Bước ngoặt cho tranh chấp 16 năm

- Thứ Năm, 15/10/2020, 07:00 - Chia sẻ
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Mỹ đang tới rất gần, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vừa ra phán quyết có nguy cơ làm leo thang căng thẳng thương mại giữa hai bờ Đại Tây dương. Theo đó, WTO cho phép EU đánh thuế lên 4 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ vì trợ giá cho Boeing. Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi kéo dài 16 năm qua giữa hai nền kinh tế lớn của thế giới liên quan đến vấn đề trợ giá cho các hãng hàng không.

Ăn miếng, trả miếng

Phán quyết thuế của WTO nhằm giúp EU và Mỹ thu lại khoản lỗ mà cả hai đã gánh chịu vì chính sách thương mại của đôi bên. Nó xuất phát từ tranh chấp thương mại năm 2004 giữa Mỹ và châu Âu mà nguyên nhân bắt đầu từ việc EU trợ giá cho hãng hàng không Airbus. Vào thời điểm đó, Mỹ và hãng máy bay Boeing của nước này cáo buộc một số quốc gia châu Âu vi phạm các thỏa thuận thương mại bằng cách cung cấp cho Airbus nhiều khoản vay dưới giá thị trường.

Nguồn: ITN

Họ lập luận, “viện trợ” đó đã giúp Airbus phát triển và sản xuất một số loại máy bay, cho phép hãng này có vị trí ngang hàng với Boeing trên thị trường máy bay toàn cầu mặc dù chỉ có chưa đến 25% thị trường vào năm 1990. Năm ngoái, WTO đứng về phía Mỹ, cho phép áp thuế hàng năm lên tới 7,5 tỷ USD đối với hàng nhập khẩu của châu Âu, bao gồm phô mai, rượu vang và dầu oliu để đáp trả việc trợ giá cho Airbus. Đây là số tiền lớn nhất được WTO cho phép trừng phạt từ trước đến nay, bởi khoản viện trợ của EU dành cho Airbus bị coi là không phù hợp theo quy định thương mại quốc tế. Bản thân Airbus phải chịu mức thuế tăng từ 10 lên 15%.

Ở chiều ngược lại, từ năm 2005, châu Âu đã phản đối những buộc tội của Mỹ bằng một khiếu nại chính thức, cáo buộc đất nước cờ hoa cung cấp các khoản trợ cấp bất hợp pháp tương tự cho Boeing. Tháng 4.2019, WTO cũng ra phán quyết rằng các khoản trợ cấp đó của Mỹ vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng không cho biết mức độ trợ cấp là bao nhiêu. Tuy nhiên, WTO cho biết, từ năm 2006 - 2040, Boeing dự kiến được hưởng lợi từ việc giảm thuế lên tới 6 tỷ USD.

Và theo phán quyết mới đây của WTO, danh sách sơ bộ các loại hàng hóa Mỹ từ nay có thể chịu thuế của châu Âu bao gồm cá đông lạnh, trái cây họ cam quýt, rau, thuốc lá, sản phẩm thuộc da, rượu và máy bay. Tuy vậy, EU sẽ không thể áp thuế lên hàng hóa Mỹ ngay lập tức mà cần phải có sự cho phép của WTO. Bên cạnh đó, EU vẫn có thể thỏa thuận hòa giải với Mỹ nhằm tránh khoản thuế mới.

Mở ra con đường đàm phán mới

Thực tế, cho đến nay hai bên vẫn mong muốn thương lượng về vấn đề này. Giới phân tích cũng nhận định, quyết định mới của WTO có thể tạo tiền đề và mở ra các cuộc đàm phán thuế quan giữa EU và Mỹ. Ngay sau thông báo của WTO, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu phụ trách thương mại Valdis Dombrovskis đã kêu gọi Mỹ “đình chiến”. Bản thân châu Âu trước đó đã kêu gọi Mỹ bỏ các khoản thuế áp lên hàng hóa của khối liên minh lá cờ xanh. Ông phát biểu rằng, “ưu tiên sự dàn xếp qua đàm phán với Mỹ hơn, tránh các biện pháp đáp trả nguy hại”. Dù vậy, một số thành viên EU vẫn kêu gọi áp thuế lên hàng hóa Mỹ ngay lập tức nếu Washington không rút lại các khoản thuế trả đũa.

Bộ trưởng Tài chính Bỉ Bruno Le Maire và Bộ trưởng Thương mại Franck Riester của Pháp ra tuyên bố: “Việc thiếu một giải pháp đàm phán và cho đến khi các biện pháp trả đũa vô lý vẫn còn đó, EU nên thực hiện quyền trừng phạt của mình”. Hay bản thân ông Dombrovskis, mặc dù ưu tiên giải quyết thông qua thương lượng, nhưng vẫn khẳng định EU sẽ “buộc phải bảo vệ lợi ích của mình và đáp trả một cách tương xứng” nếu đàm phán thất bại.

Nguồn: ITN

Về phía Mỹ, đại diện thương mại Robert Lighthizer sau đó cho biết, EU không có cơ sở pháp lý để áp thuế lên hàng hóa Mỹ và Washington sẽ đáp trả. Dẫu vậy, ông nói thêm rằng sẽ tăng cường đàm phán với Brussels để khôi phục sự cạnh tranh công bằng và giải quyết vấn đề.

Những tranh chấp liên quan từng làm bùng lên nguy cơ chiến tranh thương mại giữa Mỹ và EU vào năm 2018, trùng thời điểm với căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Trước tháng 7.2018, EU đưa ra một số biện pháp trả đũa với các khoản thuế quan Mỹ đánh vào sắt thép và nhôm, trong khi Mỹ cũng xem xét đánh thuế máy bay và xe hơi nhập từ EU. Cuối tháng 7.2018, hai bên thỏa thuận “tạm đình chiến” để bắt đầu thương lượng các điều khoản thương mại mới.

Như đã đề cập ở trên, thuế quan theo phán quyết mới nhất của WTO sẽ không có hiệu lực ngay lập tức. EU vẫn cần sự cho phép của WTO để áp đặt các khoản thuế, vốn có thể thực hiện sớm nhất vào ngày 26.10 tới. Năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã ban hành danh sách sơ bộ các sản phẩm Mỹ có thể bị chọn đánh thuế, bao gồm máy bay, hóa chất, trái cây họ cam quýt, cá đông lạnh và tương cà chua.

Trong bối cảnh các công ty Mỹ đang quay cuồng với đại dịch Covid-19, các loại thuế quan mới sẽ đặc biệt đau đớn đối với Boeing, vốn đang phải vật lộn với khủng hoảng kép kinh hoàng. Boeing, cũng như Airbus, đã phải công bố kế hoạch cắt giảm hơn 10% lực lượng lao động toàn cầu vào mùa hè này trong bối cảnh du lịch giảm mạnh, buộc nhiều hãng hàng không phải trì hoãn và thu hẹp kế hoạch mua máy bay. Cả Boeing và Airbus đều có kế hoạch cắt giảm hơn 30.000 việc làm.

Linh Anh