẽ công tác xây dựng, hoàn chỉnh pháp luật với công tác thi hành làm cho pháp luật đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả.

Thứ tư, phải nâng cao hơn nữa năng lực tổ chức thực hiện hệ thống pháp luật và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung xây dựng nền hành chính nhà nước trong sạch, vững mạnh, bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả. Mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm nguyên tắc pháp quyền xã hội chủ nghĩa thông qua việc thống nhất nguyên tắc áp dụng pháp luật để kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong thực tiễn, đặc biệt là trong quản lý, điều hành, hạn chế những bất cập như trong thời gian qua.

Thứ năm, tăng cường đổi mới hoạt động giám sát đối với hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp và luật, nhất là giám sát theo chuyên đề đối với các lĩnh vực có nhiều vướng mắc trong thể chế cũng như trong tổ chức thi hành pháp luật để kịp thời phát hiện và ngăn ngừa, loại trừ những quy định không phù hợp với nội dung và tinh thần Hiến pháp, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đặc biệt là giữa hệ thống hành pháp và tư pháp. 

Cuối cùng, phải từng bước hoàn chỉnh các thiết chế tư pháp hiện đại, trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ được hoạt động bình thường của các cơ quan tư pháp và có tính chất kiểm soát quyền lực giữa cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp một cách công khai, minh bạch.