Chính trị

Bước đột phá về thể chế, phá vỡ “cục máu đông" nợ xấu

Tin và ảnh: Trung Thành 20/05/2025 18:10

Các đại biểu cho rằng, các quy định về kê biên tài sản bảo đảm, hoàn trả tài sản bảo đảm là những đột phá về thể chế, nhằm giúp phá vỡ “cục máu đông" nợ xấu.

Chiều 20/5, Tổ 15 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Trị, Bình Phước, Bình Thuận) thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

g1.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 15

Tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân

Đa số ĐBQH tại Tổ 15 tán thành việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.

ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) nêu rõ, trên thực tiễn, hoạt động ngân hàng là hoạt động kinh doanh gắn với rủi ro, việc phát sinh nợ xấu là điều không thể tránh khỏi. Xử lý nợ xấu là công việc thường xuyên, tạo sự luân chuyển vốn thuận lợi cho phát triển kinh tế.

p3.jpg
ĐBQH Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Hiện nay, nợ xấu của hệ thống tín dụng vẫn tiếp tục ở mức cao và có xu hướng gia tăng đang là áp lực đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt đặt trong bối cảnh hiện tại khi năm 2025 được xác định là năm tăng tốc, bứt phá để về đích cả nhiệm kỳ 2021-2025 và Chính phủ đã đề ra mục tiêu đạt mức tăng trưởng ít nhất 8%, tạo thế, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế để đất nước ta tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.

Việc luật hóa 3 quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 (quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm, hoàn trả vật chứng của vụ án hình sự) là vô cùng cấp thiết để bảo đảm cơ sở pháp lý lâu dài, ổn định nhằm gia tăng hiệu quả xử lý nợ xấu, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp, người dân, từ đó tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.

p5.jpg
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 15

Ngoài ra, với sự phát triển của khoa học công nghệ, hoạt động ngân hàng luôn đối mặt với các rủi ro thanh khoản có diễn biến rất nhanh và trên quy mô lớn. Thực tế cũng cho thấy, rủi ro rút tiền hàng loạt không chỉ diễn ra ở các ngân hàng thương mại yếu kém, mà các ngân hàng thương mại có quy mô lớn hoạt động hiệu quả vẫn có thể phải đối mặt với nguy cơ rút tiền hàng loạt do các sự cố khách quan.
Việc sử dụng các ứng dụng ngân hàng điện tử, internet banking hoặc các ứng dụng điện tử khác cũng khiến sự cố rút tiền hàng loạt có thể diễn ra nhanh hơn.

Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhấn mạnh, việc Quốc hội xem xét thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng là rất cần thiết.

Tránh lạm dụng khi thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm

Nghiên cứu dự thảo Luật, ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) cho rằng, quy định về thu giữ tài sản bảo đảm không phải là quy định mới, đã được ghi nhận tại Nghị định số 163/2006/NĐ-CP và sau đó đã được thí điểm tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội. Các quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm cơ bản được luật hóa toàn bộ từ Điều 7 Nghị quyết số 42 và đã được thực tiễn chứng minh hiệu lực, hiệu quả.

p6.jpg
ĐBQH Thái Quỳnh Mai Dung (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Việc luật hóa toàn bộ quy định của Điều 7 Nghị quyết số 42/2017/QH14 đã được điều chỉnh, bổ sung để khắc phục những hạn chế khi áp dụng quy định này trong giai đoạn thí điểm - là bảo đảm phù hợp với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng.

Do vậy, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhất trí với việc quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm tại dự thảo Luật nhằm bảo đảm việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực hiện công khai, minh bạch, có sự giám sát, chứng kiến của cơ quan có thẩm quyền, tránh việc bên thực hiện thu giữ tài sản bảo đảm lạm dụng quyền của mình.

p7.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp tại Tổ 15

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung nhấn mạnh, việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý này sẽ có những tác động tích cực tới nền kinh tế, như gia tăng khả năng xoay vòng vốn cũng như tạo điều kiện để người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng với chi phí hợp lý, tránh để phát sinh và bùng phát tình trạng người dân, doanh nghiệp tiếp cận “tín dụng đen…

Ngoài ra, các quy định khác về kê biên tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, tang vật, phương tiện trong vụ việc vi phạm hành chính cũng là những đột phá về thể chế, nhằm giúp phá vỡ “cục máu đông" nợ xấu, thúc đẩy gia tăng nguồn vốn tín dụng trong nền kinh tế. Bảo đảm tôn trọng giá trị pháp lý của các giao dịch bảo đảm đã có hiệu lực, điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực, củng cố niềm tin để các ngân hàng thực hiện tốt và hiệu quả vai trò trung gian tài chính - huy động mọi nguồn lực, nhất là nguồn lực trong Nhân dân để cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

p8.jpg
ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Về Khoản 1, Điều 198a về quyền thu giữ tài sản bảo đảm quy định: Trường hợp bên bảo đảm, người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.

Cho rằng, quy định như vậy là chưa có cơ chế xử lý mạnh về việc thu giữ tài sản bảo đảm đối với các khoản nợ xấu thì rất khó khả thi, ĐBQH Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần có quy định về các biện pháp xử lý khi bên thu giữ và người đang giữ tài sản bảo đảm không giao tài sản bảo đảm cho các tổ chức cho tổ chức tín dụng.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bước đột phá về thể chế, phá vỡ “cục máu đông" nợ xấu
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO