Bước lùi trong nỗ lực bảo vệ phụ nữ?

Đạt Quốc 23/03/2021 08:37

Ngày 20.3, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi Công ước Istanbul - Công ước quốc tế bảo vệ phụ nữ của Hội đồng châu Âu. Động thái trên gây ra làn sóng phản đối khắp đất nước Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang quay cuồng với các vụ bạo lực gia đình và xâm hại phụ nữ.

Nội dung gây tranh cãi

Công ước Istanbul của Hội đồng châu Âu được 45 quốc gia và Liên minh châu Âu ký kết, là khuôn khổ pháp lý toàn diện về vấn đề phòng ngừa và chống bạo lực đối với phụ nữ và bạo lực gia đình. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia đầu tiên ký Công ước vào năm 2011. Công ước Istanbul, được đặt theo tên thành phố lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, quy định nam giới và phụ nữ có quyền bình đẳng và bắt buộc các cơ quan nhà nước phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ, bảo vệ nạn nhân và truy tố thủ phạm.

Tuy nhiên, từ lâu Công ước này đã gây tranh cãi trong chính giới Thổ Nhĩ Kỳ khi những chính trị gia thuộc đảng cầm quyền và các đảng Hồi giáo bảo thủ khác ủng hộ việc xem xét lại thỏa thuận, cho rằng nó không phù hợp với các giá trị truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ khi khuyến khích ly hôn. Họ cũng cho rằng Công ước khuyến khích quan hệ đồng tính luyến ái thông qua các quy định liên quan đến giới tính, khuynh hướng tình dục và bản dạng giới; xem đó là một mối đe dọa đối với các tổ chức gia đình truyền thống của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cuộc tranh luận công khai xung quanh Công ước lên đến đỉnh điểm vào tháng 8 năm ngoái khi các nhóm tôn giáo và bảo thủ bắt đầu nỗ lực vận động hành lang dữ dội chống lại văn bản này. Các chính trị gia liên tục có các phát biểu thù địch nhằm vào Công ước và những người ủng hộ, trong đó có cả Bộ trưởng Nội vụ, người đã mô tả cộng đồng LGBT là “những kẻ biến thái” trong trên trang mạng cá nhân.

Nội các của ông Erdogan đã lên tiếng để bảo đảm với những người phản đối quyết định trên rằng việc rút khỏi Công ước sẽ không đồng nghĩa với sự thoái lui các quy định về bạo lực gia đình và quyền của phụ nữ. Bộ trưởng Chính sách gia đình và xã hội Zehra Zumrut Selcuk cho biết trên Twitter: “Việc bảo đảm quyền của phụ nữ có trong luật hiện hành và đặc biệt là trong Hiến pháp. Hệ thống tư pháp của chúng ta đủ năng động và mạnh mẽ để thực hiện các quy định mới khi cần thiết”.

Biểu tình phản đối bạo lực đối với phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ Nguồn: AP
Biểu tình phản đối bạo lực đối với phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ  

Nguồn: AP

Phản ứng gay gắt

Bất chấp lời trấn an từ chính quyền, sắc lệnh vội vã của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là đòn giáng mạnh vào những người ủng hộ quyền của phụ nữ, cho rằng thỏa thuận này là khung pháp lý quốc tế quan trọng để chống bạo lực gia đình. Các nhóm ủng hộ nữ quyền và bảo vệ phụ nữ đã ngay lập tức kêu gọi biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong hai ngày cuối tuần qua để phản đối quyết định trên. Họ hô vang khẩu hiệu: “Rút lại quyết định, thực hiện Công ước”, tuyên bố, cuộc đấu tranh kéo dài nhiều thập kỷ của họ sẽ không thể xóa bỏ trong một đêm. Nhóm vận động Liên minh Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo: “Rõ ràng quyết định này sẽ khuyến khích thêm những kẻ sát hại phụ nữ, những kẻ quấy rối, những kẻ hãm hiếp (phụ nữ)”. Thậm chí nhiều nhóm vận động còn kêu gọi Tổng thống Erdogan từ chức.

Các nhóm nhân quyền nói rằng bạo lực nhằm vào phụ nữ đang gia tăng ở Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà Bộ trưởng Nội vụ đã gọi đó là “lời nói dối thiếu căn cứ”. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ không có bất kỳ con số thống kê nào liên quan đến lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo tổ chức We Will Stop Femicide Platform, tổng cộng 77 phụ nữ đã bị sát hại tại nước này tính từ đầu năm đến nay. Con số này trong năm 2020 là 409 phụ nữ, chưa kể hàng chục người được tìm thấy đã tử vong trong những trường hợp đáng ngờ.

Giới chức châu Âu bày tỏ lấy làm tiếc trước quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu Josep Borrell cho rằng, bước đi của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ảnh hưởng tới việc bảo vệ các quyền của phụ nữ và trẻ em; nó truyền một thông điệp “nguy hiểm” ra thế giới. Ông hy vọng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đảo ngược quyết định của mình.

Tổng Thư ký Hội đồng châu Âu Marija Pejčinović Burić gọi quyết định này là “tàn khốc”. Bà nói: “Động thái này là một trở ngại lớn đối với cuộc đấu tranh của chúng ta và càng đáng trách hơn vì nó làm ảnh hưởng đến không chỉ nỗ lực bảo vệ phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn trên toàn châu Âu và hơn thế nữa”.

Còn Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định, việc rời khỏi Công ước sẽ tước đi của phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ một công cụ quan trọng để chống lại bạo lực đối với mình.

Trong khi đó, Pháp, Mỹ coi đây là bước lùi về nhân quyền. Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh, động thái của Thổ Nhĩ Kỳ là đáng thất vọng và là một bước lùi đối với các nỗ lực quốc tế trong việc chấm dứt tình trạng bạo hành phụ nữ.

Một số nhà luật học của Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố Công ước vẫn có hiệu lực bởi Tổng thống không thể đơn phương ký quyết định rút khỏi Công ước này mà không có sự chấp thuận Quốc hội, cơ quan đã phê chuẩn Công ước năm 2012.

Tuy nhiên, trên thực tế, Tổng thống Erdogan đã giành được quyền lực sâu rộng khi tái đắc cử năm 2018. Ông cũng đã thúc đẩy sửa đổi Hiến pháp nhằm đưa Thổ Nhĩ Kỳ chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống với nhiều quy định mới tăng cường quyền lực cho cơ quan hành pháp. Bộ trưởng Tư pháp nước này cũng bác bỏ ý kiến của các nhà luật học khi viết trên Twitter rằng: “Quốc hội là cơ quan phê chuẩn Công ước nhưng cơ quan hành pháp là cơ quan thực thi, do đó, cơ hành pháp cũng có quyền rút khỏi Công ước đó”.

Phản ứng trước tuyên bố trên, các nữ nghị sĩ từ đảng đối lập chính của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ sẽ không công nhận sắc lệnh hành pháp của ông Erdogan và gọi đây là một cuộc “đảo chính” nhằm vào Quốc hội và là hành động “chiếm đoạt” quyền của 42 triệu phụ nữ.

Trước Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan cũng đã xúc tiến rút khỏi Công ước này tháng 7 năm ngoái, quyết định sau đó dẫn đến phản ứng gay gắt của EU, đặc biệt là khi nó được đưa ra trong bối cảnh Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo tình trạng bạo lực gia đình gia tăng tại châu Âu vào thời điểm các quốc gia phải đẩy mạnh biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan của dịch Covid-19.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bước lùi trong nỗ lực bảo vệ phụ nữ?
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO