Nghiên cứu, sản xuất thành công bộ kít xét nghiệm SARS-Cov-2:

Hiệu quả từ đầu tư đúng hướng

- Thứ Tư, 23/12/2020, 06:43 - Chia sẻ
Trong đợt phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua, chỉ trong khoảng một tháng, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, chế tạo thành công và đưa vào ứng dụng hiệu quả bộ sinh phẩm real-time RT-PCR phát hiện virus SARS-CoV-2 “Made in Vietnam".

Làm chủ hoàn toàn việc sản xuất bộ kít xét nghiệm

Dịch bệnh do chủng virus corona mới 2019 gây ra từ cuối tháng 12.2019 và nhanh chóng trở thành đại dịch toàn cầu. Để sớm có bộ sinh phẩm phát hiện virus corona chủng mới (SARS-CoV-2), ngày 3.2.2020, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định phê duyệt danh mục nhiệm vụ KH - CN cấp quốc gia: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019” (2019-nCoV), giao Học viện Quân Y chủ trì. Chỉ sau 3 ngày, cơ quan này đã hoàn thành Hồ sơ thuyết minh nhiệm vụ (thông thường là 60 ngày) và được Hội đồng KH - CN cấp Quốc gia thông qua, Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt triển khai đề tài.

Hành trình các nhà khoa học của Học viện Quân Y và Công ty Cổ phần Việt Á đã nỗ lực làm việc ngày, đêm và chỉ sau gần một tháng đã làm chủ công nghệ chế tạo được bộ kít real-time RT-PCR phát hiện SARS-CoV-2. Ngày 3.3, Hội đồng KH - CN cấp Quốc gia đã họp đánh giá kết quả nghiên cứu chế tạo bộ kít real-time RT-PCR one step với 100% thành viên đồng ý thông qua; đến ngày 4.3, Bộ Y tế đồng ý cấp phép sử dụng bộ kít vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid - 19.

Theo thống kê, hiện đã có gần một triệu test được cung cấp cho hầu hết tỉnh thành phố sử dụng kít; ngoài ra một số nước đã đặt mua như Campuchia, Balan, Ucraina, Áo, Phần Lan, Malaysia (khoảng 20.000 test),… Đặc biệt, ngày 20.4, Bộ kít được Vương Quốc Anh cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và Giấy chứng nhận được bán tự do tại thị trường châu Âu (CFS); được Tổ chức Y tế Thế giới gửi thư chấp thuận và đưa vào quy trình đánh giá sử dụng khẩn cấp (EUL).

Giám đốc Học viện Quân Y, GS.TS. Đỗ Quyết chia sẻ, bộ kít đáp ứng tiêu chí tương đương bộ sinh phẩm do US CDC và WHO sản xuất. Khi có kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã gửi đến tạp chí virus học quốc tế Vigology. Tạp chí này đã gửi nghiên cứu đến WHO và WHO lập tức liên hệ với Học viện Quân Y xin phép chia sẻ nghiên cứu tới các phòng thí nghiệm khác. Bộ sinh phẩm real-time RT- PCR có giá thành thấp hơn, phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam và đặc biệt là ứng phó với tình huống cấp thiết khi dịch SARS-CoV-2 bùng phát đến đỉnh dịch ở Việt Nam trong khi hỗ trợ quốc tế rất hạn chế.

“Việc nghiên cứu và sản xuất thành công bộ kít có ý nghĩa vô cùng to lớn trong lúc dịch bệnh đang là mối lo ngại trên toàn thế giới, khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung, ngành KH - CN và doanh nghiệp nói riêng trước những vấn đề cấp thiết đặt ra từ cuộc sống”, GS.TS. Đỗ Quyết nhấn mạnh.  

Bộ xét nghiệm COVID-19 của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu

Hiệu quả từ sự đầu tư bài bản cho KH - CN

Các quy trình và bộ sinh phẩm của đề tài đã giúp việc chẩn đoán nhanh, chính xác và kịp thời các trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và theo dõi điều trị bệnh nhân, giúp các biện pháp can thiệp y tế cộng đồng để kiểm soát dịch tại Việt Nam. Đồng thời, là cơ sở cho các nghiên cứu sau đó như dữ liệu đặc điểm di truyền phân tử, sự tiến hóa của chủng SARS-CoV-2 phục vụ các nghiên cứu về chế tạo vaccine dự phòng và thuốc kháng virus đối với chủng SARS-CoV-2.

Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS. Hồ Anh Sơn cho biết: Việc yêu cầu một tháng có sản phẩm trên thị trường buộc nhóm nghiên cứu và nhà sản xuất phải phối hợp và thực hiện nhiệm vụ ngay từ khi bắt đầu, chứ không ngồi chờ chuyển giao kết quả. Chuyên gia hai phía cùng “bám labo”, trao đổi liên tục để rút ngắn thời gian tối đa của các thử nghiệm và chuyển giao ngay cho sản xuất. “Khó khăn lớn nhất là quỹ thời gian quá ngắn, ngắn đến nghẹt thở. Nhưng thuận lợi, hay đúng hơn là sự hỗ trợ vô cùng lớn. Sự kết hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý đã tăng hiệu quả và rút ngắn thời gian nhiều lần, để có được sản phẩm kịp thời phục vụ cộng đồng. Bên cạnh đó, sự quan tâm, sâu sát của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, Chính phủ tạo sự thuận lợi lớn trong triển khai nhiệm vụ”, PGS.TS. Hồ Anh Sơn chia sẻ.

Nhấn mạnh mối liên kết 3 nhà, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Á Phan Quốc Việt chia sẻ “Thành công này dựa trên nền tảng đã có, liên kết chân kiềng giữa Bộ Khoa học và Công nghệ; Học viện Quân Y và Công ty Việt Á đã được hình thành trước đó. Khi có việc cần thì chỉ cần khớp vào là có thể vận hành, vì vậy mà trong vòng 1 - 2 tuần nhóm có được sản phẩm”.

GS.TS. Lê Bách Quang - Ban Chủ nhiệm Chương trình KH - CN trọng điểm cấp quốc gia cho biết, do có sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, liên quan, Bộ Khoa học và Công nghệ và các nhà khoa học đã tổ chức họp “Diên Hồng” xác định 3 nhiệm vụ lớn, cấp bách trong giai đoạn hiện nay đó là: phải sản xuất các bộ kít sinh phẩm để chẩn đoán; nghiên cứu về dịch tễ học ngay từ rất sớm; xây dựng các kịch bản, biện pháp ứng phó với mọi tình huống.

Các kết quả nghiên cứu rất nhanh, nhưng là sự tích lũy năng lực, kinh nghiệm từ nhiều năm nay của các nhà khoa học, đồng thời là kết quả của một quá trình đầu tư lâu dài, bền bỉ, đúng hướng của ngành KH - CN để nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất cho các nhà khoa học cũng như doanh nghiệp, từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu ứng dụng. Bộ kít chẩn đoán SARS-CoV-2 ra đời chỉ sau một tháng nghiên cứu, đó chính là “trái ngọt” của nhiều năm đầu tư.

Nhóm nghiên cứu từng được Bộ Khoa học và Công nghệ giao thực hiện các đề tài KH - CN cấp quốc gia nghiên cứu chế tạo kít phát hiện Ebola, lao kháng thuốc. Thông qua nhiều chương trình KH - CN trọng điểm cấp Nhà nước như KC.10, KC.04 “Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học”…, Bộ Khoa học và Công nghệ đã đầu tư cho các đơn vị thực hiện nhiều nhiệm vụ để tạo ra sản phẩm thiết thực. Riêng Học viện Quân Y, từ năm 2011 đến nay, mỗi năm có khoảng từ 3-4 đề tài nghiên cứu cấp quốc gia, trong đó có năm nhiệm vụ thuộc lĩnh vực y tế dự phòng và sản xuất các bộ kít xét nghiệm.

Công ty Việt Á đã được giao thực hiện các dự án hoàn thiện công nghệ sản xuất kít, như hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kít chẩn đoán lao và lao kháng thuốc (từ kết quả nghiên cứu của Học viện Quân Y) năm 2014; hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kít xác định đột biến gien AZF và bộ kít xác định mức độ đứt gãy AND của tinh trùng (do Trường Đại học Y Hà Nội chuyển giao) phục vụ chẩn đoán vô sinh. Hiện, các đơn vị nghiên cứu trong nước có thể chạy đua với thế giới trong nghiên cứu và sản xuất vaccine cũng là do đã có nền tảng nghiên cứu, sản xuất từ hàng chục năm về trước và sự đầu tư nguồn lực từ các chương trình KH - CN cấp quốc gia.

Linh Chi