Bước ngoặt cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Bình Phước
Việc thông qua Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND được kỳ vọng tạo bước ngoặt lớn, rất tích cực cho công tác dân tộc và chính sách dân tộc trong giai đoạn 2021 - 2030 tại Bình Phước.
Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Phước.
Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số vẫn cao
Là tỉnh miền núi thuộc khu vực miền Đông Nam Bộ, Bình Phước có khoảng 40 dân tộc thiểu số, với 193.860 nhân khẩu, chiếm 20,14% dân số toàn tỉnh. Đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu làm nghề nông nghiệp, sinh sống phân tán, đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung ở địa bàn 15 xã biên giới, thuộc các huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ cho người dân vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện và nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay, cơ bản các ấp, xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư về cơ sở hạ tầng để phấn đấu thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống đường giao thông được quan tâm đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển nông sản. Hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu về tưới tiêu trong sản xuất. Số hộ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 98%; 99,2% số hộ có điện lưới và các nguồn điện khác…
Tuy vậy thực tế cũng cho thấy, đời sống kinh tế của một bộ phận người dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chiếm 59,2% tổng số hộ nghèo của tỉnh. Trong khi đó, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, vẫn gặp nhiều khó khăn: cơ chế về lồng ghép, cơ chế huy động vốn, nội dung hỗ trợ, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất… chưa rõ, cần có hướng dẫn cụ thể; Việc bố trí các nguồn vốn cũng chưa bảo đảm tính đồng bộ...
Kỳ vọng về chính sách

Có thể nói Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tôc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là một chương trình có tính đặc thù không chỉ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn tích hợp hàng trăm chính sách dân tộc; bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, thay cho những nội dung trùng lặp, chồng chéo giữa Chương trình mục tiêu quốc gia này với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và 21 Chương trình mục tiêu đang thực hiện. Tuy vậy, nếu các địa phương không có chính sách kịp thời, đầu tư bài bản thì dần dần người nghèo cơ bản chỉ còn là người dân tộc thiểu số.
Nhận thức rõ điều đó, đồng thời để thúc đẩy sự phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số, HĐND tỉnh Bình Phước đã ban hành Nghị quyết số 15/2022/NQ-HĐND quy định rõ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình áp dụng cho các năm ngân sách giai đoạn 2022 - 2025.
Nghị quyết cũng quy định việc phân bổ vốn phải tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư công, ngân sách nhà nước và các quy định liên quan; Bảo đảm công khai, minh bạch, quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các sở, ngành và các địa phương, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, trọng tâm là vùng khó khăn.
Cùng với đó, để góp phần thực hiện Chương trình, tại Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 tỉnh cũng đã thông qua Nghị quyết Kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, kế hoạch phân bổ vốn đầu tư phát triển Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Bình Phước được phân bổ 873.410 triệu đồng, trong đó vốn trung ương là 793.410 triệu đồng, vốn ngân sách tỉnh là 80.000 triệu đồng (riêng năm 2022, là 156.060 triệu đồng) thực hiện các dự án của Chương trình, như: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Đổi mới hoạt động, củng cố phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, trường phổ thông có học sinh ở bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lý Trọng Nhân cho biết: Đây là chương trình rất lớn, lần đầu tiên Đảng, Nhà nước dành nguồn lực và sự quan tâm đặc biệt, kế thừa sự phát triển chính sách dân tộc trong giai đoạn trước đây để xây dựng một Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Sau khi Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ký ban hành Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỉ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc tỉnh chủ trì, phối hợp cùng các sở, ban ngành có liên quan và các địa phương tích cực, nhanh chóng tham mưu UBND tỉnh tổ chức thực hiện các quy định, yêu cầu đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện.
Như vậy có thể thấy, Nghị quyết số 15 và Kế hoạch điều chỉnh vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 của HĐND tỉnh được ban hành đã thu gọn đầu mối quản lý, phân công nhiệm vụ rõ ràng; phát huy vai trò, chức năng của cơ quan công tác dân tộc; bảo đảm và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư; ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho địa bàn đặc biệt khó khăn, nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tin rằng, trong tương lai không xa, các chính sách này sẽ đưa mức sống của đồng bào dân tộc tỉnh Bình Phước lên một tầm cao mới, giảm thiểu đáng kể số hộ nghèo theo mục tiêu, kế hoạch hàng năm.
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 1 (2021-2025), Bình Phước có 10 dự án thành phần, trong đó, có 12 tiểu dự án và 33 nội dung, nhiệm vụ.