Bước đột phá trong cải cách thanh toán chi thường xuyên

Vy Hương 15/11/2023 08:25

Với mục tiêu và quyết tâm chuyển đổi từ kho bạc điện tử sang kho bạc số, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tìm tòi các sáng kiến để tăng tính hiệu quả của các dịch vụ thuộc lĩnh vực kho bạc; một trong những sáng kiến đó là thanh toán tự động một số khoản chi thường xuyên cho các đơn vị sử dụng ngân sách.

Sáng kiến của công chức kho bạc

Để hiểu được sáng kiến này, trước hết, cần hiểu về quy trình thực hiện chi ngân sách nhà nước.

Đầu tiên, trên ứng dụng dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước (KBNN), giao dịch viên của đơn vị sử dụng ngân sách lập hồ sơ, kế toán trưởng và lãnh đạo đơn vị phê duyệt hồ sơ để gửi sang KBNN. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, giao dịch viên KBNN kiểm tra tính đầy đủ và hợp lệ; đệ trình lên kế toán trưởng kiểm tra hồ sơ và đệ trình lãnh đạo KBNN đơn vị. Tiếp đến, lãnh đạo KBNN sẽ phê duyệt chi cho những hồ sơ đúng, đủ điều kiện. Hồ sơ sau đó được giao diện vào hệ thống TABMIS; hệ thống TABMIS tự động tạo lệnh thanh toán và gửi đi các ngân hàng thương mại qua hệ thống thanh toán (Hình 1).

Bước đột phá trong cải cách thanh toán chi thường xuyên -0

Trong quá trình vận hành, giám sát, KBNN phát hiện có một số loại hồ sơ chi có tính chất không phức tạp, thanh toán hoàn toàn căn cứ vào hóa đơn sử dụng từ các nhà cung cấp dịch vụ, có số lượng nhiều và lặp đi lặp lại hàng tháng, đó là các khoản chi cho dịch vụ điện, nước, viễn thông. Quy trình xử lý loại hồ sơ này tương tự các hồ sơ phức tạp khác. Nếu có thể giảm được công sức kiểm soát các loại hồ sơ này thì cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN có thể dành thời gian kiểm soát cho các hồ sơ quan trọng hơn.

Từ đó, các công chức KBNN đã nghiên cứu và báo cáo lãnh đạo KBNN cho phép triển khai một sáng kiến có tính đột phá: thanh toán hoàn toàn tự động cho các khoản chi dịch vụ điện, nước, viễn thông. Sáng kiến được triển khai như sau: KBNN kết nối hệ thống công nghệ thông tin với các nhà cung cấp dịch vụ và ngân hàng thương mại. Định kỳ, các nhà cung cấp gửi hóa đơn thông qua ngân hàng thương mại cho KBNN và căn cứ vào đó KBNN tự động trích nợ tài khoản của đơn vị sử dụng ngân sách để thanh toán cho các nhà cung cấp và gửi giấy báo nợ cho đơn vị sử dụng ngân sách. Việc trích nợ tự động được thực hiện thông qua việc đơn vị sử dụng ngân sách và KBNN ký kết một văn bản ủy quyền thanh toán tự động, trong đó chỉ rõ các mã khách hàng, dịch vụ và tài khoản tương ứng để trích nợ (Hình 2).

Sau hơn 1 năm xây dựng chương trình ứng dụng và 6 tháng vận hành thí điểm, đến tháng 5.2023, quy trình và ứng dụng thanh toán tự động cho các khoản chi điện, nước, viễn thông đã chính thức hoạt động trên toàn quốc. KBNN đã đạt được thỏa thuận với Tổng công ty Dịch vụ viễn thông VNPT (Vinaphone), là nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, là đơn vị trung gian kết nối với hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước trên toàn quốc để thực hiện kết nối, triển khai quy trình mới. Cho đến nay, dữ liệu thống kê đã cho thấy tính hiệu quả của sáng kiến.

Kết quả triển khai đến hết tháng 10.2023
Kết quả triển khai đến hết tháng 10.2023

Nhiều lợi ích thấy rõ

Có thể thấy sáng kiến này mang lại nhiều lợi ích. Đó là thời gian và chi phí hoạt động của đơn vị sử dụng ngân sách giảm đáng kể do không phải lập chứng từ thanh toán gửi KBNN. Quy trình tự động thanh toán giúp rút ngắn thời gian giao dịch từ 1 ngày cho mỗi hồ sơ chi với rất nhiều nhân lực tham gia kiểm soát (với quy trình thủ công) xuống còn 2 - 3 tiếng. KBNN giảm đáng kể lượng hồ sơ giao dịch, công chức kho bạc có thêm thời gian để kiểm soát các hồ sơ phức tạp hơn; nguồn lực con người chuyển từ thực thi sang giám sát, kiểm tra, đối soát, đẩy mạnh công tác chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”.

Cùng với đó, hóa đơn dịch vụ của tất cả các đơn vị sử dụng ngân sách được KBNN thực hiện thanh toán cùng lúc giúp dòng tiền của nhà cung cấp dịch vụ được lưu chuyển nhanh chóng, thuận lợi. Thanh toán tự động cũng góp phần tăng hiệu quả cho công tác dự báo luồng tiền.

Bên cạnh đó, quy trình mới cũng còn tồn tại một số hạn chế mà KBNN cần tiếp tục nghiên cứu khắc phục. Thứ nhất, tại một thời điểm, một mã khách hàng của một dịch vụ của đơn vị sử dụng ngân sách chỉ có thể ủy quyền trích nợ từ một tài khoản duy nhất. Đã có nhiều đơn vị đề xuất KBNN nghiên cứu phương án để có thể cho phép trích nợ từ nhiều tài khoản khác nhau.

Thứ hai, quy trình thanh toán tự động không áp dụng cho những trường hợp thanh toán trước cước qua 2 năm (thanh toán trước 6 tháng hoặc 1 năm với thời gian từ năm trước sang năm sau) đối với dịch vụ internet do Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước không có quy định liên quan tình huống này. Hiện, KBNN đang nghiên cứu tìm phương án và đề xuất với Chính phủ, Quốc hội điều chỉnh các văn bản quy định pháp luật nếu cần thiết.

Với định hướng phát triển Kho bạc số đến năm 2023, triển khai hệ thống thanh toán tự động mới chỉ là bước khởi đầu. Tuy là mảnh ghép nhỏ, nhưng ý nghĩa vô cùng lớn, khẳng định rằng việc chuyển đổi số của KBNN là khả thi.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Bước đột phá trong cải cách thanh toán chi thường xuyên
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO